Môi giới hôn nhân với người nước ngoài thế nào là trái luật? Xử lý hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật?
Hành vi mai mối hôn nhân hay còn được gọi là môi giới hôn nhân là việc làm mà trung gian cho các bên gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán và bắt đầu thiết lập các quan hệ của các bên nhằm mục đích để hưởng thù lao. Những việc mà bên trung gian làm đó bao gồm là việc tìm kiếm các khách hàng và tiến hành một số đàm phán. Vậy ở nước ta những hành vi nào là hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật?
Căn cứ pháp lý:
–
– Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Môi giới hôn nhân với người nước ngoài thế nào là trái luật?
Môi giới hôn nhân chính là hành vi giới thiệu và thực hiện tư vấn hôn nhân cho công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài. Pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ công nhận và cấp phép cho tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu và tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài đó chính là Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Chính vì thế mà bất kỳ một cá nhân nào hay tổ chức nào mà không được nhà nước cấp phép hoạt động về lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì đều là hoạt động trái pháp luật và hành vi đó chính là môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật.
Tại Điều 51 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định rằng:
“Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Hội Liên hiệp phụ nữ)”.
Như vậy, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chính là một đơn vị sự nghiệp thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ.
Tại Điều 52 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về nguyên tắc hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, cụ thể là những nguyên tắc sau:
– Các hoạt động của Trung tâm phải bảo đảm được nguyên tắc phi lợi nhuận, phải bảo đảm về việc hoạt động của trung tâm sẽ góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài, phải phù hợp với nguyên tắc cơ bản về chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Các bên kết hôn (người Việt Nam với người nước ngoài) đều có quyền được tư vấn, được hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Những vấn đề tư vấn, hỗ trợ sẽ không phụ thuộc vào quốc tịch, vào nơi cư trú của người có yêu cầu.
– Nghiêm cấm việc lợi dụng việc tư vấn và hỗ trợ hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích để mua bán người, để bóc lột sức lao động, để xâm phạm tình dục hoặc vì những mục đích trục lợi khác.
Qua quy định trên, có thể thấy hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật chính là những hành vi đi trái với nguyên tắc hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:
– Hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận; đòi hỏi tiền bạc hoặc các lợi ích khác ngoài thù lao theo đúng quy định khi thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài;
– Thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mà không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc
– Không thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho những người có yêu cầu tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài;
– Lợi dụng việc thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích để mua bán người, để bóc lột sức lao động, để xâm phạm tình dục hoặc vì các mục đích trục lợi khác.
2. Xử lý hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật:
Những cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật thì sẽ tuỳ thuộc vào mức độ, tính chất, mục đích, động cơ,…của hành vi mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý vi phạm hành chính: Những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không đúng với quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
Tại Điều 39 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có quy định như sau:
– Nếu trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho những người có yêu cầu về tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
– Nếu trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận; đòi hỏi tiền bạc hoặc các lợi ích khác ngoài thù lao theo đúng quy định khi thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
– Nếu trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không giữ bí mật về các thông tin, về tư liệu về đời sống riêng tư, về bí mật cá nhân, về bí mật gia đình của các bên theo đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
– Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích để mua bán người, để bóc lột sức lao động, để xâm phạm tình dục hoặc vì các mục đích trục lợi khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tại Điều 150 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội mua bán người, cụ thể như sau:
– Người nào mà dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, có hành vi lừa gạt hoặc là thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Chuyển giao hoặc là tiếp nhận người để giao, để nhận tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác;
+ Chuyển giao hoặc là tiếp nhận người nhằm để bóc lột tình dục, để cưỡng bức lao động, để lấy bộ phận cơ thể của các nạn nhân hoặc là vì mục đích vô nhân đạo khác;
+ Tuyển mộ, vận chuyển hay chứa chấp người khác nhằm để thực hiện các hành vi trên.
– Phạm tội mà thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức;
+ Vì các động cơ đê hèn;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc là gây rối loạn tâm thần và các hành vi của nạn nhân mà khiến tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu như không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 của Điều này;
+ Đưa các nạn nhân ra khỏi biên giới của nước ta;
+ Đối với từ 02 người cho đến 05 người;
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
– Phạm tội mà thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Hành vi có tính chất chuyên nghiệp;
+ Đã lấy các bộ phận cơ thể của nạn nhân;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc là gây rối loạn tâm thần và các hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương của cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân chết hoặc là tự sát;
+ Đối với từ 06 người trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Người phạm tội sẽ còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt quản chế, bị cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc là bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.