Để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước đối với việc khai thác thủy sản, nhiều cơ sở đã thực hiện hoạt động đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá. Điều này đòi hỏi, cơ sở phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định và khi tiến hành đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh cấp văn bản chấp thuận.
Mục lục bài viết
1. Tờ khai cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá là gì?
Tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. (khoản 20, Điều 3 Luật Thuỷ sản).
Đóng mới tàu cá là quá trình sử dụng vật liệu thi công để tạo ra một sản phẩm tàu có thể đưa vào khai thác sử dụng.
Cải hoán tàu cá là việc tác động làm thay đổi các tính năng hoạt động của tàu trước đó như thay đổi kích thước cơ bản, thay đổi công dụng, máy chính của tàu.
Thuê tàu cá là hoạt động của cá nhân, tổ chức trả một số tiền cho một cá nhân, tổ chức khác là chủ sở hữu hoặc được chủ sở hữu uỷ quyền của tàu cá cho thuê để sử dụng.
Mua tàu cá là việc cá nhân, tổ chức trả một số tiền cho chủ sở hữu tàu cá để nhận tàu cá và chuyển quyền sử dụng tàu cá.
Nguyên tắc chung làm phát sinh tờ khai cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá là: “Tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên hoạt động trên biển phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.”
Tờ khai cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá là văn bản do cá nhân (thường là đại diện chủ tàu) gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với nội dung cơ bản là thông tin của của người kê khai, chủ sở hữu tàu và các thông tin về cấu tạo kỹ thuật của tàu, đồng thời phải cam kết về việc đóng mới/cải hoán/thuê/mua tàu cá theo đúng nội dung đề nghị và chấp hành các quy định về đăng kiểm, đăng ký tàu cá.
Để được thực hiện hoạt động đóng mới, cải hoản, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 63, Luật Thuỷ sản, bao gồm:
– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán;
– Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
– Có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;
– Có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu.
Thực tiễn quy định của pháp luật còn cho thấy rằng, bên cạnh các điều kiện chung này, thì đối với các loại vỏ tàu khác nhau thì việc đóng mới, cải hoán còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể khác.
Tờ khai cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá có bản chất với đơn từ, là văn bản thể hiện cơ bản nội dung thông tin cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, đánh giá và có chấp thuận hay không. Hơn nữa, tờ khai là giấy tờ duy nhất trong hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam, điều này càng chứng minh được vai trò của nó, nếu không có tờ khai thì sẽ không có bất kỳ hoạt động nào tiếp diễn sau đó. Tờ khai còn là nơi cá nhân, tổ chức biểu đạt hết thông tin cần thiết, đặc biệt là ở cấu tạo kỹ thuật, để cơ quan có thẩm quyền xem xét, là cách để nhà nước quản lý hoạt động đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Trình tự thủ tục đề nghị chấp thuận được thực hiện như sau: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ căn cứ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí đặc thù của địa phương, xem xét cấp văn bản chấp thuận. Trường hợp không cấp văn bản chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Thông thường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh sẽ ban hành các quyết định quy định ban hành tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển, trong đó có nêu rõ các căn cứ cụ thể đối với việc chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê tàu cá. Ví dụ: Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 15/01/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình quy định về tiêu chí đặc thù để cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển như sau:
Thứ nhất, đối với đóng mới tàu cá.
– Có chứng nhận đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Bình cấp đối với tổ chức; có đăng ký thường trú tại tỉnh Quảng Bình đối với cá nhân;
– Đăng ký nghề khai thác phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình;
– Đối với đóng mới tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải có hồ sơ thiết kế đóng mới tàu cá được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
– Có Phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, hiệu quả, khả thi.
Thứ hai, đối với cải hoán tàu cá.
– Đăng ký nghề khai thác phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình;
– Có Phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, hiệu quả, khả thi.
– Tàu cá đã được đăng ký tại tỉnh Quảng Bình;
– Đối với cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất sau cải hoán từ 12 mét trở lên phải có hồ sơ thiết kế cải hoán tàu cá được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Thứ ba, đối với thuê, mua tàu cá.
– Có chứng nhận đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Bình cấp đối với tổ chức; có đăng ký thường trú tại tỉnh Quảng Bình đối với cá nhân;
– Đăng ký nghề khai thác phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình;
– Có Phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, hiệu quả, khả thi.
– Tàu cá thuê, mua đã được đăng ký, đăng kiểm theo quy định;
– Tuổi vỏ tàu không quá 10 năm.
Với việc cho phép các Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động trong việc đề ra các tiêu chí chấp thuận nhằm tạo sự linh hoạt, phù hợp hơn. Đây là cơ quan quản lý của tỉnh, nắm bắt được tình hình phát triển của địa phương để đưa ra những chính sách phù hợp nhất, đảm bảo được tính hiệu quả trong việc sử dụng tàu vào khai thác tại vùng biển Việt Nam.
2. Mẫu tờ khai cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá (05.TC):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…(1)……, ngày……..tháng……năm………
TỜ KHAI CẤP VĂN BẢN CHẤP THUẬN ĐÓNG MỚI/CẢI HOÁN/
THUÊ/MUA TÀU CÁ
Kính gửi:……(2)……
Họ tên người đứng khai: …(3)……
Thường trú tại: ..(4)……
Số CMND/Căn cước công dân số: …
Ngày cấp:…; nơi cấp: …..
Đề nghị đóng mới/cải hoán/thuê/mua tàu cá với nội dung sau: (5)
Mẫu thiết kế:…..; Đơn vị thiết kế: ….. ;
Kích thước chính Lmax x Bmax x D, m: ……; Chiều chìm d,m: …..
Vật liệu vỏ: …; Tổng dung tích: ….
Số lượng máy chính: …….; Tổng công suất (KW): …
Nghề chính: ……Nghề kiêm:….
Vùng hoạt động: …….
Nội dung đề nghị cải hoán(*): …..
Họ tên, địa chỉ và giá trị cổ phần của từng chủ sở hữu (Nếu tàu thuộc sở hữu nhiều chủ):
STT | Họ và tên | Địa chỉ | Số chứng minh nhân dân | Giá trị cổ phần |
Tôi xin cam đoan đóng mới/cải hoán/thuê/mua tàu cá theo đúng nội dung đề nghị và chấp hành các quy định về đăng kiểm, đăng ký tàu cá./.
ĐẠI DIỆN CHỦ TÀU (6)
(Ký tên và đóng dấu (nếu có))
3. Hướng dẫn viết tờ khai cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá:
(1) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm lập tờ khai.
(2) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ví dụ: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam.
(3) Ghi tên người khai, thường là chủ sở hữu của tàu (tên theo giấy khai sinh).
(4) Ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, thành phố (tỉnh).
(5) Khai đầy đủ các nội dung về cấu tạo của tàu.
(6) Chủ tàu cá là cá nhân, tổ chức sở hữu tàu cá, đứng tên đăng ký sử dụng tàu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(*): Chỉ ghi đối với trường hợp đề nghị cải hoán.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thuỷ sản năm 2017.
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.