Các trường học đều có mục tiêu giáo dục đặt ra cho mỗi năm học cụ thể đối với từng khối lớp và đối với từng nội dung khác nhau trong giáo dục. Các trường học sẽ thực hiện cam kết chất lượng giáo dục của trường học mình theo chế độ công khai.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông là gì?
- 2 2. Nội dung cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông:
- 3 3. Mẫu thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông:
- 4 4. Soạn thảo Thông báo cam kết chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, năm học ……
1. Thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông là gì?
Chất lượng giáo dục được hiểu là sự đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục theo quy đinh của pháp luật về giáo dục cũng như chất lượng giáo dục này cũng đáp ứng được chất lượng đảm bảo cho nhu cầu sử dụng nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.
Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm cơ sở giáo dục trung học cơ sở và cơ sở giáo dục trung học phổ thông.
Thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông là văn bản thể hiện cam kết của nhà trường về chất lượng giáo dục của nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông về chất lượng giáo dục mà trường phấn đấu đạt được trong một năm học.
Thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông năm học được dùng để thể hiện những nội dung cam kết về mục tiêu chất lượng giáo dục mà trường học cam kết đạt được trong năm học mới. Nội dung cam kết này sẽ được công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội biết, đồng thời sẽ tham gia giám sát và đánh giá về chất lượng giáo dục trong năm học so với cam kết đặt ra.
2. Nội dung cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông:
Tại điểm a, khoản 1 Điều 5 trong Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau:
“Điều 5. Công khai đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục chuyên biệt
1. Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế:
a) Cam kết chất lượng giáo dục: điều kiện về đối tượng tuyển sinh của cơ sở giáo dục; chương trình giáo dục mà cơ sở giáo dục thực hiện; yêu cầu phối hợp giữa cơ sở giáo dục và gia đình, yêu cầu thái độ học tập của học sinh; các hoạt động hỗ trợ học tập, sinh hoạt cho học sinh ở cơ sở giáo dục; kết quả đánh giá về từng năng lực, phẩm chất, học tập, sức khỏe của học sinh dự kiến đạt được; khả năng học tập tiếp tục của học sinh (các trường tiểu học thực hiện theo Biểu mẫu 05, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục chuyên biệt thực hiện theo Biểu mẫu 09).”
Như vậy, đối với các nội dung được liệt kê về cam kết chất lượng giáo dục mà nhà trường phải thực hiện công khai bao gồm các tiêu chí như điều kiện về đối tượng tuyển sinh của nhà trường; chương trình giáo dục mà nhà trường thực hiện; yêu cầu phối hợp giữa nhà trường và gia đình, yêu cầu thái độ học tập của học sinh trong nhà trường; các hoạt động hỗ trợ học tập, sinh hoạt cho học sinh ở nhà trường; kết quả đánh giá về từng năng lực, phẩm chất, học tập, sức khỏe của học sinh dự kiến đạt được; khả năng học tập tiếp tục của học sinh. Đây là những nội dung mà nhà trường bắt buộc phải cam kết, vì đó là những tiêu chí phản ánh chất lượng giáo dục của nhà trường đạt được qua từng năm học.
3. Mẫu thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông:
Mẫu thông báo cam kết chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông được đề cập dưới đây là Biểu mẫu 09: Cam kết chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, năm học …… được áp dụng trong trường hợp cơ sở giáo dục thực hiện thông báo cam kết đó là các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục chuyên biệt. Biểu mẫu này được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mẫu thông báo cam kết như sau:
Biểu mẫu 09
Tên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp(1).
(Tên cơ sở giáo dục) (2)
THÔNG BÁO
Cam kết chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, năm học……… (3)
STT | Nội dung | Chia theo khối lớp | |||
Lớp.. | Lớp.. | … | … | ||
I | Điều kiện tuyển sinh (4) | ||||
II | Chương trình giáo dục mà cơ sở giáo dục thực hiện (5) | ||||
III | Yêu cầu về phối hợp giữa cơ sở giáo dục và gia đình; Yêu cầu về thái độ học tập của học sinh (6) | ||||
IV | Các hoạt động hỗ trợ học tập, sinh hoạt của học sinh ở cơ sở giáo dục (7) | ||||
V | Kết quả năng lực, phẩm chất, học tập và sức khỏe của học sinh dự kiến đạt được (8) | ||||
VI | Khả năng học tập tiếp tục của học sinh (9) |
….., ngày ….. tháng …. năm …….
Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
4. Soạn thảo Thông báo cam kết chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, năm học ……
(1) Ghi tên cơ sở quản lý trường học
(2) Ghi tên trường học thực hiện Thông báo cam kết chất lượng giáo dục
(3) Ghi năm học thực hiện thông báo cam kết
(4) Về điều kiện tuyển sinh, thì ghi điều kiện tuyển sinh đối với từng khối lớp.
Ví dụ như đối với khối lớp 6, điều kiện tuyển sinh đó là học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Còn đối với khối lớp 7 thì điều kiện tuyển sinh là học sinh đã đủ điều kiện lên lớp 7
(5) Về Chương trình giáo dục mà cơ sở giáo dục tuân thủ, thì ghi chương trình giáo dục mà trường học đang áp dụng Hiện nay, chủ yếu đó chính là chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
(6) Về Yêu cầu về phối hợp giữa cơ sở giáo dục và gia đình; Yêu cầu về thái độ học tập của học sinh thì ghi nội dung nhà trường yêu cầu đặt ra
Ví dụ, yêu cầu về phối hợp giữa trường và gia đình thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình
– Phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh và thực hiện những nhiệm vụ do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra
– Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn của lớp để chăm sóc, quản lý, động viên học sinh tích cực, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, tuân thủ quy định của Điều lệ trường học và nội quy nhà trường
– Phụ huynh chịu trách nhiệm đối với những sai phạm, khuyết điểm của con em mình theo quy định của pháp luật và thực hiện các khuyến nghị của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp việc phối hợp với nhà trường để chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh.
Về yêu cầu đối với học sinh, thì có thể có những nội dung sau:
– Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường
– Kính trọng cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, nhân viên của nhà trường và người cao tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện,; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường, chấp hành pháp luật
– Rèn luyện thân thể, giữ vệ sinh cá nhân
– Tham gia các hoạt động tập thể của trường, lớp, của Đoàn Thanh niên, giúp đỡ gia đình, và tham gia các công tác xã hội như hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông
– Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng, góp phần phát huy truyền thống của nhà trường.
(7) Ghi Các hoạt động hỗ trợ học tập, sinh hoạt của học sinh ở trường học, như việc tổ chức các hoạt động giáo dục như hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, ngoại khóa, tham gia trải nghiệm, tiết học ngoài trời,….; tổ chức các hoạt động thể dục , thể thao, văn háo, hoạt động xã hội như hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ môi trường,…; tham gia đầy đủ và hiệu quả các hội thi, phòng trào do ngành tổ chức như thi học sinh giỏi, Hội thao,…
(8) Ghi các kết quả mà nhà trường cam kết, bao gồm các nội dung như xếp loại học lực cuối năm đối với từng khối lớp, xếp loại hạnh kiểm cuối năm đối với từng khối lớp; học sinh tốt nghiệp cuối cấp, tỷ lệ tốt nghiệp nghề phổ thông, tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, ….
(9) Nêu cam kết về khả năng học tập của học sinh của trường học, đó là đủ điều kiện tiếp tục học ở lớp trên vào năm học tới và đủ điều kiện học ở cấp học tiếp theo ở lớp cuối cấp. Ví dụ như đối với học sinh khối lớp 9 thì học sinh phải đủ khả năng tiếp tục học ở bậc trung học phổ thông hoặc Trung cấp nghề nghiệp theo định hướng phân luồng, giáo dục hướng nghiệp.