Thanh tra công an nhân dân có quyền kiểm tra các việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của một vụ việc thanh tra. Hoạt động kiểm tra đòi hỏi được tiến hành trong một thời hạn nhất định và khi có những khó khăn thì có quyền ra quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra.
Mục lục bài viết
1. Quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra của Bộ Công an là gì?
Cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân là cơ quan có ví trí cực kỳ quan trọng, là cơ quan trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra phải đảm bảo các nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Điều lệnh và các quy định của Bộ Công an; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; Khi tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.
Hoạt động kiểm tra ở đây được hiểu là tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của một vụ việc thanh tra.
Mục đích của hoạt động kiểm tra này được quy định tại Khoản 3, Điều 3, Thông tư 01/2013/TT-TTCP, theo đó, “Kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhằm phát hiện, xử lý hành vi không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đảm bảo kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra và công tác quản lý nhà nước về thanh tra.”
Quyền kiểm tra của cơ quan thanh tra thuộc Công an nhân dân được ghi nhận tại Nghị định 41/2014, cụ thể:
Tại Khoản 6, Điều 12, Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tổng cục là “Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng cục.”
Hoặc tại Khoản 4, Điều 22, Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra chuyên ngành Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là “Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.”
Điều này cho thấy, hoạt động kiểm tra không tập trung vào một cơ quan duy nhất mà được phân bổ cho các cơ quan, phù hợp với chức năng và có xem xét đến tính hiệu quả của hoạt động thanh tra.
Thời hạn kiểm tra là khoảng thời gian được pháp luật quy định mà cơ quan thành tra phải hoàn thành công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Thời hạn kiểm tra có thể được gia hạn.
Gia hạn thời hạn kiểm tra là khoảng thời gian được kéo dài không vượt quá thời hạn kiểm tra mà cơ quan thanh tra vẫn được tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra là văn bản do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ban hành với nội dung kéo dài thời gian kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra là văn bản bắt buộc nếu cơ quan thanh tra muốn kéo dài thời hạn kiểm tra, là căn cứ để hợp pháp mọi hoạt động của cơ quan này, là cơ sở để cơ quan thanh tra có thời gian thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm tra khi gặp những khó khăn hoặc nội dung, phạm vi kiểm tra phức tạp.
Quy định về thời hạn kiểm tra và gia hạn thời hạn kiểm tra được ghi nhận tại Điều 17 Thông tư 01/2013/TT-TTCP, cụ thể:
Trường hợp tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của một vụ việc thanh tra, thời hạn kiểm tra tối đa là 05 ngày tính từ ngày bắt đầu làm việc của người được giao nhiệm vụ kiểm tra. Nếu nội dung, phạm vi kiểm tra phức tạp, thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thể quyết định thời hạn kiểm tra căn cứ vào kế hoạch kiểm tra chi tiết được phê duyệt hoặc gia hạn kiểm tra. Thời gian gia hạn không vượt quá thời hạn tiến hành kiểm tra.
Trường hợp tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của nhiều vụ việc thanh tra, thời hạn kiểm tra tối đa là 10 ngày tính từ ngày bắt đầu làm việc của người được giao nhiệm vụ kiểm tra. Nếu nội dung, phạm vi kiểm tra phức tạp, thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thể quyết định thời hạn kiểm tra căn cứ vào kế hoạch kiểm tra chi tiết được phê duyệt hoặc gia hạn kiểm tra. Thời gian gia hạn không vượt quá thời hạn tiến hành kiểm tra.
Như vậy, việc xác định thời hạn kiểm tra được căn cứ vào việc thực hiện hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của một vụ việc thanh tra hay nhiều vụ việc thanh tra. Lí giải cho điều này, tác giả đưa ra một số nhận định sau:
Thứ nhất, việc phân chia thời hạn kiểm kiểm tra xuất phát từ tính chất phức tạp của vụ việc thanh tra, đơn giản là nhiều vụ việc thanh tra (các vụ việc có mối liên hệ) sẽ khó khăn, phức tạp hơn so với một vụ việc thanh tra.
Thứ hai, việc phân chia thời hạn như vậy nhằm giúp cho hoạt động thanh tra được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng, tránh tình trạng chây ỳ trong quá trình cơ quan thanh tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, việc cho phép gia hạn thời hạn kiểm tra là quy định mang tính thống nhất trong mối tương quan với các quy định khác trong hệ thống pháp luật khi phần lớn các quy định về thời hạn đều cho phép gia hạn.
Thứ tư, thẩm quyền ra quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra là Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với tư cách là người đứng đầu của cơ quan thanh tra.
2. Mẫu quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra của Bộ Công an:
…..…………….(1) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
……………(2) Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: /QĐ-(…3) ………(4), ngày…tháng…năm…
QUYẾT ĐỊNH
Về việc gia hạn thời hạn kiểm tra
……………………………..(5)
Căn cứ Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân;
Căn cứ Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ Quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;
Xét đề nghị của ……………,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Gia hạn thời hạn kiểm tra đối với cuộc kiểm tra theo Quyết định số…..ngày…../…../…..của………………(5) là…………………(bằng chữ) ngày; kể từ ngày…..tháng….năm…. (không kể ngày nghỉ).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
……(6) và …………….(7) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: ……..(8)
– Như Điều 2; (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
– ……(9) ;
– Lưu: …..
3. Hướng dẫn mẫu quyết định về việc gia hạn thời hạn kiểm tra của Bộ Công an:
(1): Tên cơ quan chủ quản (nếu có);
(2): Tên cơ quan, đơn vị ra Quyết định (nếu lãnh đạo Bộ ký Quyết định thì không có dòng này);
(3): Số hiệu hoặc chữ viết tắt của đơn vị ra Quyết định (nếu lãnh đạo Bộ ký Quyết định thì ghi là: BCA- Số hiệu hoặc chữ viết tắt của đơn vị soạn thảo văn bản);
(4): Địa danh;
(5): Chức danh Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra Quyết định kiểm tra;
(6): Đoàn kiểm tra hoặc họ tên cá nhân được giao kiểm tra;
(7): Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng kiểm tra;
(8): Chức vụ của người ra Quyết định gia hạn thời gian xác minh;
(9): Tên cơ quan, đơn vị, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân
Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ Quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra