Tranh chấp đất mồ mả diễn ra ngày càng phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết. Vậy, mồ mả có phải là tài sản không? Tranh chấp đất mồ mả? Có hành vi xâm phạm mồ mả thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mồ mả có phải tài sản không?
Tài sản không còn là một khái niệm xa lạ đối với những người dân. Tuy nhiên, để hiểu khái niệm như thế nào cho đúng và chính xác theo quy định của pháp luật thì không phải ai cũng biết. Tại Điều 105, Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định về cách hiểu tài sản như sau: Tài sản được hiểu đơn giản là các vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Cụ thể, Tài sản bao gồm là bất động sản và động sản. Những loại tài sản này có thể là tài sản đang được sở hữu trên thực tế hoặc những tài sản sẽ hình thành trong một tương lai.
Dựa theo quy định này tại Bộ Luật Dân sự 2015 ta nhận thấy mồ mả ở trên đất không được coi là tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản. Hiện nay, chưa có một quy định pháp luật nào giải quyết vấn đề liên quan đến tranh chấp về mồ mả nên khi gặp những trường hợp cụ thể các cơ quan chức năng rất khó để có thể giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
2. Thực trạng về tranh chấp đất mồ mả:
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp đất của chủ sở hữu nhưng bị người khác tự ý sử dụng để chôn cất người đã mất trái pháp luật. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu chính đáng của chủ sở hữu và gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Có một thực tế đang tồn tại, Tòa quận, huyện của các tỉnh thành tiếp nhận hồ sơ của người dân nhưng thông thường sẽ trả hồ sơ, không thụ lý hoặc tìm cách xin ý kiến của cấp trên. Điều này gây nhiều bức xúc với người dân đang bị xâm phạm đến quyền lợi, quan điểm chung của tòa khi tiếp nhận thông tin này sẽ thống nhất giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, không xử lý, giải quyết phần mồ mả.
Hành động này của Tòa án nhân dân các cấp cũng có thể hiểu được vì trong các văn bản pháp luật vẫn chưa có một quy định nào hướng dẫn cách giải quyết vấn đề này. Nên Tòa không hề có căn cứ pháp luật nào để xử lý. Tuy nhiên, trách nhiệm của Tòa cũng là phải tiếp nhận vụ việc của người dân không được viện lý do luật pháp không quy định mà từ chối giải quyết. Trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 đã hướng dẫn, đối với những vụ việc không được pháp luật ghi nhận thì có thể giải quyết theo tập quán được ghi nhận tại Điều 3 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015. Áp dụng cách thức giải quyết này các bên cần có bên trung gian đứng ra hòa giải, cụ thể ở những địa phương thì Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức, thuyết phục các bên tìm hướng giải quyết bằng cách thương lượng hòa giải, không làm mất đi truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người dân Việt Nam. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này thì cũng có thể áp dụng tương tự pháp luật, hoặc những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, dựa theo án lệ hoặc lẽ công bằng.
Những vụ tranh chấp về mồ mả thường diễn ra trong thời gian dài phải bỏ ngỏ đợi chờ xử lý lâu. Để có thể giải quyết thấu tình đạt lý thì việc chứng minh mối quan hệ với người đang bị xâm phạm quyền sở hữu đất có ngôi mộ kia với hài cốt trong mộ đó có phải mối quan hệ họ hàng, anh em huyết thống trong gia đình là cần thiết. Ngoài ra, cũng cần sự chứng kiến làm chứng của người dân sinh sống tại quanh địa phương nắm rõ các thông tin và biết được rõ các tình tiết xoay quanh vấn đề này. Xét nghiệm ADN giữa các bên đang tranh chấp là cơ sở khoa học cần thiết, và thuyết phục nhất để chứng minh mối quan hệ đó. Nếu xác định được bộ hài cốt đó với gia đình đang tranh chấp có mối quan hệ huyết thống thì áp dụng cách bài viết đã nêu ở trên là theo tập quán, áp dụng tương tự pháp luật… Còn trong trường hợp, người khác tự ý chôn cất mộ trái phép lên phần đất thuộc quyền sở hữu của mình thì có quyền đưa đơn ra Tòa án để nhờ Tòa giải quyết theo hướng giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất.
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất mồ mả:
3.1. Thẩm quyền giải quyết khi các bên tranh chấp chọn thỏa thuận:
Với những tranh chấp nếu có thể dựa trên những thỏa thuận ban đầu thì người dân có thể lựa chọn và nhờ sự giúp đỡ từ bên Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đất đai được nhanh chóng như sau:
Các tranh chấp có thể diễn ra ở nhiều đối tượng khác nhau, để giải quyết tranh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương, hoặc cộng đồng dân cư đã sinh sống thường xuyên tại địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết; Trong trường hợp, cách giải quyết Uỷ ban huyện không thỏa đáng, quyền lợi người dân chưa đạt được thì cá nhân, tổ chức có quyền thực hiện khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Đối với trường hợp các bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cần sự can thiệp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người dân có thể gửi văn bản yêu cầu giải quyết đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; Trong quá trình giải quyết mà sự việc của người dân không ổn thỏa thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Khi tiếp nhận sự việc của người dân thì cá nhân có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp đất đai này phải xem xét và thực hiện việc ra quyết định giải quyết tranh chấp. Khi đã ban hành quyết định giải quyết tranh chấp này thì quyết định có hiệu lực thi hành ngay khi vừa ban hành và các bên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Một trong các bên có nghĩa vụ chống đối sẽ sẽ bị cưỡng chế thi hành.
3.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất mồ mả khi hòa giải không thành:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có mồ mả được quy định tại điều 203
Thủ tục hòa giải khi xảy ra tranh chấp tại các địa phương là thủ tục không thể bỏ qua. Vì vậy, khi có những việc người dân không thể tự giải quyết với nhau thì được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong trường hợp không thể hòa giải hay hòa giải không thành thì hướng giải quyết là đưa ra Tòa án phân xử:
Thứ nhất, trường hợp khi tranh chấp đất đai mà đương sự có đầy đủ chứng từ pháp lý là Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 chứng minh quyền sở hữu hợp pháp diện tích đất này và chứng minh tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
Thứ hai, trong trường hợp tranh chấp đất đai diễn ra khi mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 này thì các đương sự có thể lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
– Các bên chuẩn bị hồ sơ và có đơn thể hiện rõ yêu cầu giải quyết những tranh chấp này tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
– Nếu không thể lựa chọn giải quyết theo thỏa thuận thì tiến hành khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
4. Bồi thường thiệt hại vì xâm phạm mồ mả:
Việc tự ý dùng diện tích đất của người khác để chôn cất phần di hài của người mất là sai phạm. Tuy nhiên, chủ sở hữu dựa trên lý do người xâm phạm kia đang có hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi của mình mà đập phá, hay có hành vi khác nhằm xâm phạm đến mồ mả của người đã khuất là cũng đang vi phạm pháp luật. Các cá nhân, tổ chức cần đặc biệt lưu ý hành động của mình khi xảy ra tranh chấp về đất mồ mả.
Nếu xảy ra hành vi vi phạm thì người dân có thể bị xử phạt theo Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, cụ thể: Khi bên xâm phạm mồ mả là các cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được nhà nước quy định mà thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả để lại thiệt hại đến mồ mả của người khác sẽ phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại tùy vào mức độ gây ra thiệt hại trên thực tế. Khoản bồi thường này bao gồm chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại ban đầu.
Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà các cá nhân, tổ chức khi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi quy định trong Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Các bên có hành vi xâm phạm trực tiếp đến phần mồ mả như đào, phá mồ mả, sau đó có hành vi chiếm đoạt những đồ vật để thờ cúng hoặc tài sản khác để ở trong mộ, trên mộ hoặc những hành vi khác nhằm mục đích xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Với những hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự;
– Luật Đất đai 2013.