Hoạt động điều tra có thể bị tạm định chỉ hoặc đình chỉ do có nhiều lí do, điều này cũng hoàn toàn hợp lí trong sự tương quan giữa sự kiện khách quan và quy định của pháp luật. Để hợp pháp hóa hoạt động đình chỉ, cơ quan điều tra phải ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Mục lục bài viết
1. Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự là gì?
Chế định đình chỉ điều tra đã được quy định từ lâu trong pháp luật tố tụng hình sự của nước ta, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về khái niệm này, vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm đình chỉ điều tra. Cụ thể một số quan điểm sau:
Theo tác giả Đinh Văn Quế: “Đình chỉ điều tra là quyết định của cơ quan điều tra chấm dứt một giai đoạn tố tụng hình sự (giai đoạn điều tra) đối với vụ án hoặc đối với một hoặc một số bị can, bị cáo trong vụ án.”
Theo tác giả Lưu Trọng Nguyên thì đình chỉ điều tra là “một chế định được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự, hệ quả dẫn tới việc kết thúc mọi hoạt động điều tra do Bộ luật này quy định mà nội dung của nó dựa trên lý do và căn cứ luật định.”
Theo Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam thì “Quyết định đình chỉ điều tra vụ án là việc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự quyết định chấm dứt việc giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự đối với vụ án hoặc đối với bị can, bị cáo khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.”
Xem xét tổng hợp các khái niệm này, có thể đưa ra khái niệm đình chỉ điều tra như sau: “Đình chỉ điều tra là một trong hai hình thức kết thúc hoạt động điều tra, do Cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng nhằm chấm dứt hoạt động điều tra đối với vụ án hoặc một, một số bị can khi có căn cứ do pháp luật quy định.
Đình chỉ điều tra có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, đình chỉ điều tra là một hình thức kết thúc hoạt động điều tra. Quá trình điều tra vụ án chỉ được chấm dứt khi Cơ quan có thẩm quyền điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố hoặc Bản kết luận điều tra kèm theo Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can. Như vậy, đình chỉ điều tra là một trong hai hình thức kết thúc điều tra.
Thứ hai, đình chỉ điều tra là một quyết định thuộc thẩm quyền của Cơ quan có thẩm quyền điều tra được áp dụng trong giai đoạn điều tra. Khi khởi tố, điều tra vụ án thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ đánh giá những chứng cứ ban đầu để chứng minh tội phạm nên không tránh khỏi những sai sót trong việc khởi tố vụ án, bị can hoặc cũng có thể xuất hiện những lý do khách quan khiến hoạt động điều tra vụ án phải dừng lại. Chính vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền đình chỉ điều tra cho cơ quan điều tra để khắc phục những sai lầm trong việc khởi tố, điều tra vụ án và bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị can, người bị hại.
Thứ ba, đối tượng của đình chỉ điều tra là vụ án hoặc bị can.
Thứ tư, quyết định đình chỉ điều tra phải dựa trên những căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự (biểu mẫu dưới đây) là văn bản do cơ quan điều tra ban hành khi thuộc một trong các căn cứ luật định nhằm kết thúc giai đoạn điều tra. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự là văn bản Thủ trưởng cơ quan điều tra (phó thủ trưởng cơ quan điều tra) phải ban hành nếu có một trong các căn cứ luật định. Việc đình chỉ nhằm bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của người bị khởi tố. Quyết định này là cơ sở để hợp pháp hóa hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, về nguyên tắc, vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Thủ tục liên quan khi ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.
Việc quy định căn cứ đình chỉ vụ án có ý nghĩa nhằm sửa chữa, khắc phục những sai lầm, vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo. Đối với quy định tạm đình chỉ vụ án, không chỉ có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa khả năng kéo dài thời hạn tố tụng khi không cần thiết mà còn khắc phục hiện tượng tồn đọng án, giảm bớt nhu cầu sử dụng lực lượng và những chi phí vật chất không cần thiết cho hoạt động tố tụng này. Mặt khác tạm đình chỉ vụ án còn là một giải pháp chủ động trong việc đề phòng những oan sai có thể xảy ra trong hoạt động tố tụng.
2. Mẫu quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự (MQĐ 227) chi tiết nhất:
…………….. |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc | ||
Số: …….. /QĐ- …… | ……, ngày ……… tháng ……. năm…………… |
QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ
………….(1)
Sau khi tiến hành điều tra thấy(2) ………..
Căn cứ điểm …… khoản 1 Điều 230/điểm ……. khoản 2 Điều 443(3) Bộ luật Tố tụng hình sự;
Căn cứ quy định tại điểm(4) ……… khoản ……… Điều ………… Bộ luật ………………… ,
QUYẾT ĐỊNH:
Đình chỉ điều tra vụ án hình sự…………..xảy ra tại:………
theo Quyết định khởi tố/nhập/tách/phục hồi điều tra vụ án hình sự số:……………….ngày…………. tháng ………. năm……của……….
Quyết định này gửi đến Viện kiểm sát …………
Nơi nhận: – ; – ; – ; – Hồ sơ 02 bản.
| ………..
|
3. Hướng dẫn mẫu quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự:
(1) Chức danh tư pháp của người ký ban hành văn bản;
(2) Ghi rõ lý do đình chỉ điều tra vụ án;
(3) Trường hợp đình chỉ điều tra vụ án đối với pháp nhân thì ghi rõ điểm, khoản 2 Điều 443 BLTTHS;
(4) Ghi rõ một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc Điều 157 BLTTHS;
hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự.
Cơ sở sở pháp lý:
Thông tư 119/2021/TT-BCA quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.