Theo quy định pháp luật về bồi thường Nhà nước hiện nay, thì hoàn trả là hoạt động không thể thiếu trong bồi thường Nhà nước. Khi có đủ các căn cứ theo luật định, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ra Quyết định hoàn trả.
Mục lục bài viết
1. Quyết định hoàn trả là gì?
Hoàn trả theo nghĩa tiếng Việt đó chính là hoàn lại, trả lại những gì đã nhận cho một chủ thể nhất định, mà chủ thể này trước đó đã thực hiện các nghĩa vụ như thanh toán hoặc tương tự cho người có trách nhiệm hoàn trả. Còn hoàn trả trong bồi thường Nhà nước được giải thích như sau: “8. Hoàn trả là trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại một khoản tiền cho ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này.” (Khoản 8 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017). Như vậy, hoạt động hoàn trả trong bồi thường nhà nước chính là hoạt động của người thi hành công vụ phải thực hiện hoàn trả lại khoản tiền bồi thường cho cơ quan đã thực hiện bồi thường cho hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ đó.
Tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng đã xác định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi khi gây thiệt hại như sau: “1. Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Để xác định trách nhiệm hoàn trả trong bồi thường Nhà nước, thì cơ quan có thẩm quyền phải ra Quyết định hoàn trả. Như vậy, Quyết định hoàn trả chính là văn bản do cơ quan có thẩm quyền lập khi tiến hành xác định xong nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại, và yêu cầu người thi hành công vụ đó phải thực hiện hoàn trả lại khoản tiền bồi thường thiệt hại mà cơ quan đã bồi thường trước đó.
Quyết định hoàn trả (mẫu số 21/BTNN) chính là văn bản xác định trách nhiệm hoàn trả lại một khoản tiền nhất định về ngân sách nhà nước của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Và theo Khoản 3 Điều 67 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 còn quy định: “3. Căn cứ vào quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu số tiền phải hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 70 của Luật này.” Thì quyết định hoàn trả này còn là căn cứ để người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và để cơ quan quản lý người thi hành công vụ thực hiện hoạt động quản ký, giám sát người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả thực hiện nghĩa vụ của mình.
2. Việc ra Quyết định hoàn trả và thực hiện quyết định hoàn trả trong bồi thường Nhà nước:
Việc xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại được dựa trên tiêu chí đó chính là mức độ lỗi của người thi hành công vụ; và số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Về việc ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại, thì Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả. Hoạt động này được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày cơ quan này chi trả xong tiền bồi thường cho người thiệt hại. Thành viên của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả do Thủ trưởng cơ quan chi trả tiền bồi thường quyết định, tuy nhiên, phải đảm bảo nếu có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại, thì Thủ trưởng phải đảm bảo Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan đến việc gây thiệt hại.
Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả có trách nhiệm xác định những người thi hành công vụ nào đã gây thiệt hại, mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với thiệt hại như thế nào, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại đó, mức hoàn trả của từng người. Sau khi xác định xong, thì Hội đồng có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường. Thời hạn để Hội đồng thực hiện hoạt động này đó là 20 ngày kể từ ngày thành lập, thời hạn có thể kéo dài nhưng tối đa là 30 ngày đối với các vụ việc phức tạp.
Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thực hiện ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc thủ trưởng cơ quan ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do mình quản lý trong hoạt động tố tụng hình sự và kiến nghị Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do cơ quan đó quản lý.
Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ban hành quyết định hoàn trả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó. (Khoản 3 Điều 66 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017)
Sau khi được ban hành thì Quyết định hoàn trả được gửi tới người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả, và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thu tiền hoàn trả.
Về hiệu lực của Quyết định hoàn trả, thì Quyết định hoàn trả có hiệu lực kể từ ngày ký. Nếu nhận thấy quyết định hoàn trả không phù hợp với quy định pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thực hiện kiến nghị lên Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xem xét lại quyết định hoàn trả.
Trong quyết định hoàn trả xác định về việc thực hiện hoàn trả, hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần. Hoặc có thể xác định cách hoàn trả đó chính là cách trừ dần vào thu nhập từ tiền lương hằng tháng của người thi hành công vụ, đối với cách thức này cần đảm bảo mức trừ tối thiểu là 10% và tối đa là 30% thu nhập từ tiền lương hằng tháng.
Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu số tiền phải hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định, trừ những trường hợp khác theo luật định. Đối với người thi hành công vụ phải hoàn trả là người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai thì được hoãn việc hoàn trả so với Quyết định hoàn trả được áp dụng đối với họ.
3. Mẫu Quyết định hoàn trả:
Quyết định hoàn trả số 21/BTNN được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2018/TT-BTP ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tư pháp quy định một số biểu mẫu sử dụng trong công tác giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước. Mẫu Quyết định như sau:
Mẫu 21/BTNN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————–
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CHỦ QUẢN (nếu có)
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Số:…../QĐ-…(1)…
…(2)…, ngày … tháng … năm………
QUYẾT ĐỊNH
Hoàn trả
——————–
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
CƠ QUAN TRỰC TIẾP QUẢN LÝ NGƯỜI THI HÀNH
CÔNG VỤ GÂY THIỆT HẠI (3)
Căn cứ khoản 3, 4 Điều 66 và Điều 67
Căn cứ Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Căn cứ Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả số…./QĐ…ngày …/..…/ … của…………..
Xét kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Các Ông/Bà có tên sau đây có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách Nhà nước như sau:
1. Ông/Bà ……………
– Chức vụ: ……………
– Đơn vị công tác:…………
– Mức độ lỗi: ……………
– Số tiền hoàn trả:…………đồng
(Viết bằng chữ ………….)
– Phương thức thực hiện hoàn trả:……(4)……
– Hoãn thực hiện việc hoàn trả (nếu có):…………
2. Ông/Bà ………(5)……
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông/Bà có tên tại Điều 1 và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– …(6)…..;
– Lưu: VT, HSVV.
Thủ trưởng cơ quan
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
4. Soạn thảo Quyết định hoàn trả mẫu 21/BTNN:
Quyết định hoàn trả mẫu 21/BTNN được hướng dẫn ghi như sau:
(1) Ghi chữ viết tắt tên cơ quan ra quyết định hoàn trả.
(2) Ghi tên địa phương nơi có trụ sở cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo cấp hành chính tương ứng.
(3) Ghi chức vụ của người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, ví dụ trường hợp Sở A là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì ghi: “Giám đốc Sở A”; trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh A là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì ghi: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A”.
(4) Ghi phương thức hoàn trả một lần hoặc nhiều lần theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
(5) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại cùng một cơ quan thì mục này ghi như nội dung mục 1 Điều 1 của Mẫu. Trường hợp chỉ có một người thi hành công vụ gây thiệt hại thì không ghi mục này.
(6) Ghi tên cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.