Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự là hai chế định của luật hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, xuyên suốt và ảnh hưởng lớn tới các quy phạm của Bộ luật Hình sự bao gồm cả Phần những quy định chung và Phần các tội phạm.
Khái niệm miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội có quan hệ chặt chẽ và gắn liền với các khái niệm trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự, người dưới 18 tuổi phạm tội. Việc xây dựng khái niệm và tìm ra đặc điểm của miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi không thể tách rời các khái niệm nói trên.
Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự là hai chế định của luật hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trách nhiệm hình sự là chế định trung tâm, quan trọng, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và chi phối các quy phạm của Bộ luật Hình sự bao gồm cả Phần những quy định chung và Phần các tội phạm.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm hình sự là gì:
Trong sách báo, cũng như thực tiễn chính trị, pháp lý, thuật ngữ “trách nhiệm” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực hoặc ngữ cảnh cụ thể. Thông thường, “trách nhiệm” được hiểu theo hai nghĩa:
Thứ nhất, ở khía cạnh tích cực, trách nhiệm là bổn phận, nghĩa vụ hay công việc được giao, nó bao hàm cả quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định của một người, một tổ chức trước người hay tổ chức khác, trước Nhà nước hoặc trước xã hội. Ví dụ, trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ môi trường sống; trách nhiệm của bố mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, v.v….
Thứ hai, ở khía cạnh tiêu cực, trách nhiệm là hậu quả bất lợi mà một người hoặc một tổ chức phải gánh chịu trước người hoặc tổ chức khác, trước Nhà nước hay trước xã hội do đã thực hiện hành vi vi phạm bổn phận, nghĩa vụ của mình [33, tr. 200].
Trách nhiệm hình sự, với tư cách là một dạng của trách nhiệm pháp lý, được dùng theo nghĩa thứ hai và là dạng pháp lý đặc biệt nghiêm khắc so với trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hành chính. Xung quanh khái niệm trách nhiệm hình sự vẫn còn những quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Trách nhiệm hình sự là một loại quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và người phạm tội. Trách nhiệm hình sự là nghĩa vụ phải chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước của người phạm tội do việc người đó thực hiện tội phạm. Thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm là thời điểm bắt đầu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội nhưng không có nghĩa người phạm tội nào cũng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều trường hợp theo quy định của pháp luật hình sự, người phạm tội không bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Do vậy không thể đồng nhất nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hình sự mà một người phải chịu trên thực tế do việc thực hiện tội phạm.
Quan điểm thứ hai: Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và người phạm tội, được thể hiện ở các biện pháp tác động có tính chất pháp lý hình sự mà luật hình sự quy định, áp dụng đối với người thực hiện tội phạm, bao gồm hình phạt và các biện pháp tác động có tính chất pháp lý hình sự khác không phải hình phạt và được bắt đầu từ khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người. Theo nhận định này, trách nhiệm hình sự bắt đầu từ khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người, nghĩa là từ khi khởi tố bị can, vậy, phải chăng trước khi có bản án mà
Quan điểm thứ ba: Trách nhiệm hình sự là việc thực hiện chế tài pháp lý hình sự, phát sinh từ khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Quan điểm này thực chất đã thu hẹp nội dung của trách nhiệm hình sự. Như chúng ta đã biết, trong số các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước có tính chất pháp lý hình sự áp dụng đối với người phạm tội thì hình phạt là biện pháp cưỡng chế chủ yếu và nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự và hình phạt là những khái niệm không đồng nhất. Trách nhiệm hình sự là một chế định pháp lý, còn hình phạt chỉ là một trong những biện pháp để thực hiện, để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự, theo luật hình sự Việt Nam, đã được phân ra thành hai loại: loại có hình phạt và loại không có hình phạt (miễn hình phạt).
Quan điểm thứ tư: Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự và được thể hiện trước hết ở việc kết án của Tòa án, nhân danh Nhà nước, đối với người phạm tội. Đây có lẽ là quan điểm thể hiện rõ ràng nhất bản chất của thuật ngữ “trách nhiệm hình sự”.
Trách nhiệm hình sự chỉ tồn tại trong phạm vi của quan hệ pháp luật hình sự giữa một bên là Nhà nước, còn bên kia là chủ thể phạm tội và chỉ có thể được xác định bằng trình tự đặc biệt theo quy định của pháp luật mà các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải thực hiện. Trách nhiệm hình sự trước hết được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bởi lẽ bản án kết tội có hiệu lực pháp luật là căn cứ xác nhận người phạm tội bị coi là có tội. Tòa án ra bản án kết tội một người có thể kèm với việc quyết định hình phạt hoặc miễn hình phạt đối với người đó, tương ứng là hai dạng trách nhiệm hình sự: trách nhiệm hình sự có hình phạt và trách nhiệm hình sự không có hình phạt. Trong trường hợp bản án kết tội một người có tuyên hình phạt thì trách nhiệm hình sự không chỉ thể hiện ở việc người đó bị kết án, bị coi là có tội mà còn thể hiện ở loại và mức hình phạt cụ thể và dấu hiệu án tích của người có tội (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 69
Điều 2
Như vậy, có thể thấy, cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội chính là việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Hay nói cách khác, để xác định trách nhiệm hình sự đối với một cá nhân phạm tội đòi hỏi phải xác định được hành vi mà người đó thực hiện thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định.
Với cùng quan điểm như trên về “trách nhiệm hình sự”, nhưng cách xây dựng khái niệm của các nhà khoa học lại có sự khác nhau và tất cả đều có sự thống nhất về bản chất và hình thức thể hiện của trách nhiệm hình sự. GS.TSKH Lê Cảm đã định nghĩa:
Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do luật hình sự quy định. Theo GS.TSKH Đào Trí Úc:
Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, thể hiện chỗ người đã gây ra tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước nhà nước.
Từ sự tìm hiểu các quan điểm khác nhau trên đây kết hợp với việc nhận thức một số vấn đề có liên quan đến trách nhiệm hình sự của cá nhân phạm tội, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng:
Trách nhiệm hình sự của cá nhân phạm tội là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm, được thể hiện ở bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
2. Miễn trách nhiệm hình sự là gì:
Khái niệm miễn TNHS được xây dựng dựa trên nền tảng của khái niệm TNHS. Nếu trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý bất lợi của hành vi phạm tội thì miễn trách nhiệm hình sự là không buộc người đã thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi phạm tội này nếu có những căn cứ để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Giống với người phải chịu trách nhiệm hình sự, người được miễn trách nhiệm hình sự là người đã thực hiện tội phạm, tức là đã thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Không thể áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự đối với người không thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu của một cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Từ thời điểm thực hiện tội phạm, người phạm tội có nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi là trách nhiệm hình sự, tuy nhiên nếu xét thấy không cần thiết phải buộc người đó phải chịu trách nhiệm hình sự, mà vẫn bảo đảm yêu cầu công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm người đó được miễn trách nhiệm hình sự, lúc này, trách nhiệm hình sự chấm dứt.
Xung quanh khái niệm miễn trách nhiệm hình sự vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau, cụ thể:
GS.TSKH Lê Cảm định nghĩa: Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và được thể hiện bằng việc xoá bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó.
Theo Kiều Đình Thụ: Miễn trách nhiệm hình sự là không truy cứu trách nhiệm hình sự một người về việc đã thực hiện một tội phạm được quy định trong luật hình sự, thể hiện trong một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
PGS.TS Lê Thị Sơn lại quan điểm: Miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội có nghĩa là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và đương nhiên kéo theo cả miễn phải chịu các hậu quả tiếp theo do việc thực hiện trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước đem lại như: miễn bị kết tội, miễn phải chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự và miễn bị mang án tích. Trên thực tế có thể có trường hợp người phạm tội được Toà án miễn trách nhiệm hình sự trong giai đoạn xét xử. Trong trường hợp này, miễn trách nhiệm hình sự chỉ bao gồm miễn chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự và miễn mang án tích.
PGS.TS Trịnh Tiến Việt cho rằng: Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam, do cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng áp dụng và được thể hiện bằng nội dung không buộc một người phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện tội phạm, nếu xét thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự người đó và đáp ứng những điều kiện nhất định.
Bên cạnh đó, còn một số quan điểm khác như:
Miễn trách nhiệm hình sự là việc miễn kết tội cũng như áp dụng hình phạt đối với người thực hiện tội phạm và do vậy, họ không bị coi là có tội. Nói cách khác, miễn trách nhiệm hình sự là miễn những hậu quả pháp lý đối với người phạm tội do pháp luật hình sự quy định hay “miễn trách nhiệm hình sự là miễn hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội, thể hiện ở chỗ người phạm tội không phải chịu sự kết tội của Tòa án, không bị coi là có tội, không phải chịu hình phạt và không phải mang án tích”.
Trong các quan điểm trên đây, có quan điểm định nghĩa bằng cách ghi nhận nội dung và chỉ rõ bản chất pháp lý, có quan điểm ghi nhận nội dung, thẩm quyền áp dụng và hình thức pháp lý, có quan điểm lại ghi nhận tương đối đầy đủ về nội dung, phân định các giai đoạn áp dụng, thẩm quyền áp dụng và hậu quả pháp lý,… nhưng đều thống nhất được nội dung và bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự.
Dựa trên cơ sở xem xét một số quan điểm khoa học trên đây, kết hợp với việc phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự có liên quan, dưới góc độ khoa học luật hình sự có thể đưa ra khái niệm như sau: Miễn trách nhiệm hình sự là việc miễn hậu quả pháp lý bất lợi đối với người phạm tội khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự.
Đối tượng được áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự là người phạm tội, tức là người đó phải đạt độ tuổi luật định và phải có năng lực trách nhiệm hình sự và thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.
Ở nước ta, độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi. Điều 12 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 42, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Điều 90, Chương XII: Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội,
Như vậy, trong luật hình sự Việt Nam, người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Kế thừa các quy định trước đây, Bộ luật Hình sự phân loại ra hai nhóm để quy định phạm vi các hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nhóm từ đủ 16 tuổi trở lên. So với các nước trên thế giới, độ tuổi chịu TNHS của trẻ em ở Việt Nam nằm ở mức trung bình và phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội nước ta và phù hợp với nguyên tắc thứ 4 trong Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên năm 1985 (Các quy tắc Bắc Kinh: “Trong những hệ thống pháp luật công nhận khái niệm tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên thì không được quy định quá thấp tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự, mà cần lưu ý đến thực tế của độ trưởng thành về trí tuệ, tinh thần và tình cảm của người phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Sở dĩ Nhà nước ta có những chính sách hình sự riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bởi đặc điểm đặc thù của nhóm đối tượng này. Đây là lứa tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm – sinh lý, khả năng làm chủ và kiềm chế cảm xúc còn hạn chế, dễ bị kích động và lôi kéo nên dễ phạm sai lầm. Hơn nữa, nhóm đối tượng này có ít kinh nghiệm sống, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Tuy nhiên, ý thức phạm tội của lứa tuổi này chưa cao nên dễ giáo dục, cải tạo họ thành người có ích cho xã hội. Như một số quan điểm đã đề cập trước đây thì “người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ, do hạn chế bởi các đặc điểm về tâm sinh lý và có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm”.
Sau khi BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật, khái niệm “người dưới 18 tuổi phạm tội” đã được sử dụng thay thế cho khái niệm “người chưa thành niên phạm tội”, tuy nhiên nội hàm của hai khái niệm không có gì thay đổi.
Từ các khái niệm nêu trên, có thể đưa ra khái niệm như sau: Miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội là không buộc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi nếu họ thỏa mãn những điều kiện được quy định trong Bộ luật Hình sự.