Các chủ thể không tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì cần hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán đã cấp trước đó. Mẫu giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán ra đời trong hoàn cảnh đó. Vậy, giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán giúp huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Không những thế thị trường chứng khoán còn cung cấp cho các nhà đầu tư một nguồn đầu tư đa dạng và tối thiểu hóa các rủi ro trong đầu tư. Khi tham gia giao dịch chứng khoán, mã số giao dịch đóng một vai trò quan trọng. Khi các nhà đầu tư không muốn tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam nữa thì cần làm giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán.
Mẫu giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài được xác lập với mục đích đề nghị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam hủy mã số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Mẫu giấy đề nghị nêu rõ thông tin của nhà đầu tư, mã số giao dịch chứng khoán, nội dung đề nghị, lý do hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán,… Sau khi hoàn thành việc lập biên bản nhà đầu tư cần có xác nhận của đại diện có thẩm quyền để biên bản có giá trị trong thực tế.
2. Mẫu giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————–
GIẤY ĐỀ NGHỊ HỦY MÃ SỐ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN
Re: Securities Trading Code Revoke
Kính gửi: Trung Tâm Lưu ký chứng khoán Chứng khoán Việt Nam
Name of Investor (Tên nhà đầu tư): ………
Address (Địa chỉ): ………
Nationality (Quốc tịch): ………
Securities Trading Code (Mã số giao dịch chứng khoán): ……
Date of issue (Ngày cấp): …………
Customer of (Khách hàng của): …………
We hereby request to revoke our above issued trading code due to the fact that we will no longer invest into Vietnam securities markets.
Tôi/chúng tôi xin đề nghị được hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán đã cấp ở trên của chúng tôi do chúng tôi sẽ không tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
We shall be obliged to comply with all regulations goverving the securities and securities market and other regulations issued by the VSD with particular regards to trading code cancellation.
Chúng tôi sẽ thực hiện mọi quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán cùng với các quy định khác do VSD ban hành liên quan đến việc hủy bỏ mã số giao dịch này.
Nhà đầu tư (Applicant):
Tên và chữ ký của đại diện có thẩm quyền (Name and Signature of Authorized Signatory):
Chức danh (Title):
Ngày thực hiện (Execution Date):
3. Hướng dẫn soạn thảo giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán:
– Phần mở đầu:
+ Ghi đầy đủ các thông tin bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ.
+ Tên biên bản cụ thể là giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán.
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Thông tin nơi tiếp nhận biên bản.
+ Thông tin của nhà đầu tư.
+ Trình bày nguyên nhân làm đơn.
+ Đề nghị hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán.
– Phần cuối biên bản:
+ Cam kết của người làm đơn.
+ Ký và ghi rõ họ tên của nhà đầu tư.
+ Tên, chữ ký và chức danh của đại diện có thẩm quyền.
+ Ngày thực hiện.
4. Một số quy định của pháp luật về chứng khoán:
4.1. Chứng khoán là gì?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, các loại tài sản là chứng khoán được quy định như sau:
– Thứ nhất cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
– Thứ hai trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
– Thức ba chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
– Thứ tư chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
– Thứ năm quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
– Thứ sáu chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
– Thứ bảy chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
Theo khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định nội dung như sau:
“Hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.”
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4 của Luật chứng khoán 2019, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
4.2. Nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Theo Điều 5 Luật Chứng khoán 2019 quy định nội dung như sau:
“1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.”
4.3. Một số quy định của pháp luật về mã số giao dịch chứng khoán:
Đăng ký mã số giao dịch chứng khoán
Theo Điều 145 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Việc đăng ký và nhận kết quả cấp mã số giao dịch chứng khoán được thực hiện thông qua thành viên lưu ký.
2. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Nghị định này được cấp 01 mã số giao dịch chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp sau:
a) Công ty chứng khoán nước ngoài được cấp 02 mã số giao dịch chứng khoán: 01 mã số giao dịch chứng khoán cho tài khoản tự doanh và 01 mã số giao dịch chứng khoán cho tài khoản môi giới chứng khoán của công ty;
b) Quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ nước ngoài được cấp nhiều mã số giao dịch chứng khoán, trong đó mỗi danh mục đầu tư được quản lý bởi một công ty quản lý quỹ nước ngoài thì được cấp 01 mã số giao dịch chứng khoán; danh mục đầu tư do quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài tự quản lý được cấp 01 mã số giao dịch chứng khoán riêng;
c) Tổ chức đầu tư thuộc chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức đầu tư, tài chính thuộc tổ chức tài chính quốc tế mà Việt Nam là thành viên được cấp nhiều mã số giao dịch chứng khoán, trong đó mỗi danh mục đầu tư lưu ký tại một ngân hàng lưu ký được cấp 01 mã số giao dịch chứng khoán;
d) Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được cấp 01 mã số giao dịch chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Nghị định này. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trở thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Nghị định này được cấp thêm 01 mã số giao dịch chứng khoán cho hoạt động đầu tư của chính công ty quản lý quỹ;
đ) Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được cấp 02 mã số giao dịch chứng khoán, trong đó 01 mã số giao dịch chứng khoán cấp cho chi nhánh, 01 mã số giao dịch chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.”
Nguyên tắc cấp mã số giao dịch chứng khoán
Theo Điều 146 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Nghị định này bao gồm:
a) Giấy đăng ký mã số giao dịch chứng khoán theo Mẫu số 41 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản ủy quyền cho thành viên lưu ký thực hiện việc đăng ký mã số giao dịch chứng khoán, trừ trường hợp tổ chức đăng ký mã số giao dịch chứng khoán là thành viên lưu ký;
c) Danh mục tài liệu nhận diện nhà đầu tư theo Mẫu số 42 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Nghị định này bao gồm:
a) Tài liệu quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này;
b) Hợp đồng lưu ký giữa công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam với ngân hàng lưu ký;
c) Giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký mã số giao dịch chứng khoán:
a) Tổ chức, cá nhân đăng ký mã số giao dịch chứng khoán nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này cho thành viên lưu ký;
b) Thành viên lưu ký thực hiện kê khai các thông tin theo Mẫu số 41 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trên hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
c) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận thông tin kê khai từ thành viên lưu ký, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cấp mã số giao dịch chứng khoán cho tổ chức, cá nhân đăng ký và gửi xác nhận điện tử trên hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến. Trường hợp từ chối, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải trả lời trên hệ thống và nêu rõ lý do;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có xác nhận điện tử mã số giao dịch chứng khoán, thành viên lưu ký nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Vệt Nam;
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Vệt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán cho tổ chức, cá nhân đăng ký;
e) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán, thành viên lưu ký
4. Trong trường hợp các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được lập bằng tiếng nước ngoài, tài liệu phải được công chứng, chứng thực theo pháp luật Vệt Nam hoặc pháp luật nước ngoài trong vòng 12 tháng tính đến ngày thành viên lưu ký nhận hồ sơ. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt, ngoại trừ tài liệu bằng tiếng Anh hoặc bản dịch tiếng Anh. Việc dịch ra tiếng Việt được thực hiện bởi thành viên lưu ký hoặc bởi tổ chức dịch thuật hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
5. Tổ chức, cá nhân đăng ký mã số giao dịch chứng khoán chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán. Thành viên lưu ký có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin do các tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp trên hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm rà soát, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi có yêu cầu bằng văn bản.
6. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài không được cấp mã số giao dịch chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Đang bị điều tra hoặc đã từng bị cơ quan quản lý có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xử phạt về các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật chứng khoán, hành vi rửa tiền hoặc có các hành vi vi phạm và bị xử phạt hành chính, hình sự trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý ngoại hối, thuế mà chưa được xóa án tích hoặc chưa hết thời hiệu thi hành
b) Đã bị hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 147 Nghị định này.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
+ Giấy đăng ký mã số giao dịch chứng khoán theo mẫu.
+ Văn bản ủy quyền cho thành viên lưu ký thực hiện việc đăng ký mã số giao dịch chứng khoán.
+ Tài liệu nhận diện nhà đầu tư…
Đình chỉ sử dụng, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán
Theo Điều 147 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài bị đình chỉ sử dụng mã số giao dịch chứng khoán tối đa 06 tháng trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc hồ sơ bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ;
b) Cung cấp tài liệu không trung thực, không chính xác, không kịp thời theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
c) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài vi phạm quy định pháp luật.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán của tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số giao dịch chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài sau khi nhận được quyết định xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền do thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán;
b) Quá thời hạn đình chỉ sử dụng mã số giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều này mà những thiếu sót dẫn đến việc đình chỉ sử dụng mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài không được khắc phục;
c) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số giao dịch chứng khoán. Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân thông qua thành viên lưu ký gửi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam Giấy đề nghị hủy mã số giao dịch chứng khoán theo Mẫu số 43 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán của tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số giao dịch chứng khoán trong các trường hợp sau:
– Thứ nhất, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài sau khi nhận được quyết định xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền do thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của luật chứng khoán.
– Quá thời hạn đình chỉ sử dụng mã số giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều này mà những thiếu sót dẫn đến việc đình chỉ sử dụng mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài không được khắc phục.
– Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số giao dịch chứng khoán.