Việc xuất khẩu trong một số trường hợp đối với các loài/giống thủy sản nhất định phải được cấp giấy phép, bởi đây là những loài/giống thủy sản đặc biệt, có khả năng ảnh hưởng đến ngành thủy sản nước nhà trong tương lai nếu xuất khẩu một cách bừa bãi. Vậy, Mẫu giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản (37.NT) mới nhất có nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản là gì?
Nằm trong khu vực Biển Đông, Việt Nam đã sớm là một quốc gia biển. Đánh bắt hải sản, vận tải biển và buôn bán trên biển là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá ngay từ thuở sơ khai. Biển Việt Nam có tính chất như một vùng biển kín. Vịnh Bắc Bộ tương đối nông, mức sâu nhất không quá 90 mét, đáy biển bằng phẳng nằm trong khu vực Biển Đông. Bờ biển dài 3260km, có vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng 1 triệu km2 cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ
thủy sản là một trong những mặt hàng chúng ta có khả năng cạnh tranh, có triển vọng phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu thu ngoại tệ, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đời sống nhân dân ngày càng khá hơn. Từ một lĩnh vực kinh tế còn yếu về cơ sở vật chất kỹ thuật, ngành thủy sản đã vươn lên, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, sản xuất hàng hoá phát triển, lấy xuất khẩu làm mũi nhọn. Mạng lưới sản xuất giống cũng đã được hình thành ở hầu hết các tỉnh ven biển, đáp ứng yêu cầu sản xuất của dân, cũng như yêu cầu xuất khẩu
Khái niệm về loài thủy sản không được đưa ra một cách chính thức dưới góc độ pháp lý, mà chỉ có thể hiểu đó là một cụm thuật ngữ được dùng để chỉ những thủy sản có đặc điểm sinh học tương đối giống nhau và có khả năng giao phối để sinh sản.
Khác với loài thủy sản, giống thủy sản được luật hoá và giải thích trong Luật thủy sản là “loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống.” (khoản 9, Điều 3). Con giống trong nuôi trồng thủy sản giữ một vai trò rất quan trọng, người nuôi luôn phải quan tâm làm sao để có đủ lượng giống cần thiết và có chất lượng cao.
Giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xuất khẩu trong trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cần xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện.
Giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là căn cứ để nhà nước quản lý hoạt động xuất khẩu đối với loài/giống thủy sản thuộc danh mục cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có diều kiện nhưng không có đáp ứng đủ điều kiện, bởi đây là loài/giống có giá trị cao, là “nguồn vốn” mà Việt Nam sở hữu. Giấy phép còn là cơ sở chứng minh tính tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức, xác định trách nhiệm của họ trong hoạt động xuất khẩu và buộc các chủ thể này phải thực hiện các thủ tục pháp lý trong quá trình xuất khẩu. Giấy phép được xem là “tấm vé” của cá nhân, tổ chức để bước tới các quốc gia để hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và mang lại những thành tựu cho nước nhà trong ngành thủy sản.
Nguyên tắc chung khi thực hiện hoạt động xuất khẩu không cần phải được cấp phép là: loài/giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu; và đáp ứng điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.
Giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản chỉ đặt ra trong trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cần xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện. Nội dung hoạt động cấp phép được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cụ thể:
– Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ).
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép: (1) Đơn đề nghị cấp phép xuất khẩu loài thủy sản; (2) Tài liệu chứng minh xuất khẩu loài thủy sản vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Nếu thiếu một trong hai loại giấy tờ này, hồ sơ được coi là chưa hợp lệ.
– Trình tự, thủ tục: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Tổng cục Thủy sản xem xét nội dung hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cấp phép xuất khẩu loài thủy sản cho tổ chức, cá nhân sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không đồng ý hoặc nội dung hồ sơ không đạt, Tổng cục Thủy sản trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản nêu rõ lý do.
Nhìn chung, hoạt động xin cấp giấy phép loài, giống thủy sản khá đơn giản, từ quá trình chuẩn bị hồ sơ đến thủ tục thực hiện, tuy nhiên, giai đoạn gây mất thời gian nhất có lẽ là giai đoạn tham mưu, xem xét hồ sơ (mặc dù đã được quy định thời hạn).
Nhờ đặc điểm địa hình, biển nước ta thuộc loại giàu hải sản. Riêng vùng biển đặc quyền kinh tế với độ rộng hơn 200 hải lý và có khoảng hơn 2000 loài cá biển, trong đó có hơn 100 loài tôm biển, 53 loài mực, 650 loài rong biển, 12 loài rắn biển và có 4 loài rùa biển, ngoài ra còn có nhiều loại đặc sản quý hiếm khác: yến sào, sò huyết, ngọc trai, điệp, san hô đỏ.Hàng năm cung cấp khoảng 1,7 triệu tấn hải sản các loài chưa kể hàng trăm ngàn tân nhuyễn thể vỏ cứng.
Trong hơn 10 năm qua, thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã được đa dạng hoá. thủy sản Việt Nam hiện nay có mặt tại 78 nước và khu vực. Các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản , Trung Quốc (trong đó có Hồng Kong, EU..)Cơ cấu thị trường dần dần hợp lý hơn, chúng ta đã giảm phụ thuộc vào thị trường Nhật Bản, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó nổi bật nhất là thị trường Mỹ.
Với lí do xuất khẩu chính là nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thị trường xuất khẩu của Việt nam thường hướng tới những nước có nên khoa học kỹ thuật tiên tiến, có ứng khoa học công nghệ vào nghiên cứu, phân tích, xác định được những điểm tích cực và hạn chế trong giống, loài thủy sản, từ đó đưa ra được phương hướng tiếp cận và giúp cải thiện giống, mang lại năng suất và hiệu quả cao.
2. Mẫu giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản (37.NT):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
——-
Số:………./GP-BNN-TCTS
Hà Nội, ngày …… tháng …. năm …
GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LOÀI/GIỐNG THỦY SẢN
Căn cứ Nghị định số …/…./NĐ-CP ngày …. của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số…./2019/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ đơn đăng ký xuất khẩu số …. ngày …. tháng….. năm…. của (cơ sở) …. và hồ sơ đăng ký xuất khẩu.
Căn cứ kết quả thẩm định …
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cấp phép xuất khẩu loài/giống thủy sản:
Tên cơ sở …..(1)…..
Địa chỉ ….(2)……
Số điện thoại:……(3)….. Số fax: …
Được phép xuất khẩu loài/giống thủy sản:….(4)…..
1. Tên thương mại: …..
2. Tên khoa học: ……
3. Số lượng:…… Khối lượng …..
4. Quy cách bao gói: …..
5. Tên, địa chỉ cơ sở nhập khẩu: ……
6. Thời gian xuất khẩu: …..
7. Địa điểm xuất khẩu: …..
8. Mục đích xuất khẩu: …..
Giấy phép này có giá trị đến hết ngày: …..
Cơ sở phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Nơi nhận:
– Cơ sở đăng ký;
– …..;
– Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
– Lưu: VT, TCTS.
Hà Nội, ngày …. tháng ….năm …
BỘ TRƯỞNG
(Họ và tên, chữ ký và đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu giấy phép xuất khẩu loài, giống thủy sản:
(1) Ghi tên cá nhân hoặc tổ chức đăng ký xuất khẩu.
(2) Ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, thành phố (nếu là tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính).
(3) Phương thức liên hệ là điện thoại và fax, ghi số thường xuyên liên lạc.
(4) Ghi tên giống/loài thủy sản được xuất khẩu
Giấy phép phải được ghi đầy đủ các thông tin từ Mục 1 đến mục 8 thuộc phần liên quan đến loài/giống thủy sản.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thủy sản năm 2017
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.