Bị can là tên gọi chỉ người hoặc pháp nhân đã bị khởi tố về hình sự và người đó phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát. Trong trường hợp đình chỉ điều tra bị can thì cần phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Mẫu quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân là gì, để làm gì?
Mẫu quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân là mẫu quyết định dựa trên căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định khởi tố bị can để Viện trưởng Viện kiểm sát đưa ra quyết định đình chỉ vụ án với bị can là pháp nhân. Mẫu quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân được lập ra bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát xem xét ra quyết định về việc đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân. Mẫu quyết định nêu rõ thông tin bị can đối với pháp nhân bị đình chỉ điều tra, bao gồm các thông tin về tên pháp nhân, địa chỉ trụ sở chính, thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,…
2. Mẫu quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân:
Mẫu số: 258
BH theo TT số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———
Số: ……….
………, ngày…… tháng…… năm…….
QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA BỊ CAN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN
Tôi: ………….
Chức vụ: ……………
Sau khi tiến hành điều tra thấy (1) ……………
Căn cứ Điều 230 và điểm ………… khoản 2 Điều 443 Bộ luật Tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân: ……………
Tên bằng tiếng Việt: ………….
Quốc tịch (nếu có): …………..
Tên bằng tiếng nước ngoài: …………….
Tên viết tắt: ……………..
Địa chỉ trụ sở chính: ……………
Địa chỉ liên lạc: …………….
Quyết định thành lập số: ………………. ngày ……… tháng ……. năm…… của ………..
Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền: ……………….
cấp ngày ……… tháng ……. năm…………….. Nơi cấp: ………………….
đã bị khởi tố theo Quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân số: …………ngày ……. tháng ……. năm…. của ……………..
về tội: …………… theo quy định tại khoản ……………….. Điều ……………… Bộ luật hình sự.
Hủy bỏ biện pháp cưỡng chế (nếu có) …………………….. theo Quyết định số…………………… ngày ……… tháng ……. năm………………. của Cơ quan ……………..
Trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có) bao gồm (2):
………………..
Xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan (nếu có): ………………..
Quyết định này gửi đến Viện kiểm sát ………………. và gửi cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Nơi nhận:
– VKS ……………….;
– Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
– Hồ sơ 02 bản.
3. Hướng dẫn lập mẫu quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với pháp nhân:
(1) Ghi rõ lý do đình chỉ điều tra;
(2) Ghi rõ tên, số lượng, tình trạng, đặc điểm tài liệu, đồ vật đã tạm giữ.
4. Quy định của pháp luật có liên quan đến đình chỉ điều tra bị can:
Đình chỉ điểu tra được hiểu là một trong hai hình thức kết thúc hoạt động điều tra vụ án của cơ quan điều tra, nội dung của đình chỉ điều tra là dựa trên những lý do và căn cứ nhất định chấm dứt mọi hoạt động điều tra nhằm phát hiện, thu thập, kiểm tra và đánh giá những thông tin quan trọng dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Đình chỉ điều tra được áp dụng khi quá trình điều tra vụ án hình sự trên thực tế chưa đi đến chứng minh một cách chắc chắn rằng vụ việc hình sự xảy ra không có đủ những dấu phạm tội của người gây án nhưng có căn cứ pháp lý cho thấy rằng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị nghi ngờ là thực hiện những hành vi liên quan đến vụ việc đó.
4.1. Trường hợp đình chỉ điều tra bị can:
Theo quy định tại Điều 230
“1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.”
Theo quy định trên có thể thấy, việc đình chỉ điều tra vụ án chỉ được thực hiện khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Thứ nhất, trường hợp người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố đối với nhũng vụ án hình sự chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự: “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại”, đối với những vụ án hình sự chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì vụ án đó phải được đình chỉ khi người bị hại thực hiện rút yêu cầu khởi tố.
+ Thứ hai, trong trường hợp có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, nếu cơ quan điều tra phát hiện và xác định có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phải đình chỉ điều tra.
+ Thứ ba, trong trường hợp khi đã hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi tội phạm. Trong đó, hết thời hạn điều tra được hiểu là hết thời gian đã được gia hạn lần cuối cùng theo quy định của pháp luật.
4.2. Căn cứ đình chỉ điều tra bị can:
Căn cứ đình chỉ điều tra trong mỗi một trường hợp được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự là khác nhau.
– Trong trường hợp thứ nhất, với lý do người bị hại trong vụ án hình sự rút yêu cầu khởi tố vụ án thì trong Bản kết luận điều tra phải ghi rõ căn cứ khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và nêu rõ căn cứ vào điều luật nào của Bộ luật hình sự quy định về tội đã phạm và tính chất của hành vi phạm tội của người bị khởi tố; sự phù hợp của hành vi phạm tội bị khởi tố với quy định của điều luật trong pháp luật hình sự, cần chỉ rõ yêu cầu không khởi tố của người bị hại trong vụ án được phản ánh bằng hình thức nào. Bản kết luận phải viện dẫn những văn bản pháp luật, những quy định pháp luật cũng như những dẫn liệu về sự phù hợp của các tình tiết khách quan của vụ án hình sự đối với các quy định buộc phải đình chỉ điều tra vụ án.
– Trong trường hợp thứ hai, khi có căn cứ không được khởi tố vụ án thì trong Bản kết luận điều tra phải chỉ rõ căn cứ nào không được khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản nào của Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
– Trong trường hợp thứ ba, khi hết thời hạn điều tra thì phải được chứng minh bằng các căn cứ được ghi trong các điều khoản quy định về thời hạn điều tra theo Điều 172, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong đó ghi rõ thời hạn cho phép đối với việc điều tra vụ án hình sự cụ thể đang được tiến hành, ghi rõ thời điểm bắt đầu tiến hành điều tra vụ án và khẳng định thời hạn điều tra vụ án đó đã hết. Đồng thời, phải chỉ rõ việc cơ quan điều tra chưa chứng minh được tội phạm.
4.3. Quy định về quyết định đình chỉ điều tra bị can:
Điều luật quy định khi đình chỉ điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra và có quyết định đình chỉ điều tra. Bởi đình chỉ điều tra là một hình thức kết thúc điều tra nên theo quy định của pháp luật thì phải có bản kết luận điều tra. Bản kết luận điểu tra phải tuân thủ những quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong Bản kết luận điều tra phải nêu rõ quá trình điều tra vụ án hình sự, nêu rõ lý do và căn cứ đình chỉ điều tra vụ án.
– Quá trình điều tra được diễn đạt theo trình tự thời gian điều tra và các biện pháp tiến hành điều tra vụ án cũng như những kết quả mà cơ quan điều tra đã thu được. Đổng thời với việc diễn đạt lý do đình chỉ điều tra vụ án hình sự như đã nói trên, theo đó cơ quan điều tra phải phân tích và chỉ rõ căn cứ cụ thể để cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
– Cơ quan điều tra ra Quyết định đình chỉ điều tra cùng với Bản kết luận điều tra.
– Trong Quyết định đình chỉ điều tra, cơ quan điều tra phải ghi rõ căn cứ hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, ghi rõ việc trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ (nếu có) trong quá trình thực hiện hoạt động điều tra và những vấn đề khác có liên quan.
– Theo quy định của pháp luật hình sự, nếu trong một vụ án hình sự có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra vụ án không liên quan đến tất cả các bị can đó thì cơ quan điều tra có thể đình chỉ điểu tra đối với từng bị can. Khi đó, nội dung Quyết định đình chỉ điều tra cũng sẽ phải phản ánh đầy đủ những nội dung nêu trên.
Như vậy, Đình chỉ điều tra phải tuân theo những nguyên tắc, trình tự và thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định. Điều luật quy định về các trường hợp đình chỉ điều tra vụ án hình sự phải dựa theo những lý do nhất định, những điều kiện để đình chỉ điều tra vụ án và trình tự, thủ tục thực hiện việc đình chỉ điều tra vụ án.