Trong một số trường hợp, thì thời hạn giải quyết tố cáo được gia hạn và kéo dài hơn so với thời hạn giải quyết tố cáo mà pháp luật đã quy định. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định gia hạn giải quyết tố cáo. Vậy mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo là gì? Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo bao gồm những nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo là gì?
Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo là mẫu quyết định do Trưởng phòng thi hành án ban hành khi có căn cứ, lý do về việc gia hạn thời gian giải quyết tố cáo. Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo nêu rõ thông tin về họ, tên người bị tố cáo, nội dung tố cáo) đã được thụ lý giải quyết tại Quyết định, thời hạn gia hạn giải quyết tố cáo…
Khi quyết định gia hạn giải quyết tố cáo được ban hành thì Tổ xác minh nội dung tố cáo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định gia hạn giải quyết tố cáo và quyết định này có hiệu lực được tính kể từ ngày Trường phòng thi hành án ký. Tố cáo bao gồm có tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo là mẫu văn bản được dùng để quyết định về việc gia hạn giải quyết tố cáo. Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tiến hành giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật. Trình tự giải quyết tố cáo bao gồm có bốn bước: thụ lý tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
Về nguyên tắc, giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật và việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo. Tuy nhiên trong một số trường hợp, vì lý do nào đó, hoặc do tính chất của vụ việc phức tạp nên thời hạn giải quyết tố cáo cần phải được gia hạn, tuy nhiên thời hạn gia hạn không được quá so với thời hạn mà pháp luật đã quy định.
2. Mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————–
BTL QK….(BTTM, QCHQ).
PHÒNG THI HÀNH ÁN.
Số: ……../QĐ-PTHA
, ngày ….. tháng ….. năm …….
QUYẾT ĐỊNH
Về việc gia hạn giải quyết tố cáo
TRƯỞNG PHÒNG THI HÀNH ÁN
Căn cứ … Điều … Luật Thi hành án dân sự ……. ;
Căn cứ …… Luật Tố cáo ………………..;
Căn cứ ………..;
Xét đề nghị của ………(1) – Thẩm tra viên Phòng Thi hành án ….,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Gia hạn giải quyết tố cáo đối với: ……………(2) (họ, tên người bị tố cáo) về việc ……(3) . (nội dung tố cáo) đã được thụ lý giải quyết tại Quyết định ……
Thời hạn gia hạn là ……… ngày làm việc, kể từ ngày …………… (hết hạn giải quyết tố cáo).(4)
Điều 2. Tổ xác minh nội dung tố cáo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
– Như Điều 1, 2;
– Cục THA/BQP;
– Viện KSQS.….;
TRƯỞNG PHÒNG
3. Hướng dẫn sử dụng mẫu quyết định gia hạn giải quyết tố cáo:
(1): Điền tên của Thẩm tra viên Phòng Thi hành án.
(2): Điền họ, tên người bị tố cáo.
(3): Điền nội dung tố cáo.
(4): Điền thời hạn gia hạn.
4. Quy định của pháp luật về gia hạn giải quyết tố cáo:
Tại Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo quy định về thời hạn giải quyết tố cáo, theo đó: thời hạn giải quyết tố cáo được quy định là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số trường hợp vì tính chất phức tạp và đặc biệt phức tạp của vụ việc mà thời hạn giải quyết tố cáo được gia hạn theo quy định của pháp luật. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Theo đó, pháp luật cũng quy định về xác định tính chất phức tạp của vụ việc, khi đó, vụ việc phức tạp là vụ việc đáp ứng một trong các tiêu chí: (1) Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên, (2) Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người, (3) Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên, (4) Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài, (5) Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau, (6) Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, (7) Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
Tiêu chí xác định vụ việc đặc biệt phức tạp được quy định là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên đã được nêu ở trên. Khi nhận thấy có đủ căn cứ để gia hạn giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo sẽ ra quyết định gia hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật. Theo đó, người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Khi tiến hành giải quyết tố cáo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo phải thông báo cho người tố cáo, người bị tố cáo về việc thụ lý tố cáo và các nội dung tố cáo được thụ lý. Theo đó, pháp luật quy định về việc thụ lý tố cáo được thực hiện bằng một trong hai hình thức như:(1) Gửi quyết định thụ lý tố cáo,(2) Gửi văn bản thông báo về việc thụ lý tố cáo theo biểu mẫu quy định. Bên cạnh đó, việc thông báo về việc thụ lý tố cáo cho người bị tố cáo được thực hiện bằng một trong hai hình thức, đó là: (1) Gửi thông báo về nội dung bị tố cáo theo biểu mẫu quy định, (2) Công bố quyết định thụ lý tố cáo, quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo tại cơ quan, đơn vị quản lý cá nhân bị tố cáo hoặc cơ quan, đơn vị bị tố cáo; việc công bố được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi có quyết định thụ lý tố cáo, Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết tố cáo, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định lập hồ sơ giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân.
– Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, theo quy định của pháp luật thì đối với từng đối tượng, từng hành vi tố cáo thì sẽ xác định được về thẩm quyền giải quyết tố cáo, theo đó:
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết đối với việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức giải quyết tố cáo đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết tố cáo đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết tố cáo đối với hành vi tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết tố cáo đối với hành vi tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
– Cơ sở pháp lý:
+ Luật tố cáo 2018.
+ Thông tư 129/2020/TT-BCA quy định về quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành.
+ Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo.