Nhằm thể hiện trách nhiệm quản lý trong cộng đồng dân cư, mỗi khi có các sự kiện lớn hoặc các lễ lớn của dân tộc, Ủy ban nhân dân thường ban hành các thông báo về việc cấm đốt pháo và yêu cầu các cá nhân, tổ chức phối hợp thực hiện.
Mục lục bài viết
1. Thông báo cấm đốt pháo là gì?
Trước hết, pháo được giải thích theo Nghị định 137 là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Thực tế, trên thị trường hay trong quy định của pháp luật đang tồn tại 2 loại pháo đó là pháo hoa và pháo nổ. Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Về bản chất thì pháo nổ có tính chất nguy hiểm cao hơn so với pháo hoa.
Thông báo cấm đốt pháo thể hiện trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý, sử dụng pháo. Nhằm thông tin tới các chủ thể có liên quan trong công tác đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo. Là cơ sở để phát sinh trách nhiệm của các chủ thể có liên quan được nêu rõ trong thông báo, là căn cứ để hợp pháp hóa hoạt động của cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Khi đốt pháo trái phép, cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính, theo quy định của Nghị định 167/2013, cụ thể:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Sử dụng các loại pháo mà không được phép.”
Bên cạnh đó, người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào hành vi, có thể bị truy cứu tại:
“Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 % đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”
Tuy nhiên, việc cấm đốt pháo không thuộc trường hợp được sử dụng pháo hoa tại Điều 17, Nghị định 137 (Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.) và các trưởng hợp tổ chức bắn hoa nổ vào các thời điểm: Tết Nguyên đán (Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút); Giỗ Tổ Hùng Vương (Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng); Ngày Quốc khánh (Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút),… và một số ngày lễ khác.
2. Mẫu thông báo cấm đốt pháo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN …(1)
Số:…./….-…….(2)
(3).., ngày…. tháng ……..năm………
THÔNG BÁO
Về việc cấm đốt pháo
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017;
Căn cứ Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo;
Căn cứ Kế hoạch số:…./KH-… Kế hoạch Phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán………….. năm…..;
Căn cứ Chỉ thị số:…../ CT-… Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh……
(4) Trong giai đoạn từ năm…… đến năm…… trên địa bàn huyện……………..đã xảy ra ……. Vụ đốt pháo trái quy định pháp luật làm chết…………. người; bị thương……………….người.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho toàn thể nhân dân trong dịp………………………….. Uỷ ban nhân dân thông báo đến toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện…………. về việc cấm đốt pháo trong dịp………………………….
Bất kì cá nhân/ tổ chức nào bị phát hiện đốt pháo sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân huyện……. ban hành thông báo này để toàn bộ nhân dân được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: (5)
– ……………….
– Lưu:………….
TM ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
CHỦ TÍCH
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu thông báo cấm đốt pháo:
(1) Ghi tên chủ thể ban hành thông báo, có thể là Ủy ban nhân dân phường, thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh. Ví dụ: Ủy ban nhân dân Phường Phú Lâm
(2) Ghi số, ký hiệu văn bản, ví dụ: Số 22/TB-UBND
(3) Ghi địa danh (căn cứ vào Ủy ban ban hành), ghi ngày tháng năm ban hành thông báo
(4) Nội dung được ghi tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa bàn, có thể áp dụng mẫu trên hoặc xem xét ví dụ dưới đây:
“Để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, phục vụ nhân dân đón tết Nguyên đán vui vẻ, an toàn, Ủy ban nhân dân phường Phú Lâm thông báo:
1. Giao lực lượng công an phường phối hợp với Ban bảo vệ dân phố tổ chức tuần tra, giám sát cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp, tới từng hộ gia đình tại các tổ dân phố trên địa bàn về việc chấp hành Nghị định 137 của Chính phủ.
2. Trường hợp phát hiện tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân sử dụng, đốt pháo nổ, yêu cầu lực lượng công an phường lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật ngay lúc xảy ra sự việc (kể cả vào sáng mùng 1 tết)
3. Đối với các trường hợp đốt pháo ngoài đường sẽ bị bắt và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật
Ủy ban nhân dân phường Phú Lâm thông báo để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân biết và nghiêm túc thực hiện.”
(5) Chủ yếu là các cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý sử dụng pháo, ví dụ:
Nơi nhận:
– TT Đảng ủy-HĐND phường
– Chủ tịch, các phó Chủ tịch UBND phường
– Trưởng các ngành, bộ phận đoàn thể trong phường;
– Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn;
– BP VHTT (để thông báo);
– Tổ trưởng các TDP;
– Lưu: VT.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.