Mẹ không có giấy tờ tùy thân có làm khai sinh cho con được không? Đăng ký khai sinh cho con.
Mẹ không có giấy tờ tùy thân có làm khai sinh cho con được không? Đăng ký khai sinh cho con.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Quý luật sư. Tôi có 1 đứa cháu, hiện nay chúng tôi không làm được khai sinh cho bé do mẹ của bé không có giấy tờ tùy thân. Cháu càng ngày càng lớn lại là bé trai mà đến này vẫn chưa làm được khai sinh. Gia đình chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng. Xin hỏi Quý luật sư có cách nào để làm được khai sinh cho bé không ạ hoặc có thể làm khai sinh cho bé bên phía ba bé được không? Bé có giấy chứng sanh và giấy chứng sanh có tên mẹ bé và địa chỉ nhà của ba bé. Rất mong nhận được sự trợ giúp sớm từ phía Quý luật sư. Xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nội dung đăng ký khai sinh như sau:
1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
3. Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục khai sinh như sau:
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Như vậy, khi đi khai sinh cho bé nhà mình, người đi đăng ký khai sinh cần có tờ khai theo mẫu quy định về giấy chứng sinh của bé cho cơ quan đăng ký hộ tịch và thông tin của mẹ cần có trên giấy khai sinh của bé là: họ, chữ đệm và tên, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú. Do đó, mẹ của bé chỉ cần có những giấy tờ nhân thân có ghi nhận những thông tin này để tiến hành việc đăng ký khai sinh cho bé. Trong trường hợp không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào thì mẹ cháu cần làm lại giấy tờ tùy thân đó nếu trong trường hợp bị mất hoặc đi xác nhận lại từ nơi mẹ bé được sinh ra, sinh sống… để được xác nhận về các thông tin cá nhân đó.