Khái quát về thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại? Có phải mọi thương nhận đều có thể kinh doanh dịch vụ giám định thương mại?
Hàng hóa trong quá trình giao lưu buôn bán, vận chuyển luôn có nguy cơ phải chịu những rủi ro, tổn thất, hỏng, vỡ,…Do đó để giải quyết tranh chấp và có chứng cứ khách quan phân định trách nhiệm đối với các bên tham gia vào quá trình thực hiện
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp
1. Khái quát về thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại?
Trong đời sống kinh tế-xã hội, giám định là một nhu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với sự phát triển và hòa nhập vào khu vực của nền kinh tế-xã hội Việt Nam. Dịch vụ giám định giữ vai trò đặc biệt quan trọng, các thương nhân mua bán hàng hoá, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu, luôn sử dụng dịch vụ giám định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong quá trình giao nhận hàng hoá. Theo giải thích tại Điều 254 Luật Thương mại: “Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.“
Giám định hàng hoá làm tăng thêm trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình thực hiện các Hợp đồng mua bán, từ đó ngăn ngừa các rủi ro, tổn thất và những nghi ngờ, tranh chấp giữa các bên. Đặc biệt khi có tranh chấp xảy ra, chứng thư giám định được sử dụng như một chứng cứ khách quan mang tính pháp lí quan trọng để các bên có thể giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hạn chế tranh cãi kéo dài, tốn thời gian và chi phí… ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định là thương nhân được thành lập một cách hợp pháp, thực hiện công tác giám định hàng hoá theo yêu cầu của khách hàng, hoạt động một cách độc lập, trung lập. Thương nhân giám định không có quyền lợi liên quan đến hàng hoá, họ chỉ là tổ chức trung gian thực hiện nghiệp vụ giám định một cách khách quan trung thực để xác định và cung cấp các chứng cứ về thực trạng hàng hoá, phương tiện cũng như các vấn đề khác có liên quan theo yêu cầu của khách hàng.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định theo yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, mang tính chất độc lập, trung lập. Vị trí độc lập, trung lập có nghĩa: Thương nhân giám định không có liên quan về quyền lợi vật chất với bất cứ bên nào. Về nghiệp vụ không bị chi phối bởi bất cứ ngành nào, không thiên về phái nào, tự mình độc lập đem hết khả năng và trách nhiệm cung cấp chứng cứ cụ thể, đúng thực tế, làm cơ sở cho các bên liên quan giải quyết tranh chấp. Việc giám định có thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc theo uỷ quyền của Nhà nước.
2. Có phải mọi thương nhân đều có thể kinh doanh dịch vụ giám định thương mại?
Hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại là hoạt động có điều kiện, do đó, không phải mọi thương nhân đều có thể kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, điều này đã được minh chứng bằng quy định tại Điều 256 Luật Thương mại, cụ thể: “Chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định.“. Như vậy, theo quy định này, một thương nhân để được kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải đáp ứng đồng thời điều kiện về nội dung và điều kiện về hình thức, tức là:
Thứ nhất, phải thỏa mãn các điều kiện luật định.
Nhắc tới điều kiện kinh doanh dịch vụ thương mại, Điều 257 Luật Thương mại đã nêu rõ 3 điều kiện:
Một là, là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
Mặc dù thuật ngữ được nhắc đến là thương nhân và phạm trù về thương nhân là khá rộng nhưng theo quy định này thì thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại chỉ có thể là doanh nghiệp, điều quan trọng là doanh nghiệp này phải được thành lập hợp pháp, tức là phải thực hiện các thủ tục đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận sự ra đời và tồn tại của nó dưới một giấy tờ pháp lý cụ thể. Đây là điều kiện đầu tiên và tiên quyết đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh có điều kiện nào.
Hai là, có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 259 của Luật này. ( Có ít nhất 04 giám định viên chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn)- Khoản 3, Điều 13 Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
Giám định viên là cá nhân thực hiện hoạt động giám định trực tiếp và làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định. Vì là người thực hiện hoạt động dịch vụ cho nên việc đặt ra các tiêu chuẩn là cần thiết để đảm bảo hiệu quả công việc, cụ thể, giám định viên phải đáp ứng 03 điều kiện: (i) Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định; (ii) Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn; (iii) Có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ.
Ba là, có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hoá, dịch vụ đó.
Việc xác định điều kiện này chỉ mang tính cảm tính và thường chỉ cần đạt hai điều kiện trên thì điều kiện này hoàn toàn có khả năng được chấp nhận, việc đánh giả khả năng chỉ có thể được đánh giá thông qua cơ sở vật chất, thiết bị và năng lực của giám định viên, do đó, hầu hết các doanh nghiệp chuẩn bị, đã và đang kinh doanh dịch vụ giám định hầu như đều có khả năng thực hiện này, bởi đây là điều kiện cơ bản để duy trì hoạt động và giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và được nhiều khách hàng lựa chọn.
Thứ hai, phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
Việc được cấp giấy chứng nhận hay không cũng phụ thuộc vào các điều kiện ở trên và doanh nghiệp phải có hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền, việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại là sự ghi nhận của nhà nước cho phép sự ra đời của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại và doanh nghiệp này được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích.
Việc cho phép sự ra đời của các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại nhằm chia sẽ gánh nặng với các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng là xu hướng xã hội hóa các hoạt động mà khả năng thực hiện của các doanh nghiệp cực kỳ tốt do có năng lực tài chính mạnh, cùng với thực trạng các hoạt động buôn bán hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng, mà việc giám định thường mất nhiều thời gian, trong khi đó khả năng cáng đáng của cơ quan nhà nước là có giới hạn. Đồng thời, việc kinh doanh dịch vụ giám định vừa tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp và cũng tạo sự thoải mái giữa khách hàng với bên cung ứng dịch vụ, một bên trả tiền để được cung ứng dịch vụ.
Có thể thấy, thương nhân kinh doanh dịch giám định thương mại đang thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, đó là hoạt động giám định và cấp chứng giám định, một lần nữa tái khẳng định rằng, giám định có ý nghĩa đối với các bên tham gia và liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện hợp đồng mua bán, họ có thể yên tâm với những việc mà mình đã cố gắng làm đúng, bởi lẽ họ tìm thấy ở giám định người trọng tài vô tư, khách quan, luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, trong giám định hàng hoá nhập khẩu là hoạt động hữu hiệu giúp Nhà nước quản lí chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, để các doanh nghiệp tránh nhập phải hàng xấu, hàng kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân, làm ảnh hưởng đến môi trường, gây rối loạn thị trường trong nước,..Với vai trò và ý nghĩa như vậy, hoạt động giám định hàng hoá xuất nhập khẩu là một loại dịch vụ gắn liền và hỗ trợ đắc lực cho hoạt động Ngoại thương cũng như cho hoạt động quản lí Nhà nước.