Trong quá trình khiếu nại giải quyết tranh chấp đất đai, có rất nhiều trường hợp các cá nhân không thể tự thực hiện được việc khiếu nại, vì vậy việc nhờ người khác thực hiện thay công việc theo hình thức ủy quyền là một lựa chọn sáng suốt và được pháp luật công nhận.
Mục lục bài viết
1. Mẫu giấy ủy quyền khiếu nại về đất đai là gì?
Khiếu nại về đất đai là việc các cơ quan, tổ chức, công dân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trong quản lý đất đai khi có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mẫu giấy ủy quyền khiếu nại về đất đai được cá nhân sử dụng để ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại về đất đai trong trường hợp các cá nhân không thể tự thực hiện được việc khiếu nại..
2. Mẫu giấy ủy quyền khiếu nại về đất đai:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phú
________
…., ngày… tháng … năm….
GIẤY ỦY QUYỀN KHIẾU NẠI
Họ và tên người khiếu nại:………… ;
Địa chỉ:……………. ;
Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân………… , ngày cấp………. , nơi cấp:
Họ và tên người được ủy quyền khiếu nại………
Địa chỉ:………. ;
Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân……… , ngày cấp…….. nơi cấp:
Nội dung ủy quyền khiếu nại:……….. (1)
(Trong quá trình thực hiện việc khiếu nại, người được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung ủy quyền).
NGƯỜI ĐƯỢC ỦY QUYỀN
(Chữ ký hoặc điểm chỉ)
Họ và tên
NGƯỜI ỦY QUYỀN
(Chữ ký hoặc điểm chỉ)
Họ và tên
XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN,
TỔ CHỨC CÓ THẨM QUYỀN(2)
(Chức danh, chữ ký, dấu)
Họ và tên
3. Hướng dẫn soạn thảo giấy ủy quyền khiếu nại quyết định hành chính:
Lưu ý:
(1) Ủy quyền toàn bộ hay ủy quyền một số nội dung khiếu nại (trường hợp ủy quyền một số nội dung thì phải ghi rõ nội dung ủy quyền khiếu nại).
(2) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công chứng.
Người viết giấy ủy quyền phải nêu rõ:
– Phần thông tin của người ủy quyền và người được ủy quyền: cần điền đầy đủ thông tin họ tên, ngày sinh, giấy tờ tùy thân và địa chỉ cư trú của chủ thể đó.
– Phần nội dung ủy quyền: người ủy quyền cần xác định rõ nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền, các công việc cụ thể mà người được ủy quyền sẽ làm thay cho người ủy quyền trong quá trình khiếu nại về giải quyết tranh chấp đất đai. Điều này nhằm hạn chế việc người được ủy quyền đưa ra những quyết định theo ý nghĩ chủ quan của cá nhân mà không thông qua người ủy quyền.
– Ngoài ra, khi lập giấy ủy quyền cần ghi rõ giấy ủy quyền này có giá trị từ thời điểm nào và thời điểm chấm dứt hiệu lực của giấy ủy quyền này.
4. Các quy định của pháp luật về ủy quyền khiếu nại về đất đai:
Đại diện theo ủy quyền
Theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, quy định về người đại diện được ủy quyền khiếu nại như sau:
1. Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
3. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong nhưng người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Ngoài ra, Luật Khiếu nại cũng quy định:
– Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
– Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, việc khiếu nại quyết định hành chính có thể được ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện.
Quy định về giấy ủy quyền khiếu nại về đất đai
Điều 5 Nghị định 124/2020/NĐ-CP nêu rõ, người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Đặc biệt, khoản 3 Điều 5 Nghị định 124 này khẳng định: “Việc ủy quyền nêu trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện.”
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất của chủ sử dụng đất có nêu khi thực hiện các quyền này người sử dụng phải lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực. Nên khi ủy quyền khiếu nại về đất đai, giấy ủy quyền cũng cần được công chứng hoặc chứng thực. Việc chứng thực được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã/huyện.
Như vậy, ủy quyền khiếu nại về đất đai trong các trường hợp nêu trên phải lập bằng văn bản, có chứng thực hoặc công chứng cũng tức là giấy ủy quyền khiếu nại về đất đai phải được chứng thực hoặc công chứng mới được coi là hợp lệ.
5. Các thông tin liên quan khác:
Chủ thể có quyền khiếu nại đất đai
Chủ thể có quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai ( gọi tắt là ” Người khiếu nại đất đai ” ). Đó là những đối tượng sau:
– Người sử dụng đất, bao gồm:
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
+ Tổ chức sử dụng đất như: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
+ Cộng đồng dân cư;
+ Cơ sở tôn giáo;
+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại;
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất như người được nhận tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đối tượng khiếu nại về đất đai
Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, cụ thể:
+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
+ Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai…
Hành vi hành chính về quản lý đất đai: Là hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền để ban hành các quyết định quản lý hành chính về đất đai với các hành vi thường gặp như: Chậm thực hiện, thực hiện không đúng, không thực hiện, gây khó dễ cho người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất…
Như vậy, đối tượng bị khiếu nại theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể từng loại quyết định, hành vi. Trên đây là những quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai chủ yếu, thường gặp.