Nộp tiền vào tài khoản là một trong các hoạt động xây dựng hoá đơn, chứng từ để thực hiện chế độ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước. Dưới đây là Mẫu giấy nộp tiền vào tài khoản (Mẫu C4-08/KB) mới nhất đang được sử dụng hiện nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu giấy nộp tiền vào tài khoản (Mẫu C4-08/KB) mới nhất:
- 2 2. Mẫu Giấy nộp tiền vào tài khoản được dùng để làm gì?
- 3 3. Hướng dẫn điền Mẫu C4-08/KB mới nhất được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BTC:
- 4 4. Một số lưu ý khi viết Giấy nộp tiền theo Mẫu C4-08/KB được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BTC:
1. Mẫu giấy nộp tiền vào tài khoản (Mẫu C4-08/KB) mới nhất:
Không ghi vào khu vực này | GIẤY NỘP TIỀN VÀO TÀI KHOẢN Lập ngày … tháng…năm .. | Mẫu số C4-08/KB |
Người nộp: ………… Địa chỉ: ………. Nộp vào tài khoản số: ………… Đơn vị nhận tiền: ………… | PHẦN KBNN GHI |
Nợ TK: ………. Có TK: ………. |
Tại KBNN: ………..
Mở tại Ngân hàng ủy nhiệm thu: …………
Nội dung nộp | Số tiền |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
Tổng số tiền ghi bằng chữ: ……
Ngân hàng/KBNN ghi sổ ngày … tháng … năm ……….
NGƯỜI NỘP TIỀN
| THỦ QUỸ | KẾ TOÁN | KẾ TOÁN TRƯỞNG |
2. Mẫu Giấy nộp tiền vào tài khoản được dùng để làm gì?
Việc điền giấy nộp tiền vào tài khoản được xác định là để thể hiện các thông tin, nội dung các khoản tiền được nộp vào tài khoản để làm căn cứ hạch toán, lập báo cáo tài chính trong kỳ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 77/2017/TT-BTC thì kỳ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước bao gồm: Kỳ kế toán tháng và kỳ kế toán năm. Thời gian của mỗi kỳ kế toán ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước được xác định như sau:
– Kỳ kế toán tháng được xác định là khoảng thời gian được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng (tính theo tháng dương lịch);
– Kỳ kế toán năm hay còn được gọi là niên độ kế toán được xác định là khoảng thời gian được tính từ ngày 01 tháng 1 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch.
Trong mỗi kỳ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước thì sẽ phải dựa vào chứng từ- Giấy nộp tiền vào tài khoản để lập báo cáo tài chính. Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Thông tư số 77/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/7/2017 thì việc lập Báo cáo tài chính trong kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước được xác định là phương pháp dùng để tổng hợp lại, hệ thống hoá và mình bạch hoá các khoản đã chi tiêu cho mục đích kinh tế Nhà nước. Từ đó để làm cơ sở phân tích, đánh giá tình hình cũng như kết quả hoạt động của Ngân sách Nhà nước ở các cấp và đánh giá hoạt động của từng đơn vị Kho bạc Nhà nước. Qua đánh giá có thể tìm ra được phương hướng chỉ đạo, điều hành cho hoạt động Ngân sách Nhà nước và Kho bạc Nhà nước trở nên hiệu quả hơn.
3. Hướng dẫn điền Mẫu C4-08/KB mới nhất được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BTC:
Mẫu C4-08/KB là mẫu Giấy nộp tiền vào tài khoản được ban hành kèm theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 19/2020/TT-BTC. Giấy nộp tiền vào tài khoản là một trong các loại chứng từ kế toán phục vụ cho chế độ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước. Giấy nộp tiền được sử dụng để xác định các khoản tiền được nộp vào tài khoản của đơn vị trong hệ thống kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay, khi thực hiện nộp tiền vào tài khoản thì người nộp tiền sẽ được thực hiện điền thông tin lên Giấy nộp tiền vào tài khoản theo Mẫu C4-08/KB. Theo đó, khi điền thông tin vào giấy thì người nộp tiền nên lưu ý khi điền các nội dung theo hướng dẫn tại Điều 22 Thông tư số 77/2017/TT-BTC. Cụ thể như sau:
– Ghi rõ thời gian, ngày, tháng, năm lập Giấy nộp tiền vào tài khoản, yếu tố này phải được viết bằng số;
– Ghi rõ thông tin của người nộp tiền, bao gồm: họ và tên, địa chỉ;
– Thông tin của đơn vị hưởng thụ nguồn tiền được nộp vào: Số tài khoản và tên đơn vị nhận tiền. Đơn vị nhận tiền ở đây thông thường là các đơn vị thuộc hệ thống kho bạc Nhà nước;
– Ghi rõ thông tin kho bạc nhà nước có trách nhiệm nhận tiền được nộp vào tài khoản;
– Tại bảng kê nội dung nộp tiền và số tiền cần nộp thì cần lưu ý như sau: Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 77/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì đối tượng của kế toán ngân sách Nhà nước và hoạt đông nghiệp vụ kho bạc Nhà nước bao gồm:
+ Tiền và các khoản tương đương tiền;
+ Các khoản thu, chi Ngân sách Nhà nước theo các cấp ngân sách, các khoản thu, chi các quỹ tài chính khác của Nhà nước;
+ Các khoản vay và tình hình trả nợ vay của Ngân sách Nhà nước;
+ Các khoản thanh toán trong và ngoài hệ thống Kho bạc Nhà nước;
+ Tiền gửi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại Kho bạc Nhà nước;
+ Các khoản kết dư Ngân sách Nhà nước các cấp;
+ Dự toán và tình hình phân bổ dự toán kinh phí các cấp;
+ Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn;
+ Các loại tài sản của Nhà nước được quản lý tại Kho bạc Nhà nước.
– Sau khi điền các nội dung nộp tiền cùng các số tiền tương ứng thì phải ghi tổng số tiền nộp vào tài khoản cả bằng số và bằng chữ. Số tiền viết bằng chữ phải khớp đúng với số tiền viết bằng số; tổng số tiền phải khớp đúng với tổng các số tiền chi tiết;
– Giấy nộp tiền hoàn chỉnh sẽ thể hiện đủ chữ ký của người nộp tiền, thủ quỹ, kế toán và kế toán trưởng. Chữ ký trên chứng từ phải được ký bằng loại mực không phai, không được ký bằng mực đỏ hoặc đóng dấu bằng chữ ký được khắc sẵn.
4. Một số lưu ý khi viết Giấy nộp tiền theo Mẫu C4-08/KB được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BTC:
Giấy nộp tiền vào tài khoản theo Mẫu C4-08/KB là một loại chứng từ kế toán nên khi viết Giấy nộp tiền thì cần lưu ý một số điểm đáng chú ý được quy định tại Điều 22 và Điều 23 Thông tư số 77/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Hướng dẫn chế độ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, mực viết và cách điền Giấy nộp tiền:
– Chữ viết trên chứng từ phải được viết cùng một nét chữ, ghi rõ ràng, phản ánh đúng nội dung và không được tẩy xoá;
– Viết cùng một màu mực, cùng một loại mực không phai, đặc biệt là không được viết bằng mực đỏ;
– Chữ cái đầu tiên phải viết bằng chữ in hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa;
– Phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không được viết tắt, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn;
– Chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ…
Thứ hai, quy định về chữ ký trên Giấy nộp tiền vào tài khoản:
– Một người chỉ được phép ký một chức danh theo một quy trình phê duyệt trên một chứng từ hoặc một bộ chứng từ kế toán.
– Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất;
– Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.
– Chứng từ kế toán phải do Thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải ký theo từng liên.
– Đối với chữ ký của các cán bộ thuộc các đơn vị kho bạc Nhà nước thì:
+ Chữ ký của cán bộ kho bạc Nhà nước ký trên Giấy nộp tiền vào tài khoản phải giống với chữ ký đã đăng ký tại đơn vị kho bạc Nhà nước;
+ Kế toán trưởng/phụ trách kế toán (hoặc người được ủy quyền) không được ký “thừa ủy quyền” Giám đốc đơn vị Kho bạc Nhà nước. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác.
+ Người có trách nhiệm ký chứng từ kế toán chỉ được ký chứng từ khi đã ghi đầy đủ nội dung thuộc trách nhiệm của mình theo quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư số 77/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 28 tháng 7 năm 2017 Hướng dẫn chế độ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước;
– Thông tư số 19/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 31 tháng 3 năm 2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước.