Dịch vụ mua bán bất động sản và nhà đất đang dần trở nên phổ biến trong đời sống và được nhiều người quan tâm. Dưới đây là mẫu hợp đồng môi giới bất động sản, nhà đất ngắn gọn theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Mẫu hợp đồng môi giới bất động sản, nhà đất ngắn gọn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
…, ngày … tháng … năm …
HỢP ĐỒNG MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN, NHÀ ĐẤT
Số … /ĐHMG
Căn cứ Bộ Luật Dân Sự năm 2015;
Căn cứ Luật kinh doanh bất động sản năm 2014;
Căn cứ chức năng, nhu cầu và khả năng của các Bên;
Hôm nay, ngày … tháng … năm …, tại … Chúng tôi gồm có:
BÊN MÔI GIỚI (SAU ĐÂY GỌI TẮT LÀ BÊN A):
Ông/bà: …
Căn cước công dân số: …
Địa chỉ thường trú: …
Điện thoại liên hệ: …
BÊN ĐƯỢC MÔI GIỚI (SAU ĐÂY GỌI TẮT LÀ BÊN B):
Ông/bà: …
Căn cước công dân số: …
Địa chỉ thường trú: …
Điện thoại liên hệ: …
Hai bên cùng thỏa thuận ký hợp đồng với những nội dung sau:
ĐIỀU 1: ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG MÔI GIỚI
1.1. Bên B đồng ý giao cho Bên A thực hiện dịch vụ môi giới bán/mua bất động sản do Bên B là chủ sở hữu.
1.2. Đặc điểm của bất động sản và giấy tờ pháp lý về bất động sản là đối tượng của dịch vụ này được mô tả như sau:
Loại bất động sản: …
Địa chỉ: …
Diện tích khuôn viên đất: …
Diện tích đất xây dựng: …
Diện tích sử dụng: …
Cấu trúc: …
Tiện nghi: …
1.3. Giá bán bất động sản này được hai Bên thỏa thuận trên cơ sở giá do Bên A thẩm định là: … VNĐ.
Số tiền bằng chữ: … đồng.
ĐIỀU 2: CHI PHÍ MÔI GIỚI
Bên B đồng ý thanh toán cho Bên A số tiền phí môi giới là … (Bằng chữ: … đồng)
Trong đó, thù lao môi giới là … (Bằng chữ: …)
ĐIỀU 3: PHƯƠNG THỨC VÀ THỜI HẠN THANH TOÁN
– Phương thức thanh toán: …
– Thời hạn thanh toán: Từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …
ĐIỀU 4: THỜI GIAN THỰC HIỆN MÔI GIỚI
Từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng …. năm …
Hết thời hạn này hai bên có thể thỏa thuận thêm và được ký kết bằng một
ĐIỀU 5: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN
5.1. Quyền và nghĩa vụ của Bên A:
a) Quyền:
– Yêu cầu Bên B cung cấp hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến bất động sản;
– Hưởng hoa hồng, thù lao môi giới theo thỏa thuận trong hợp đồng môi giới mua/bán bất động sản đã ký với Bên B;
– Thuê tổ chức, cá nhân môi giới khác thực hiện công việc môi giới mua/bán bất động sản trong phạm vi hợp đồng môi giới mua/bán bất động sản với Bên B nhưng phải chịu trách nhiệm trước Bên B về kết quả môi giới.
b) Nghĩa vụ:
– Thực hiện công việc như Điều 1 hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật;
– Thường xuyên báo cho bên B biết về tiến độ thực hiện công việc và phối hợp với bên B để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công việc;
– Chịu mọi chi phí liên quan đến phạm vi công việc mà mình thực hiện.
5.2. Quyền và nghĩa vụ của Bên B:
a) Quyền:
– Không chịu bất kỳ chi phí nào khác cho bên A ngoài phí dịch vụ môi giới nếu giao dịch thành công;
– Được bên A thực hiện miễn phí: Dịch vụ chuyển quyền sở hữu (chi phí giao dịch ngoài và các loại phí, lệ phí nếu có phát sinh do bên B chịu), trung gian thanh toán qua công ty … khi giao dịch môi giới thành công.
b) Nghĩa vụ:
– Cung cấp đầy đủ và kịp thời cho bên A những giấy tờ liên quan;
– Hợp tác với bên A trong quá trình thực hiện hợp đồng này;
– Ký hợp đồng mua/bán bất động sản trực tiếp với người bán/người mua do bên B giới thiệu. Chịu tất cả các chi phí liên quan đến thủ tục mua bán bất động sản theo quy định của nhà nước hoặc theo thỏa thuận với người mua;
– Thanh toán phí môi giới cho bên A theo Điều 2 của hợp đồng.
ĐIỀU 6: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Các bên cam kết cùng nhau thực hiện hợp đồng. Nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc các bên sẽ trao đổi trên tinh thần hợp tác, trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì việc tranh chấp sẽ được phán quyết bởi tòa án. Hợp đồng được lập thành … bản, mỗi bên giữ … bản và có giá trị như nhau.
ĐẠI DIỆN BÊN A | ĐẠI DIỆN BÊN B |
(Ký tên đóng dấu) | (Ký tên đóng dấu) |
2. Những nội dung cơ bản của hợp đồng môi giới bất động sản, nhà đất:
Theo định nghĩa của các nhà làm luật đã nhận định rằng, môi giới bất động sản là hoạt động của một bên thứ ba đóng vai trò cầu nối cho các bên trong việc thực hiện các giao dịch liên quan tới bất động sản. Định nghĩa này phác họa được những đặc điểm cơ bản của môi giới bất động sản, đó là hoạt động của bên thứ ba và đóng vai trò cầu nối giữa các bên. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì tác giả cho rằng, định nghĩa này của các giới luật học bỏ sót một đặc điểm rất quan trọng của môi giới bất động sản đó là người môi giới thực hiện những công việc nhằm nhận được thù lao và hoa hồng từ khách hàng. Do đó có thể nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về môi giới bất động sản như sau: môi giới bất động sản là hoạt động của bên thứ ba, làm trung gian kết nối các bên trong giao dịch về bất động sản với mục đích nhận được thù lao và hoa hồng môi giới. Nhìn chung thì các bên được tự do thỏa thuận các nội dung của hợp đồng môi giới bất động sản và pháp luật tôn trọng các thỏa thuận đó. Thỏa thuận thường bao gồm những nội dung chính sau đây:
– Tên và địa chỉ của các bên;
– Đối tượng và nội dung của dịch vụ;
– Yêu cầu và kết quả của dịch vụ;
– Thời hạn thực hiện dịch vụ;
– Phí dịch vụ và thù lao, hoa hồng của các bên;
– Phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên, phương thức giải quyết tranh chấp, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
– Cùng các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi ngoài những điều khoản trên, khi giao kết hợp đồng, các bên còn có thể thỏa thuận để xác định thêm một vài điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được cụ thể hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
3. Hình thức của hợp đồng môi giới bất động sản, nhà đất:
Một hợp đồng có thể được giao kết bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể, Tuy nhiên đối với hợp đồng môi giới bất động sản, pháp luật chuyên ngành lại có quy định riêng biệt về hình thức đối với loại hợp đồng này. Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành quy định rằng, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận. Như vậy thì văn bản là hình thức thể hiện bắt buộc của hợp đồng môi giới bất động sản. Các chủ thể phải thể hiện những thỏa thuận của mình thông qua văn bản chứ không thể tùy ý xác lập bằng lời nói hay hành vi. Điều này xuất phát từ chính đặc tính của công việc môi giới bất động sản. Các bên cần có hình thức xác nhận chắc chắn để biết phạm vi công việc nhất là tránh những tranh chấp phát sinh liên quan tới thù lao và hoa hồng.
Ngoài ra thì hợp đồng môi giới bất động sản không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực mới có hiệu lực pháp luật. Pháp luật cho phép các chủ thể được tự do lựa chọn có công chứng hoặc chứng thực hợp đồng hay không, bởi xét cho cùng thì môi giới là công việc trung gian nhằm thúc đẩy việc thiết lập giao dịch bất động sản. Trong trường hợp các bên không tuân thủ việc thiết lập hợp đồng môi giới bất động sản bằng văn bản mà cụ thể là giao kết hợp đồng bằng lời nói hoặc hành vi thì hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu trừ khi đã vượt quá 2 năm kể từ ngày hợp đồng được giao kết mà các bên không có đơn yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu
4. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng môi giới bất động sản, nhà đất:
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là cơ sở pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh tại thời điểm nào. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong trường hợp không có thỏa thuận, thời điểm có hiệu lực là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng. Bên cạnh đó thì nhiều trường hợp hợp đồng môi giới bất động sản được các bên thỏa thuận thời điểm phát sinh hiệu lực khác với thời điểm giao kết hợp đồng. Ví dụ như, hợp đồng môi giới bất động sản do chị Nga ký kết với anh Hùng ngày 4/6/2020, nhưng hai bên thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực từ ngày 11/6/2020, là ngày chị Nga Đi công tác trở về. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận tự nguyện thực hiện công chứng chứng, thực hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng môi giới bất động sản là thời điểm công chứng, chứng thực.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;