Khi thực hiện chức năng của mình, các cá nhân này phải luôn đảm bảo sự vô tư, khách quan, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, nếu có những căn cứ buộc phải thay đổi, thì Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định thay đổi người giám định, người định giá tài sản.
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản là gì?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự, “người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.” Khi tham gia tố tụng Người giám định với vị trí là người tham gia tố tụng nhưng khác với những chủ thể tham gia tố tụng khác (người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bị hại…). Người giám định chỉ có nghĩa vụ công mà không mang quyền lợi cá nhân. Do đó pháp luật đã quy định những điều kiện và tiêu chuẩn riêng đối với Người giám định để có thể hoàn thành nghĩa vụ khi tham gia vào hoạt động tố tụng.
Người giám định tham gia vào giải quyết vụ án hình sự không chỉ có ý nghĩa giúp cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật vụ án chính xác và khánh quan, mà đồng thời còn có ý nghĩa đối với người tham gia tố tụng. Đối với người bị hại kết quả giám định có thể là những bằng chứng kết tội kẻ đã có hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của bản thân, như vậy tạo cơ sở cho việc bảo đảm quyền và lợi ích của mỗi công dân được bảo vệ triệt để. Đối với bị cáo là người bị xét xử, trong một số trường hợp kết quả giám định có thể là chứng cứ gỡ tội và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Người định giá tài sản được giải thích tại Khoản 1, Điều 69 Bộ luật tố tụng hình sự là “Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.”. Định giá là hoạt động chuyên môn, vừa mang tính kinh tế- kỹ thuật, tính pháp lý, vừa mang tính xã hội. Do đó, người định giá tài sản phải là người có trình độ, có khả năng nắm bắt sự phát triển của kinh tế thị trường. So với người giám định thì người định giá tài sản không đặc trưng trong tố tụng hình sự bằng người giám định.
Người giám định và người định giá tài sản khi tham gia vào vụ án hình sự và thực hiện chức năng của mình có các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận tại Điều 68, 69, cụ thể:
Người giám định có quyền: Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định; yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận; tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định; từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình; ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành; các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Người giám định có nghĩa vụ: có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định; các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Người định giá tài sản có quyền: Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá; yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá; từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình; ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản; các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người định giá tài sản có nghĩa vụ: có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản; các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.
Các quyền và nghĩa vụ này được ghi nhận là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh hành vi của người giám định, người định giá tài sản, việc vi phạm nghĩa vụ sẽ khiến các chủ thể này phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản là văn bản ghi nhận những nội dung và yêu cầu do cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi tới chủ thể có thẩm quyền quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng nhằm yêu cầu chủ thể này thay đổi người giám định, người định giá tài sản khi thấy cần thiết.
Yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản có ý nghĩa quan trọng, khi mà các chủ thể có thẩm quyền quyết định thay đổi không thể sát sao trong việc giám sát hay phát hiện căn cứ để thay đổi, việc yêu cầu này chứng tỏ sự quan tâm, theo dõi của người tham gia trực tiếp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Yêu cầu thay đổi là căn cứ để phát sinh trách nhiệm xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận của Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có ban hành quyết định thay đổi người giám định, người định giá tài sản hay không.
Xem xét và tổng hợp các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chúng tội nhận thấy, quy định về quyền yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản nằm rải rác ở một số điều luật, cụ thể:
Điểm d, Khoản 2, Điều 36: “Khi tiến hành tố tụng hình sự, Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:…d) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản.”
Điểm đ, Khoản 2 Điều 41 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:…đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản”.
Điểm đ, Khoản 2, Điều 45 nêu rõ: “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và những nhiệm vụ, quyền hạn:…đ) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;”
Như vậy, có thể thấy rằng, quyền yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản không chỉ thuộc về một cá nhân thuộc một cơ quan tiến hành tố tụng nhất định nào mà được “chia sẻ” cho mọi người tiến hành tố tụng và trải dài trong các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự.
2. Mẫu 79/HS: Mẫu yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………, ngày……… tháng……… năm 20……
VIỆN KIỂM SÁT[1] … [2]……..
Số:…../YC-VKS…-…[3]
YÊU CẦU
THAY ĐỔI NGƯỜI GIÁM ĐỊNH/NGƯỜI ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
VIỆN KIỂM SÁT…………………
Căn cứ các điều 42, 68 và 69 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Xét thấy[4]…………………..,
YÊU CẦU:
Yêu cầu[5]………… ra quyết định thay đổi người giám định/người định giá tài sản đối với ông/bà[6]……………. trong vụ án (hoặc vụ việc)……… về tội………… theo quy định tại khoản…… Điều…… Bộ luật Hình sự./.
Nơi nhận:
– Cơ quan có thẩm quyền điều tra;
-………..;
– Lưu: HSVA, HSKS, VP.
KIỂM SÁT VIÊN
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu yêu cầu thay đổi người giám định, người định giá tài sản:
[1] Ghi tên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
[2] Ghi tên Viện kiểm sát ban hành. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì bỏ mục này
[3] Viết tắt tên Viện kiểm sát ban hành – đơn vị phụ trách (nếu có)
[4] Ghi rõ lý do yêu cầu thay đổi người giám định/người định giá tài sản
[5] Ghi tên Cơ quan có thẩm quyền điều tra
[6] Họ, tên người giám định/người định giá tài sản cần thay đổi.
Cơ sở pháp lý:
Quyết định 15/QĐ-VKSTC năm 2018 về Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành