Khi vi phạm hợp đồng thương mại thì bên vi phạm có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với lỗi của mình gây ra như bị phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại .Vậy, Trường hợp nào được miễn trừ trách nhiệm vi phạm hợp đồng ? Quy định về miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại?
Mục lục bài viết
- 1 1. Vi phạm hợp đồng thương mại là gì?
- 2 2. Các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại:
- 2.1 2.1. Có thể miễn trách nhiệm nếu các bên có sự thỏa thuận với nhau:
- 2.2 2.2. Khi gặp phải sự kiện bất khả kháng:
- 2.3 2.3. Một bên có hành vi vi phạm do lỗi của bên kia:
- 2.4 2.4. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- 3 3. Thông báo và xác nhận trường hợp được miễn trách nhiệm:
- 4 4. Các bên có được thỏa thuận kéo dài thực hiện hợp đồng khi xảy ra vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng?
- 5 5. Trường hợp không được miễn trừ trách nhiệm thì sẽ chịu mức phạt như thế nào?
1. Vi phạm hợp đồng thương mại là gì?
Hợp đồng thương mại là một trong những loại hợp đồng được diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội. Trường hợp một trong các bên có hành vi vi phạm đến thỏa thuận đều có thể gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của cả hai. Theo quy định của pháp
Vi phạm hợp đồng thương mại là việc một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng theo nghĩa vụ thỏa thuận ban đầu hoặc theo quy định chung của luật này. Vi phạm hợp đồng có thể hiểu đó là sự kiện một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được những mục đích thỏa thuận ban đầu đã được ký kết với nhau.
Để áp dụng hình thức chế tài phù hợp thì cần căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể. Để xác minh được hành vi vi phạm hợp đồng thương mại cần phải chứng minh được rõ hai vấn đề sau: Thứ nhất, quan hệ hợp đồng giữa các bên có thật sự hợp pháp hay không; Thứ hai, có tồn tại những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng không đầy đủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
2. Các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại:
Miễn trách nhiệm được hiểu là một bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý mà đáng lẽ họ phải gánh chịu do hành vi vi phạm của mình. Để có thể được miễn trách nhiệm thì bên có hành vi vi phạm phải chứng minh được rằng mình không có lỗi và bằng cách chỉ ra những hoàn cảnh khách quan khiến mình không thể thực hiện đúng theo hợp đồng. Quy định miễn trách nhiệm có thể diễn ra bằng cách thỏa thuận giữa các bên hoặc theo pháp luật quy định. Căn cứ theo Điều 294 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại quy định về bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
2.1. Có thể miễn trách nhiệm nếu các bên có sự thỏa thuận với nhau:
Trong bất kỳ một hợp đồng nào trong bao gồm cả hợp đồng trong thương mại nhà nước luôn ưu tiên các bên có thể thỏa thuận trước trong hợp đồng với các trường hợp về bên vi phạm được miễn trách nhiệm để tránh xảy ra những tranh chấp sau này. Chính vì vậy, yếu tố tự nguyện khi giao kết hợp đồng có vô cùng quan trọng có thể quyết định đến việc miễn trách nhiệm hoặc là yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm thông qua việc chứng minh giao kết này có sự nhầm lẫn lừa dối hoặc đe dọa.
2.2. Khi gặp phải sự kiện bất khả kháng:
Theo Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015 quy định sự kiện bất khả kháng được hiểu là những sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và cũng không thể khắc phục được mặc dù các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề này. Thông thường, sự kiện bất khả kháng được hiểu là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra như các thiên tai, lũ lụt hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần,.. những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận… cũng được coi là sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, căn cứ theo điểm b Khoản 1 Điều 294 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại thì hành vi vi phạm hợp đồng có thể được miễn trách nhiệm khi nằm trong trường hợp là sự kiện diễn ra bất khả kháng. Bên vi phạm có trách nhiệm chứng minh lỗi vi phạm của mình nằm trong trường hợp trên và nhanh chóng thông báo cho bên kia về trường hợp của mình. Nếu thông báo không kịp thời thì phải bồi thường.
Như vậy, khi hợp đồng thương mại bị vi phạm bởi những sự kiện bất khả kháng có thể được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đáng lẽ bên vi phạm phải thực hiện.
2.3. Một bên có hành vi vi phạm do lỗi của bên kia:
Yếu tố lỗi là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm dân sự đối với một hành vi nhất định. Lỗi có thể được thể hiện bằng một hành động cụ thể hoặc không hành động của bên vi phạm. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến một bên có lỗi do phía bên kia tác động. Ví dụ: bên vi phạm đã làm theo những hướng dẫn của bên bị vi phạm dẫn đến thiệt hại. Nhưng do bên vi phạm hướng dẫn không cụ thể hoặc có những sai lầm dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Đáng lưu ý: Lỗi do một bên gây ra làm xuất hiện những rủi ro thì phải xác định được đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm.
2.4. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Khi các bên tham gia ký kết hợp đồng, nhưng không lường trước được rằng nội dung trong hợp đồng sẽ bị điều chỉnh hoặc không thực hiện được vì các quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm. Có nghĩa là bên có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng.
3. Thông báo và xác nhận trường hợp được miễn trách nhiệm:
Căn cứ điều 295 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại bên vi phạm có nghĩa vụ phải thực hiện thông báo và chứng minh cho bên bị vi phạm như sau:
– Khi nhận thấy không thể thực hiện giao kết ban đầu thì bên vi phạm hợp đồng tiến hành thông báo bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
– Trong trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, nghĩa vụ thông báo về vấn đề này cũng thuộc bên vi phạm hợp đồng; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
– Để minh chứng việc được miễn trách nhiệm thì bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh điều này.
4. Các bên có được thỏa thuận kéo dài thực hiện hợp đồng khi xảy ra vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng?
Như đã biết, trường hợp bất khả kháng là sự kiện không thể lường trước được, không có yếu tố cố tình vi phạm để trốn tránh nghĩa vụ đối với bên có quyền. Để khắc phục tình trạng này có thể thực hiện kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng. Căn cứ theo Điều 296 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại quy định về việc kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng:
– Nếu các bên không có thoả thuận trước hoặc không thỏa thuận được thì mặc định thời hạn để đảm bảo nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả. Khoảng thời gian kéo dài này không được kéo dài quá các thời hạn như sau:
+ Đối với những loại hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng thì thời gian kéo dài không quá 5 tháng kể từ khi hai bên ký kết hợp đồng;
+ Loại hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng thì gia hạn không kéo dài hơn tám tháng tính từ lúc giao kết hợp đồng;
+ Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.
– Với những hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ thì việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ không được đem ra áp dụng.
5. Trường hợp không được miễn trừ trách nhiệm thì sẽ chịu mức phạt như thế nào?
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại:
– Mức phạt vi phạm: các hành vi vi phạm trong hợp đồng thương mại hoặc tổng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm được các bên thoả thuận ghi rõ trong nội dung hợp đồng, nhưng mức thảo thuận không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Trường hợp các bên không có thống nhất trước với nhau về mức phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại có quy định khác.
– Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện phạt vi phạm và phải buộc bồi thường thiệt hại do lỗi của bên đó gây ra, trừ trường hợp Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại có quy định khác.
Như vậy, các bên trong hợp đồng thương mại chỉ được áp dụng phạt vi phạm khi có thỏa thuận.
(Điều 300, 301, 307 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại)
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự năm 2015;
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại.