Theo quy định của pháp luật cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tại Việt Nam, phải trải qua huấn luyện kỹ thuật an toàn và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định.
Mục lục bài viết
- 1 1. Giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn là gì?
- 2 2. Mẫu giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn mới nhất:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn chi tiết nhất:
- 4 4. Quy định về tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp:
- 5 5. Quy trình kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp:
1. Giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn là gì?
Theo Điều 5 Nghị định 71/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp gồm:
” 1. Người quản lý.
2. Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.
3. Người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp.
4. Chỉ huy nổ mìn.
5. Thợ mìn.
6. Người phục vụ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
7. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp”.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản, Giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn là mẫu giấy đề nghị được soạn thảo bởi các cá nhân đảm nhiệm các vị trí: quản lý, người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp, thợ mìn…gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
Với những ngành nghề liên quan đến các vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ…người lao động phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng bài bản. Chất liệu nổ khi không được bảo quản và quản lý bởi người có kỹ năng sẽ gây hậu quả nặng nề.
Việc quy định những người làm việc ở vị trí tiếp xúc trực tiếp với nguồn nguy hiểm cần đảm bảo trải qua lớp huấn luyện kỹ thuật an toàn và được cấp Giấy chứng nhận nhằm mục đích đảm bảo an toàn trong quá trình lao động, trong hoạt động sản xuất, tránh những rủi ro về chất liệu nổ xảy ra.
Giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét các điều kiện của đối tượng để xét tổ chức huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn.
2. Mẫu giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn mới nhất:
….. (1)…….
……(2)….. giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–
GIẤY ĐỀ NGHỊ
…………..(3)…………..
Kính gửi: ………(4)…
Tên cơ sở hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ:….
Nơi đặt trụ sở chính:…….
Điện thoại: …….. Fax: …… Email:…..
Thực hiện Nghị định số …../2018/NĐ-CP ngày tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
…(1)… đề nghị …(4)… ………(2)………giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn ..…(3)….. (danh sách kèm theo) cho các đối tượng liên quan tới hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của …(1)…./.
…(5)……, ngày……tháng……năm……
………(6)………
(Chữ ký, dấu)
Nguyễn Văn A
Hồ sơ gửi kèm theo:……
3. Hướng dẫn soạn thảo giấy đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn chi tiết nhất:
(1) Ghi tên tổ chức, doanh nghiệp (Ví dụ: Công ty A);
(2) Ghi rõ nội dung đề nghị (Ví dụ: Kiểm tra, cấp hoặc huấn luyện, kiểm tra, cấp hoặc cấp lại);
(3) Ghi rõ lĩnh vực huấn luyện (Ví dụ: Vật liệu nổ công nghiệp hoặc tiền chất thuốc nổ);
(4) Ghi tên cơ quan cấp giấy chứng nhận huấn luyện (Ví dụ: Sở Công Thương tỉnh..);
(5) Địa danh, nơi đặt trụ sở chính của tổ chức, doanh nghiệp (Ví dụ: Quảng Ninh);
(6) Ghi quyền hạn, chức vụ của người ký.
Người làm đơn ký và ghi rõ họ tên
4. Quy định về tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp:
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 71/2018/NĐ-CP, hoạt động huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được thực hiện như sau:
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm:
– Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người quản lý theo nội dung quy định
– Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định
– Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp
– Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định tại Điều 5 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP thuộc thẩm quyền cấp phép, trừ các đối tượng thuộc quản lý của Bộ quốc phòng
– Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng thuộc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
Tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm:
– Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo nội dung quy định và phù hợp với tình hình hoạt động vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức;
– Lựa chọn người huấn luyện phù hợp
– Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người quản lý; kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định Điều 5 Nghị định 71/2018/NĐ-CP
– Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;
– Căn cứ tình hình sản xuất, tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp có thể kết hợp tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp với huấn luyện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, an toàn, vệ sinh lao động và huấn luyện khác.
Yêu cầu về người huấn luyện:
Người huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành: Hóa chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liền kề trở lên hoặc làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp từ 03 năm liền kề trở lên; có kiến thức pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp.
Hình thức huấn luyện
– Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại Điều 5 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP phải được huấn luyện trước khi thực hiện các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại Khoản 2, 4, 5 Điều 5 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP và ít nhất là 12 giờ đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, 3, 6, 7 Điều 5 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP
– Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại Điều 5 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;
– Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại Điều 5 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu; thợ mìn, người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đã ngừng công việc từ 06 tháng trở lên hoặc có liên quan đến sự thay đổi về công nghệ sản xuất, phương pháp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.
Như vậy, việc tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp phải được thực hiện dưới sự kiểm soát và quản lý của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạc Bộ Quốc phòng (trường hợp cá nhân, tổ chức tham gia huấn luyện thuộc quản lý của BQP). Việc lựa chon huấn luyên viên được tiến hành nghiêm túc, khách quan bởi chất lượng Huấn luyện viên có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khóa học.
5. Quy trình kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp:
Căn cứ pháp lý: Điều 10 Nghị định 71/2018/NĐ-CP
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Hồ sơ để nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp gồm:
a) Giấy đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 71/2018/NĐ-CP
b) Danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 71/2018/NĐ-CP
c) 02 ảnh (3×4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn;
d) Tài liệu chứng minh đáp ứng các quy định tại Điều 4 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP
Bước 2: Gửi hồ sơ
– Tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp lập 01 bộ hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người quản lý gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan quy định tại Điều 6 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP
Bước 3: Trình tự huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 của Nghị định này phải
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 của Nghị định này phải tổ chức huấn luyện, kiểm tra. Nội dung, kết quả kiểm tra gồm
a) Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP
b) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 của Nghị định 71/2018/NĐ-CP thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 71/2018/NĐ-CP
– Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn có hiệu lực trong thời hạn 02 năm và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
Trên đây là trình tự thực hiện huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn. Các cá nhân, tổ chức có liên quan có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện theo đúng quy trình và đảm bảo về thời hạn cấp. Trường hợp cá nhân, tổ chức khác phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm về quy trình thực hiện huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn có quyền khiếu nại đến cơ quan có thảm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Căn cứ pháp lý: Nghị định 71/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ