Pháp luật cho phép sự ra đời và hoạt động của của tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng- tổ chức thực hiện chức năng khảo nghiệm giống cây trồng. Sự ra đời và hoạt động của tổ chức này phải được cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm, tuy nhiên Quyết định này có thể bị hủy bỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là gì?
- 2 2. Quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm dùng để làm gì?
- 3 3. Mẫu quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm:
- 4 4. Hướng dẫn mẫu quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm:
1. Quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là gì?
Thuật ngữ “giống” (tiếng Latin: varietas; tiếng Anh: variety) là thuật ngữ dùng để chỉ một quần thể các sinh vật cùng loài do con người chọn và tạo ra; có các đặc điểm di truyền xác định. Tất cả các cá thể của cùng một giống đều có các tính trạng hay thường được gọi theo một cách khác là các đặc tính về hình thái-giải phẫu, sinh lý-sinh hoá, năng suất v.v. hầu như giống nhau và ổn định trong những điều kiện sinh thái và kỹ thuật sản xuất phù hợp nhất.
Từ khái niệm về giống như vậy, ta có thể hình dung giống cây trồng (crop variety; cultivar) là một nhóm các thực vật có các đặc trưng sau:
– Có nguồn gốc chung với các tính trạng hay đặc điểm giống nhau.
– Giống cây trồng thường mang tính di truyền đồng nhất (nghĩa là có sự ổn định, ít phân ly) về các tính trạng hình thái và một số đặc tính nông sinh học khác, điển hình như: chiều cao cây, thời gian sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh v.v.
– Mang tính khu vực hoá, điều này có nghĩa là tất cả các đặc điểm hay tính trạng của giống cây trồng được biểu hiện trong những điều kiện ngoại cảnh (như đất đai, khí hậu, các biện pháp kỹ thuật sản xuất) nhất định. Từ đây xuất hiện các khái niệm liên quan về giống chịu hạn, chịu mặn, chịu úng v.v.
– Do con người tạo ra (bằng nhiều phương pháp khác nhau) nhằm thoả mãn một hoặc một vài nhu cầu và thị hiếu nhất định, như: năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị thương phẩm cao…. Từ đó, các giống vật nuôi và cây trồng được xem là những phương tiện sống của một nền sản xuất nông nghiệp cụ thể.
Khái niệm “giống cây trồng” cũng được luật hóa và ghi nhận tại Khoản 5, Điều 2, Luật Trồng trọt, theo đó: “Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”
Khảo nghiệm giống cây trồng là hoạt động cực kỳ có ý nghĩa, đó là hoạt động có tác động năng suất, hiệu quả trồng trọt, được hiểu là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng theo phương pháp nhất định. (Khoản 13, Điều 2, Luật Trồng trọt).
Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng là tổ chức độc lập được thành lập để thực hiện chức năng khảo nghiệm giống cây trồng và phải được cấp quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Với sự ghi nhận về sự hình thành và hoạt động của tổ chức này, Luật Trồng trọt quy định tổ chức khảo nghiệm có các quyền và nghĩa vụ tại Điều 34, cụ thể:
– Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng có quyền sau đây:
+ Tiến hành khảo nghiệm giống cây trồng trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị;
+ Được thanh toán chi phí khảo nghiệm giống cây trồng trên cơ sở hợp đồng với tổ chức, cá nhân đề nghị.
– Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện khảo nghiệm theo đúng nội dung ghi trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm và lưu kết quả theo quy định của pháp luật về lưu trữ;
+ Chịu trách nhiệm bảo mật trước tổ chức, cá nhân có giống cây trồng khảo nghiệm.
Quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm là văn bản của chủ thể có thẩm quyền (Cục Trồng trọt) ban hành nhằm hủy bỏ quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm đã được cấp trước đó (tức là buộc tổ chức khảo nghiệm chấm dứt hoạt động) khi thuộc một trong các trường hợp luật định.
2. Quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm dùng để làm gì?
Quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm buộc tổ chức khảo nghiệm phải chấm dứt hoạt động kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Đây là sự thể hiện về mặt hình thức hậu quả pháp lý mà tổ chức khảo nghiệm phải gánh chịu. Là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quản lý, chấn chỉnh, răn đe hoạt động của các tổ chức khảo nghiệm khác, đây cũng là cơ sở để tổ chức khảo nghiệm khiếu nại khi thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Quyết định này còn là cơ sở để hợp pháp hóa mọi hoạt động của Chánh Văn phòng Cục, Trưởng các đơn vị thuộc Cục; tổ chức khảo nghiệm, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan.
Thẩm quyền quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức kháo nghiệm: Cục Trồng trọt.
Căn cứ hủy bỏ được quy định tại Khoản 3, Điều 21 Luật Trồng trọt, cụ thể:
Một là, bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng. Nội dung bị tẩy, xóa, sửa chữa có thể là nội dung về loại cây trồng khảo nghiệm, nội dung khảo nghiệm và vùng khảo nghiệm.
Hai là, phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ đăng ký công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng. Ví dụ bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm là giả (không đúng với bản chính hoặc bản chính cũng là giả); Tài liệu chứng minh địa điểm, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thực hiện khảo nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giống cây trồng là không trung thực.
Ba là, tổ chức khảo nghiệm có hành vi vi phạm mà pháp luật quy định phải hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng. Quy định mang mối liên hệ với các quy định khác của pháp luật, hành vi vi phạm phải được pháp luật quy định là hủy bỏ thì mới được hủy bỏ, các trường hợp vi phạm mà không quy định hủy bỏ Quyết định thì không được tiến hành hủy bỏ Quyết định.
Bốn là, không còn đáp ứng được một trong các điều kiện cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
Năm là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng mà còn tái phạm.
Về trình tự, thủ tục:
Khoản 4, Điều 7, Nghị định 94 quy định: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin về các căn cứ hủy bỏ nêu trên, Cục Trồng trọt ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng theo Mẫu số 05.KN Phụ lục V (biểu mẫu dưới đây) khi có đủ bằng chứng; đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.
Như vậy, hoạt động hủy bỏ chỉ thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể là Cục trồng trọt, đây là hoạt động thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tránh tình trạng tổ chức khảo nghiệm hoạt động thiếu chuyên nghiệp, không tuân thủ pháp luật, dẫn đến những ảnh hưởng trong việc khảo nghiệm giống cây trồng.
3. Mẫu quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm:
Mẫu số 05.KN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT
——-
Số: /QĐ-TT-…
Hà Nội, ngày … tháng … năm
QUYẾT ĐỊNH
Về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm
CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT
Căn cứ Quyết định số …/QĐ-BNN-TCCB ngày … tháng … năm … của … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt;
Căn cứ Quyết định số … ngày … tháng … năm … của Cục trưởng Cục Trồng trọt về việc công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
Căn cứ kết quả xác minh và đề nghị của …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng đối với ……(1)………
Lý do hủy bỏ: ……(2)………
Thời gian hủy bỏ: kể từ ngày … tháng … năm …(3)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Cục, Trưởng các đơn vị thuộc Cục; tổ chức khảo nghiệm, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều …;
– …;
– Lưu: VT, …
CỤC TRƯỞNG
(Ký tên và đóng dấu)
4. Hướng dẫn mẫu quyết định về việc hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm:
(1) Ghi tên tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng
(2) Ghi một trong các lý do được quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Trồng trọt
(3) Ngày quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm hết hiệu lực.
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018.
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.