Thông qua thanh tra, các hành vi vi phạm pháp luật dễ dàng bị phát hiện và xử lý triệt để, đặc biệt là các hành vi có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành hoạt động thanh tra mà nhận thấy rằng vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra.
Mục lục bài viết
1. Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra là gì?
Trước khi đi vào giải thích “quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra” là gì, tác giả sẽ phân tích hai vấn đề cơ bản xoáy quanh quyết định này:
Vấn đề 1: Như thế nào là “vụ việc có dấu hiệu tội phạm”?
Theo khoa học Luật hình sự, tội phạm được định nghĩa là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện và phải chịu hình phạt.
Trên cơ sở khái niệm này, có thể hiểu một vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải thỏa mãn cả 4 dấu hiệu sau:
Thứ nhất, tính nguy hiểm cho xã hội, đây là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, là cơ sở để được quy định trong bộ luật hình sự và phải chịu hình phạt.
Thứ hai, phải có lỗi. Lỗi ở đây được hiểu là trạng thái tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi và hậu quả dưới dạng cố ý hoặc vô ý.
Thứ ba, được quy định trong bộ luật hình sự. Đây là dấu hiệu về mặt hình thức và pháp lý, là cơ sở đảm bảo cho việc chống tội phạm được thống nhất, tránh tùy tiện, là động lực thúc đẩy cơ quan lập pháp kịp thời bổ sung, sửa đổi luật theo sát sự thay đổi của tình hình tội phạm.
Thứ tư, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, tức là đủ tuổi luật định và không thuộc trường hợp mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh.
Vấn đề 2: Thanh tra và ý nghĩa của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm
Khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra 2010 quy định: “Thanh tra Nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành”. Thanh tra mang những đặc điểm cơ bản sau:
– Luôn gắn với quản lý nhà nước.
– Mang tính quyền lực nhà nước.
– Có tính khách quan.
– Có tính độc lập tương đối.
Trong sự phát triển của đất nước, thanh tra có vai trò cực kỳ quan trọng, là một trong những chức năng thiết yếu của hoạt động quản lý hành chính nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, kỷ luật trong quản lý nhà nước; là phương thức bảo đảm việc thực hiện các quyền, tự do công dân; là một biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra là văn bản do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gửi tới cơ quan điều tra khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm sau khi kết thúc quá trình thanh tra hoặc trong quá trình thanh tra.
Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra là văn bản bắt buộc phải thực hiện nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, văn bản này cùng với bản kiến nghị khởi tố là căn cứ để cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo từ tội phạm và tiến hành khởi tố vụ án hình sự, là tài liệu chứng minh cho mọi hoạt động của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra là có căn cứ.
Thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra được quy định tại Điều 44, Nghị định 96/2011, cụ thể:
Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và bản kiến nghị khởi tố do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định sau đây:
– Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
– Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều nơi thì thời hạn trả lời có thể dài hơn, nhưng không quá 60 ngày. Quá thời hạn này, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra không nhận được thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý của cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị với Viện Kiểm sát cùng cấp để xem xét, giải quyết. Trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của Viện Kiểm sát thì cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kiến nghị với Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, giải quyết.
Như vậy có thể thấy rằng, việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm mới là bước đầu cho công tác điều tra của cơ quan điều tra, thực tế, việc chuyển hồ sơ này có thể sẽ dẫn đến hành vi pháp lý là khởi tố vụ án hình sự, nhưng cũng có thể không, tuy nhiên đây là nguồn tin báo tội phạm cực kỳ chất lượng, hiệu quả trong quá trình phát hiện và xử lí tội phạm.
2. Mẫu quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra:
………………….(1) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
……………(2) Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: /QĐ-(…3) ………(4), ngày…tháng…năm…
QUYẾT ĐỊNH
Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
………….(5)
Căn cứ ………………(6);
Căn cứ ………(7)
Xét đề nghị của: …………,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chuyển hồ sơ vụ việc ……(8) có dấu hiệu tội phạm do …………..(9) thực hiện sang Cơ quan điều tra …………..(10) để giải quyết theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày ký Quyết định, ……………….(11) có trách nhiệm giao đầy đủ hồ sơ vụ việc vi phạm nêu trên kèm theo tang vật, phương tiện có liên quan (nếu có) và Bản kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra ghi tại Điều 1.
Điều 3. ……….(10), và ………..(11) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: ………(12)
– Như Điều 3; (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
– Viện KSND…..(13) để thông báo;
3. Hướng dẫn mẫu quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra:
(1): Tên cơ quan chủ quản (nếu có);
(2): Tên cơ quan, đơn vị ra Quyết định (nếu lãnh đạo Bộ ký Quyết định thì không có dòng này);
(3): Số hiệu hoặc chữ viết tắt của đơn vị ra Quyết định (nếu lãnh đạo Bộ ký quyết định thì ghi là: BCA- Số hiệu hoặc chữ viết tắt của đơn vị soạn thảo văn bản);
(4): Địa danh;
(5): Chức danh Thủ trưởng cơ quan Công an ra Quyết định;
(6): * Điều 48 Luật Thanh tra năm 2010 nếu là cuộc thanh tra hành chính;
* Điều 55 Luật Thanh tra năm 2010 nếu là cuộc thanh tra chuyên ngành;
* Khoản 3, Điều 20, Luật Tố cáo năm 2011 (nếu qua tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo) hoặc Khoản 3, Điều 25, Luật Tố cáo 2011 (nếu Kết luận nội dung tố cáo là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật) ;
(7): *
*
*
(8): Về lĩnh vực vi phạm cụ thể (kinh tế, tham nhũng, hình sự, PCCC, bảo vệ bí mật Nhà nước…);
(9): Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân (nêu rõ họ tên, chức vụ, đơn vị) có hành vi vi phạm;
(10): Tên cơ quan điều tra;
(11): Trưởng Đoàn thanh tra…..Hoặc tên cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo;
(12): Chức vụ của người ra Quyết định chuyển hồ sơ;
(13): Tên Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp với Cơ quan điều tra.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thanh tra năm 2010
Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thanh tra.
Thông tư 60/2014/TT-BCA quy định biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của công an nhân dân.