Cá nhân là nam nữ đủ điều kiện kết hôn với nhau và đã thực hiện các hoạt động được nước ghi nhận, xác lập mối quan hệ sẽ được coi là thành viên trong gia đình. Tính từ thời điểm này thì các cá nhân phải có nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương nhau,..Vậy, Mẹ chồng không cho con dâu ở cùng có phạm luật không?
Mục lục bài viết
1. Mẹ chồng không cho con dâu ở cùng có phạm luật không?
1.1. Tình huống 1:
Anh A kết hôn với chị B, cùng sinh sống trên ngôi nhà thuộc sở hữu bố mẹ anh A. Mỗi dịp cuối tuần chị B đưa con về nhà ngoại chơi thì liên tục bị mẹ chồng cấm cản. Mâu thuẫn xảy ra đỉnh điểm là chị B mặc kệ sự cấm cản của mẹ chồng vẫn đưa con về thăm bố mẹ đẻ và sau mỗi lần như vậy thì mẹ chồng giữ không cho phép chị B được sinh sống trong ngôi nhà này nữa.
Giải đáp:
Trước hết cần phải khẳng định dù là con dâu, hay con rể thì pháp luật Việt Nam đều ghi nhận là thành viên gia đình. Bởi theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng đã liệt kê các trường hợp được xác định là thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Vì vậy, cá nhân là cha mẹ vợ/chồng có các quyền và nghĩa vụ như sau:
+ Luôn có hành động, cử chỉ, lời nói thể hiện sự thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội;
+ Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ;….
Có thể thấy, hành vi này của người mẹ chồng cũng đang ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình cụ thể là giữa vợ chồng anh A. Bởi Căn cứ theo Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì vợ chồng có các nghĩa vụ như sau:
+ Cá nhân đã đăng ký kết hôn thì pháp luật ghi nhận mối quan hệ hôn nhân là hợp pháp nên vợ chồng sẽ có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình;
+ Vợ chồng cũng phải có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Hơn nữa, việc “ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau” là hành vi bạo lực gia đình, bị pháp luật cấm theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.
Từ các nội dung nêu trên thì việc mẹ chồng của chị B ngăn cản, không cho chi này về chung sống với chồng là đang vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quan hệ hôn nhân và gia đình thì ngoài việc nằm trong sự điều chỉnh của pháp lý mà để có thể duy trì được sự gắn kết giữa thành viên với nhau còn chịu sự điều chỉnh rất sâu sắc của các quy tắc đạo đức, truyền thống văn hóa. Nên với những mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu nên được giải quyết cùng nhau, tiến hành việc giải thích cho mẹ chồng hiểu hơn hành động của người con dâu để có thể giải quyết ổn thỏa vụ việc trên cơ sở gìn giữ và duy trì tình cảm tốt đẹp trong gia đình.
1.2. Tình huống 2:
Chị C lập gia đình với anh D có gom góp mua được mảnh đất và xây dựng được một căn nhà 2 tầng trên mảnh đất đó. Vì anh D là con trưởng nên trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ sẽ phải được đề cao. Chính vì vậy, anh chị đưa bố mẹ chồng về nhà cùng chung sống để thực hiện nghĩa vụ với cha mẹ. Tuy nhiên, mẹ anh D không thích chị C ngay từ thời điểm mới cưới nên liên tục gây khó dễ, chèn ép, thậm chí khi xảy ra mâu thuẫn thì đuổi chị ra khỏi nhà, khóa cửa lại vì cho rằng đây là tài sản của con trai bà.
Giải đáp:
Đầu tiên phải xác định được chính xác là căn nhà này thuộc sở hữu hợp pháp của ai. Theo nội dung tình huống thì được xác định là tài sản chung của vợ chồng người con. Căn nhà này được xem là chỗ ở hợp pháp của bạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú 2020, theo đó: Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc mẹ chồng vì mâu thuẫn mà đuổi con dâu ra khỏi căn nhà thuộc sở hữu chung của mình là đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vì đã xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bạn theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt về hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ như sau:
– Cá nhân khi thực hiện hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi
– Mức tiền phạt là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Như vậy, hành vi đuổi con ra khỏi nhà sẽ bị áp dụng mức xử phạt khác nhau, có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ hoặc từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
2. Mẹ chồng không cho con dâu ở cùng nhà thì có hướng giải quyết thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (Có hiệu lực từ 01/07/2023) thì hoạt động báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình được quy định với nội dung sau:
– Địa chỉ để người dân tiến hành trình báo và có thẩm quyền tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
+ Có thể đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
+ Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình cũng có thẩm quyền giải quyết vấn đề này;
+ Tại cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
+ Pháp luật cũng trao thẩm quyền cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình trong việc tiếp nhận các vụ việc này;
+ Bên cạnh đó, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình cũng được thực hiện;
+ Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình cũng là một cách thức thực hiện.
– Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Cá nhân có thể thông qua việc gọi điện, nhắn tin;
+ Tiến hành gửi đơn, thư;
+ Hoặc có thể đi báo tin trực tiếp.
– Chính phủ quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022;
– Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
THAM KHẢO THÊM: