Báo cáo kinh tế là báo cáo bắt buộc đối với các cơ quan đơn vị thực hiện các công việc, dự án kỹ thuật. Báo cáo kinh tế được thẩm định bởi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Vậy mẫu văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế có nội dung và hình thức ra sao?
Mục lục bài viết
1. Mẫu văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế là gì, mục đích của mẫu văn bản?
Báo cáo kinh tế là văn bản với các nội dung nhằm đánh giá tình hình thực hiện của dự án về khối lượng kỹ thuật, thực hiện các chỉ tiêu giá trị khối lượng và các vấn đề liên quan để nhà đầu tư, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định nắm bắt được tình hình của dự án.
Mẫu văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế là văn bản với các nội dung bao gồm các thông tin, thông số về kỹ thuật, kinh tế của dự án, báo cáo được lập ra để ghi chép về việc thẩm định nội dung báo cáo kinh tế.
Mục đích của mẫu văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế: khi cơ quan đơn vị có nghĩa vụ gửi báo cáo đã gửi báo cáo cho đơn vị thẩm định thì đơn vị thẩm định có nghĩa vụ thẩm định báo cáo và sử dụng văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế nhằm mục đích ghi chép lại những đánh giá về báo cáo.
2. Mẫu văn bản thẩm định nội dung báo cáo kinh tế:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH
——-
Số:……/KH-TC
Địa danh, ngày…tháng…năm……
VĂN BẢN THẨM ĐỊNH NỘI DUNG KINH TẾ BÁO CÁO
Tên báo cáo:
Chủ nhiệm:
Đơn vị chủ trì:
Thành viên Tổ thẩm định gồm: ……
Nội dung thẩm định:
1. Căn cứ pháp lý
2. Cấu trúc báo cáo, các biểu bảng trong báo cáo.
3. Tình hình thực hiện khối lượng kỹ thuật
– Tăng giảm khối lượng so với đề án đã phê duyệt.
– Cơ sở pháp lý của việc thay đổi khối lượng.
4. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu giá trị khối lượng
– Tổng hợp giá trị thực hiện, nghiệm thu, thanh toán của đề án theo từng năm.
– So sánh các số liệu nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, đánh giá độ tin cậy của các số liệu.
– Tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu giá trị khối lượng.
5. Đánh giá hiệu quả vốn đầu tư
6. Các tồn tại, thiếu sót và kiến nghị
Đánh giá chung:
– Báo cáo đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu
– Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua.
Những người kiểm tra (thẩm định)
Nguyễn Văn A, tổng hợp
Nguyễn Văn B
Nguyễn Văn C
CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH
(Xác nhận)
3. Hướng dẫn soạn thảo văn bản:
Người soạn thảo báo cáo thẩm định kinh tế phải đảm bảo đầy đủ về nội dung và hình thức cho văn bản nhằm thể hiện một báo cáo chính xác và có hiệu lực.
Theo đó về hình thức báo cáo, người soạn thảo cần đáp ứng về các lưu ý soạn thảo sau:
Góc trái trên cùng của văn bản: Ghi tên của cơ quan đơn vị thực hiện thẩm định văn bản;
Góc phải trên cùng của văn bản: Là vị trí đặt quốc hiệu và tiêu ngữ; quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” phải được viết in hoa, bôi đậm; tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” viết in thường, bôi đậm.
Phía dưới quốc hiệu tiêu ngữ là ngày tháng năm thực hiện báo cáo, cần ghi chính xác thời gian này;
Chính giữa văn bản là tên báo cáo thẩm định kinh tế;
Về nội dung báo cáo: cần ghi đầy đủ tên báo cáo, chủ nhiệm, đơn vị chủ trì, thành viên Tổ thẩm định gồm, nội dung thẩm định.
Báo cáo cần thể hiện được tình hình thực hiện khối lượng kỹ thuật bao gồm tăng giảm khối lượng so với đề án đã phê duyệt, cơ sở pháp lý của việc thay đổi khối lượng; tình hình thực hiện các chỉ tiêu giá trị khối lượng, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư, các tồn tại, thiếu sót và kiến nghị và các đánh giá chung: báo cáo đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu, đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua.
Cuối báo cáo kinh tế phải có chữ ký và xác nhận, đóng dấu của cơ quan, đơn vị thẩm định nhằm xác nhận việc báo cáo là đúng thẩm quyền và nội dung báo cáo đã được xác nhận là chính xác.
4. Những quy định về thẩm định nội dung báo cáo kinh tế:
4.1. Hồ sơ thẩm định báo cáo:
Thông tư 26/2019/TT-BTNMT quy định về thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, tại Điều 24 quy định về hồ sơ trình thẩm định báo cáo bao gồm các văn bản sau:
– Văn bản đề nghị thẩm định của đơn vị chủ trì;
– Quyết định phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh đề án của cấp có thẩm quyền và các văn bản khác có liên quan;
–
– Hồ sơ thẩm định cấp cơ sở: biên bản hội nghị, hội thảo; văn bản nhận xét của tổ chức, cá nhân liên quan; giải trình và tiếp thu góp ý của đơn vị lập báo cáo;
– Báo cáo kết quả; phụ lục, bản vẽ và các tài liệu khác kèm theo.
Những tài liệu trong hồ sơ này là yêu cầu bắt buộc nhằm đối chiếu và đánh giá báo cáo kinh tế được chính xác và đúng chuẩn, có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như Kho bạc Nhà nước và các cơ quan, cá nhân liên quan tiến hành nhận xét, báo cáo kết quả. Hồ sơ thẩm định báo cáo được trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo với 03 bộ hồ sơ.
4.2. Trình tự, thời gian thẩm định báo cáo:
Thông tư 26/2019/TT-BTNMT quy định về thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, tại Điều 27 quy định trình tự, thời gian thẩm định báo cáo như sau:
– Trình tự thẩm định, Hội đồng thẩm định báo cáo được thực hiện theo hai (02) cấp gồm: thẩm định cấp cơ sở và thẩm định cấp Bộ. Việc đánh giá, thẩm định cần phải lập Phiếu đánh giá và Biên bản thẩm định của Hội đồng.
– Thời gian thẩm định không quá 35 ngày làm việc đối với báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày có Biên bản họp Hội đồng, đơn vị chủ trì có trách nhiệm hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo.
– Trường hợp báo cáo được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân cấp, ủy quyền phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị quy định trình tự, thời gian thẩm định nhưng không được vượt quá 35 ngày.
4.3. Phê duyệt báo cáo:
Theo Điều 28 Thông tư 26/2019/TT-BTNMT quy định về thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về phê duyệt báo cáo. Cụ thể:
Thẩm quyền phê duyệt báo cáo như sau:
– Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo đối với đề án Chính phủ;
– Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với đề án cấp Bộ;
– Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phê duyệt báo cáo đối với đề án theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các đề án khác nhau thì sẽ có thẩm quyền phê duyệt khác nhau, đối với đề án cấp càng cao thì thẩm quyền phê duyệt sẽ thuộc về các cơ quan cao hơn, cụ thể thứ tự sẽ là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ.
Thời hạn phê duyệt cụ thể đối với từng đề án như sau:
– Đề án Chính phủ: Vụ Kế hoạch – Tài chính tiếp nhận, kiểm tra báo cáo hoàn thiện, trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian kiểm tra, trình phê duyệt không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận báo cáo hoàn thiện;
– Đề án cấp Bộ: Vụ Kế hoạch – Tài chính tiếp nhận, kiểm tra báo cáo hoàn thiện, trình Bộ trưởng phê duyệt. Thời gian kiểm tra, trình phê duyệt không quá 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận báo cáo hoàn thiện. Quyết định phê duyệt báo cáo được lập theo mẫu quy định tại Mẫu số 24 ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BTNMT;
– Đề án theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thủ trưởng đơn vị phê duyệt báo cáo theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian kiểm tra, trình phê duyệt không quá 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận báo cáo hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi có Quyết định phê duyệt, đơn vị có trách nhiệm gửi 02 bản Quyết định phê duyệt kèm theo các hồ sơ liên quan về Bộ Tài nguyên và Môi trường để quản lý.
Trong thời hạn quy định đối với từng đề án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ tiến hành kiểm tra cũng như thực hiện các thủ tục trình và phê duyệt. Quyết định phê duyệt sẽ được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ thực hiện quản lý.