\Việc xác định cha, mẹ, con có thể được thực hiện do Tòa án hoặc tại cơ quan hành chính tùy thuộc vào việc có tranh chấp hay không. Một trong những thủ tục mà các bên phải thực hiện là đăng ký nhận cha, mẹ, con tại cơ quan hành chính và được cơ quan này cấp trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Mục lục bài viết
1. Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con (bản chính) là gì?
Quan hệ cha – mẹ – con là mối liên hệ pháp lý giữa một người (gọi là con) và một người khác (gọi là cha hoặc mẹ). Một sự kiện tự nhiên, thuần túy được luật ghi nhận và chi phối, nên trở thành một sự kiện pháp lý. Quan hệ giữa cha mẹ và con về mặt pháp lý chỉ được phát sinh khi được sự chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc, người cha, người mẹ, người con về mặt sinh học sẽ đương nhiên trùng với người cha, người mẹ về mặt pháp lý vì mối quan hệ này có xuất phát điểm là sự kiện sinh đẻ để nhằm đảm bảo tính huyết hệ tự nhiên giữa hai thế hệ sinh ra kế tiếp nhau.
Để tìm hiểu về mối quan hệ cha, mẹ, con, trước hết ta phải tìm hiểu về khái niệm cha, mẹ và con. Theo đó, cha là “người đàn ông có con, trong quan hệ với con” ; mẹ là “người đàn bà có con, trong quan hệ với con”. Riêng với khái niệm con, dưới góc độ pháp lý, còn được nghiên cứu dưới các trường hợp đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề xác định cha, mẹ, con như sau: Khái niệm “con trong giá thú” và “con ngoài giá thú”. Việc xuất hiện các khái niệm cha, mẹ, con đã làm nảy sinh vấn đề về “quan hệ cha, mẹ, con”.
Về nguyên tắc, một người đàn ông, một người phụ nữ nhận một người là con của mình sẽ không có gì khác biệt với một người đã thành niên nhận một người khác là cha, mẹ của mình, điều đó dẫn tới hậu quả pháp lý phát sinh quan hệ cha con, mẹ con. Việc tự nguyện nhận con phải được người được nhận đồng ý nếu họ là người đã thành niên, nếu họ chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là cha, là mẹ. Còn việc tự nguyện nhận cha, mẹ về nguyên tắc phải được bên được nhận đồng ý, ngoài ra, còn có thể được chấp nhận trong trường hợp người được nhận là người cha, mẹ đã chết. Việc tự nguyện nhận, cha, mẹ và con thông thường dẫn đến thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con tại cơ quan hành chính Nhà nước.
Như vậy, có thể hiểu đăng ký nhận cha, mẹ, con là thủ tục do cá nhân thực hiện tại cơ quan hành chính nhà nước để được cơ quan này ghi vào sổ hộ tịch và công nhận quan hệ cha, mẹ, co, giữa các cá nhân có yêu cầu.
Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con là là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện nhận cha, mẹ, con của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện nhận cha, mẹ, con được đăng ký.
Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con là văn bản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chứng minh sự ghi nhận của nhà nước đối với quan hệ cha, mẹ, con. Đây là căn cứ để nhà nước quản lý hộ tịch một cách hiệu quả, xác định các vấn đề phát sinh giữa cha mẹ và con cái, hoặc là cơ sở để cha mẹ, con thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Hoạt động nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch mà không được ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào khác.
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con theo Luật Hộ tịch phát sinh ở rất nhiều trường hợp, ví dụ:
Trường hợp 1: đăng ký nhận cha mẹ con trong trường hợp thông thường. Đối với trường hợp này, thủ tục đăng ký được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật hộ tịch, cụ thể:
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Thẩm quyền: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con
Trường hợp 2: đăng ký nhận cha mẹ con tại khu vực biên giới.
Thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều 19, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc.
Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.
Thẩm quyền: Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam, tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.
Trường hợp 3: kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con
Thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều 15
Thẩm quyền: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam trong trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài
Đối với thủ tục đăng ký nhận cha mẹ con thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã thì thủ tục được thực hiện như trường hợp 1.
Đối với thủ tục đăng ký nhận cha mẹ con thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện được thực hiện như đối với trường hợp 2.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha mẹ con được nhắc đến trong tài liệu cần phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Qua quá trình tìm hiểu quy định của pháp luật, tác giả nhận thấy rằng, việc đăng ký nhận cha mẹ con có thủ tục khá đơn giản, người yêu cầu chỉ cần xác định đúng thẩm quyền và chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ là có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, việc quy định rời rạc khiến cho việc áp dụng khó khăn và đôi khi việc tìm thấy cơ sở pháp lý là rất khó.
2. Mẫu trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con (bản chính):
………..…(1)
Số:(2) /TLCMC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……, ngày……tháng ……năm ………..…
TRÍCH LỤC ĐĂNG KÝ NHẬN ………(3)
Xác nhận đăng ký việc nhận …….(3) giữa:
Họ, chữ đệm, tên cha/mẹ: …..
Ngày, tháng, năm sinh:…….
Giới tính: ……..Dân tộc: …… Quốc tịch:………..
Giấy tờ tùy thân: ……….
Nơi cư trú:………
Và
Họ, chữ đệm, tên con:…………
Ngày, tháng, năm sinh:…………
Giới tính:……………Dân tộc:…………… Quốc tịch:……………
Giấy khai sinh/Giấy tờ tùy thân:…………
Nơi cư trú:………….
Việc nhận ………(3) có hiệu lực kể từ ngày cấp Trích lục./.
NGƯỜI KÝ TRÍCH LỤC
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên, chức vụ, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con (bản chính):
(1) Ghi tên cơ quan cấp Trích lục (ghi đủ các cấp hành chính).
(2)Ghi theo số trong Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con.
(3) Ghi rõ việc đăng ký nhận: cha, con hoặc mẹ, con tùy theo đăng ký việc cha nhận con/con nhận cha hoặc mẹ nhận con/con nhận mẹ.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.
Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.