Đối với thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thì việc quản lý khá phức tạp, trong đó, đáng chú ý là hoạt động xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp,...... Kết quả của hoạt động này là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản theo mẫu do Chính phủ ban hành.
Mục lục bài viết
1. Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là gì?
Việc xác nhận nguồn gốc loài thủy sản ở đây là loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, hay nói ngắn gọi là loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên. Trong đó, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là văn bản do cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh cấp cho tổ chức/cá nhân đã khai thác từ tự nhiên loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trong một thời hạn nhất định, chính thức xác nhận nguồn gốc thủy sản có được từ khai thác tự nhiên.
Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản được áp dụng theo một mẫu chung do chính phủ ban hành, nhằm áp dụng thống nhất trong cả nước, giấy xác nhận phải thể hiện rõ được nội dung xác nhận, tên tổ chức, cá nhân được xác nhận, ngày tháng năm xác nhận và đặc biệt phải được đại diện cơ quan quản lý nhà nước thủy sản cấp tỉnh ký, đóng dấu làm phát sinh hiệu lực của Giấy xác nhận.
Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh nguồn gốc loài thủy sản có được khai thác từ tự nhiên, phân biệt với nguồn góc loài thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng, đây là văn bản chứng minh tính tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức trong quá trình khai thác thủy sản, đồng thời giấy xác nhận là cách để nhà nước quản lý và thực hiện nhiệm vụ theo công ước quốc tế trong việc quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, bởi tính giá trị của nó và nguy cơ tuyệt chủng.
Nghiên cứu hoạt động xác nhận nguồn gốc loài thủy sản, theo quy định tại Điều 40, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, tác giả sẽ nêu rõ một số vấn đề sau:
– Thẩm quyền xác nhận: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khai thác từ tự nhiên. Ví dụ: Chi cụ Thủy sản Hưng Yên, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, Chi cục Thủy sản Hà Nội,…
– Chủ thể đề nghị xác nhận: cá nhân, tổ chức đã khai thác từ tự nhiên loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trong một thời hạn nhất định.
– Hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc: (1) Đơn đăng ký xác nhận nguồn gốc (mẫu chung); (2) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với trường hợp có sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản; (3) Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (4) Hợp đồng thuê tàu cá đối với trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sử dụng tàu cá để khai thác nhưng không phải là chủ tàu; (5) Báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký khai thác thủy sản. Tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị đầy đủ theo quy định, nếu thiếu một trong các tài liệu thì tổ chức, cá nhân sẽ bị từ chối và phải chuẩn bị đủ thì mới được tiếp nhận
Số lượng hồ sơ là 1 bộ. Phương thức nộp gồm: Trực tiếp tại cơ quan quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc qua đường bưu điện.
– Trình tự thủ tục xác nhận nguồn gốc: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận nguồn gốc, trường hợp không cấp giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Đối với trường hợp xác nhận mẫu vật loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được khai thác từ tự nhiên trước thời điểm quy định cấm khai thác có hiệu lực, trình tự, thủ tục được thực hiện khác với quy định ở trên, theo đó, tổ chức cá nhân phải chuẩn bị hồ sơ như sau: (1) Đơn đăng ký xác nhận nguồn gốc; (2) tài liệu chứng minh nguồn gốc mẫu vật khai thác từ tự nhiên có xác nhận của Tổ chức quản lý cảng cá hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tại thời điểm khai thác; (3) hợp đồng mua, bán, cho, tặng có công chứng tại thời điểm mua, bán, cho, tặng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không phải là người trực tiếp khai thác. Nếu thiếu một trong các giấy tờ thì hồ sơ được xem là không hợp lệ.
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh; trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, xác minh hồ sơ và cấp Giấy xác nhận nguồn gốc; trường hợp không cấp Giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Nhìn chung, quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản khá đơn giản, chỉ cần tổ chức, cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện đúng chứng năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để nhanh chóng giải quyết đề nghị của tổ chức, cá nhân, đề nghị. Nếu không cấp giấy xác nhận, cơ quan sẽ trả lời và nêu rõ lí do.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện này, hầu hết hoạt động đề nghị xác nhận và cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản có thể được thực hiện thông qua phương thức trực tuyển trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thủy sản ở tính, điều này tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiện thời gian, nhanh chóng và hiệu quả.
2. Mẫu giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản (35.NT):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
TÊN ĐƠN VỊ CẤP TRÊN
TÊN ĐƠN VỊ XÁC NHẬN
——-
Số: /XNNG-CCTS
Địa danh (tỉnh, thành phố)……., ngày …… tháng …… năm …….
GIẤY XÁC NHẬN NGUỒN GỐC
Loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế
về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp,
loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
Kính gửi: (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị xác nhận).
Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số /2019/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Sau khi xem xét hồ sơ và kết quả kiểm tra thực tế, … (Tên cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh) xác nhận cho:
Tổ chức/cá nhân: ……
Đại diện (nếu là tổ chức):…..
Địa chỉ thường trú/trụ sở công ty (nếu là tổ chức): …..
Điện thoại…. Fax….; Email…..
Đã khai thác từ tự nhiên loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Văn bản chấp thuận số:…… có thời hạn từ ngày…. đến ngày….., cụ thể:
Tên loài được phép khai thác (tên thông thường) | Tên khoa học | Tên tàu/số đăng ký, (Nghề khai thác)1 (Nếu sử dụng tàu cá) | Vùng2/ khu vực khai thác | Ngày khai thác | Số lượng hoặc khối lượng của loài được xác nhận nguồn gốc (con hoặc kg) | Tổng số lượng hoặc khối lượng được phép khai thác (con hoặc kg) | Số lượng hoặc khối lượng lũy kế tại thời điểm xác nhận (con hoặc kg)3 | Ghi chú |
Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu: VT.
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN QUẢN LÝ THỦY SẢN CẤP TỈNH
(Ký tên, đóng dấu nếu có)
3. Hướng dẫn mẫu giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản:
(1) Nghề khai thác theo mã đã được quy định;
(2) Vùng khai thác theo mã đã được quy định.
(3) Tổng số cá thể hoặc khối lượng loài đã được xác nhận nguồn gốc.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thủy sản năm 2017
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.