Nhằm giảm thiểu quá trình phức tạp, tiếp xúc giữ cán bộ, công chức thuế với người nộp thuế, ngành thuế nước ta đã áp dụng giao dịch diện tử trong lĩnh vực thuế, trong đó nộp thuế điện tử được đánh giá là tối ưu và hiệu quả nhất. Hoạt động nộp thuế này sẽ được xác nhận sau khi người nộp thuế thực hiện xong nghĩa vụ của mình.
Mục lục bài viết
1. Thông báo về xác nhận nộp thuế điện tử (05/TB-TĐT) là gì?
Khái niệm về “thuế” được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi góc độ đưa ra một khái niệm đặc trưng, thể hiện cho quan điểm, góc nhìn rất mới về thuế, chẳng hạn:
– Trên góc độ phân phối thu nhập thì “Thuế là hình thức phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân nhằm hình thành các quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.”
– Trên góc độ kinh tế học: “Thuế là một biện pháp đặc biệt, theo đó, nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công nhằm thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội của nhà nước.”
– Dưới góc độ pháp lý, Khoản 1, Điều 3, Luật Quản lý thuế giải thích: “Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.”
Xem xét và tổng hợp các khái niệm thuế dưới các góc độ, có thể hiểu khái quát về thuế như sau: “Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc cho nhà nước do luật định đối với các pháp nhân và thể nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Thuế là một hình thức phân phối lại bộ phận nguồn tài chính của xã hội, không mang tính hoàn trả trực tiếp cho người nộp.”
Dịch vụ kê khai và nộp thuế điện tử gọi chung là giao dịch thuế điện tử cho phép người nộp thuế thực hiện các giao dịch với cơ quan thuế thông qua môi trường Internet đã đem lại sự tiện lợi cho người dùng và có thể theo dõi được các bước xử lý của Cơ quan Thuế, đảm bảo tính minh bạch hiệu quả phương trâm mà cơ quan thuế đã đưa ra. Đây cũng là dự án quan trọng của Ngành Thuế nằm trong kế hoạch xây dựng hệ thống Quản lý Thuế tích hợp trong thời gian tới.
Nộp thuế điện tử là giao dịch cho phép người nộp thuế tiến hành nộp tiền vào ngân sách nhà nước thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền/Cổng thông tin của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN hoặc thông qua các kênh giao dịch điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thông thường, thông báo về việc xác nhận nộp thuế điện tử được thực hiện khi việc nộp thuế điện tử đã thành công, điều này đã được ghi nhận trong Khoản 4, Điều 20 Nghị định 19/2021, cụ thể: “Trường hợp chứng từ nộp NSNN đủ điều kiện trích nợ, ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện trích nợ tài khoản của người nộp thuế theo thông tin nộp NSNN do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế truyền đến và ký điện tử trên chứng từ nộp NSNN. Ngân hàng, hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gửi thông báo về việc nộp thuế điện tử thành công (theo mẫu số 05/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) ….”
Thông báo về xác nhận nộp thuế điện tử có thể được xem là nghĩa vụ của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, thông qua hoạt động này, người nộp thuế nắm bắt được tình trạng nộp thuế của mình, đây cũng là căn cứ để chứng minh tính tuân thủ thuế của người nộp thuế, thông báo còn là cách để người nộp thuế bảo đảm quyền được thông tin của mình. Hơn nữa, đây sẽ là căn cứ quan trọng nếu có tranh chấp trong việc xác định số thuế trên thực tế đã nộp vào ngân sách nhà nước, làm cơ sở cho việc yêu cầu hoàn thuế.
Tìm hiểu một số vấn đề pháp lý về nộp thuế điện tử, tác giả có một số điều cần chú ý tới người đọc như sau:
– Về thủ tục đăng ký nộp thuế điện tử:
Người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN thì đồng thời phải đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế với ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nơi mở tài khoản theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Người nộp thuế được lựa chọn đăng ký nộp thuế điện tử tại một hoặc nhiều ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nơi người nộp thuế có tài khoản giao dịch.
Ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nơi người nộp thuế mở tài khoản gửi thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký nộp thuế điện tử cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời hạn chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản đăng ký của người nộp thuế.
Trường hợp không chấp nhận, người nộp thuế căn cứ thông báo không chấp nhận nộp thuế điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hoàn chỉnh thông tin đăng ký hoặc liên hệ với cơ quan thuế quản lý, ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nơi có tài khoản để được hướng dẫn, hỗ trợ.
– Người nộp thuế có thể thực hiện nộp thuế điện tử thông qua các phương thức sau:
+ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
+ Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
+ Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (trừ điểm b khoản này) đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
+ Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
+ Dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.
– Cách xác định thời gian nộp thuế điện tử: Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch thuế điện tử 24 giờ trong ngày (kể từ 00:00:00 giờ đến 23:59:59 giờ) và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết. Ngày đã nộp thuế là ngày Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, tổ chức dịch vụ trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế hoặc người nộp thay và được ghi nhận trên chứng từ nộp tiền thuế.
Nhìn chung quy định về nộp thuế điện tử được ghi nhận đầy đủ trong Thông tư 19/2021/TT-BTC, đây là một thông tư vừa có hiệu lực vào tháng 5/2021, đây sẽ là văn bản có tác động tích cực trong công tác quản lý thuế, đáp ứng đầy đủ nguyện vọng về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
2. Mẫu thông báo về xác nhận nộp thuế điện tử (05/TB-TĐT):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
NGÂN HÀNG/TỔ CHỨC…(1)
——-
Số: …./TB-<NH/Tổ chức>
…(2)…, ngày… tháng… năm…
THÔNG BÁO
Về việc xác nhận nộp thuế điện tử
Vào <…giờ … phút … giây, ngày …tháng…năm…>, <Ngân hàng/Tổ chức…> thông báo trạng thái thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử của người nộp thuế, cụ thể như sau: (3)
STT | Nội dung | Giá trị |
1 | Số tham chiếu | |
2 | Mã hiệu chứng từ | |
3 | Số chứng từ nộp NSNN | |
4 | Tài khoản trích Nợ | |
5 | Nộp cho KBNN | |
6 | Ngày gửi GNT | |
7 | Ngày nộp thuế điện tử | |
8 | Tổng số khoản | |
9 | Loại tiền | |
10 | Tổng số tiền nộp NSNN | |
11 | Trạng thái | |
12 | Lý do <trường hợp không thành công> |
Để tra cứu thông tin đã nộp thuế điện tử nói trên, xin vui lòng truy cập theo đường dẫn: <đường dẫn>.
Nơi nhận:
– <Người nộp thuế>;
– Lưu: …(4).
NGÂN HÀNG/TỔ CHỨC…
<Chữ ký số của Ngân hàng/Tổ chức>
3. Hướng dẫn mẫu thông báo về xác nhận nộp thuế điện tử (05/TB-TĐT):
(1) Tên ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
(2) Ghi địa danh (tỉnh, thành phố), ngày tháng năm ra thông báo
(3) Ghi đầy đủ các nội dung theo từng mục trong bảng
(4) Lưu hồ sơ của người nộp thuế
Đây là mẫu thông báo được thực hiện qua giao dịch điện tử, không phải là thông báo bằng văn bản giấy.
Ghi chú: Các nội dung ở trong dấu <> chỉ là ví dụ hoặc giải thích.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính ban hành