Điểm rèn luyện của sinh viên được đánh giá qua các kỳ học. Khi cần xác nhận điểm rèn luyện, thì sinh viên cần làm đơn xin xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện của sinh viên.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn xin xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên là gì và để làm gì?
Đơn xin xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên là văn bản do sinh viên viết gửi lên Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng đào tạo, Phòng Công tác sinh viên,… xin xác nhận kết quả rèn luyện của sinh viên.
Đơn xin xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên được dùng để học sinh xin nhà trường xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên.
2. Mẫu đơn xin xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên và hướng dẫn soạn thảo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Trường….
…, ngày……tháng……năm 20….
ĐƠN XIN XÁC NHẬN
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ RÈN LUYỆN SINH VIÊN
Kính gửi: Phòng Công tác Sinh viên
Tôi tên là: ….. Ngày sinh: … (1)
Mã số sinh viên:….(2)
Lớp: …..Khoa/ Viện: ….(3)
Nay em làm đơn này để xin xác nhận kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên:
Năm học : …., đạt: ….điểm, xếp loại: …(4)
Lý do: …(5)
Kính đề nghị Phòng Công tác Sinh viên xem xét và xác nhận./.
PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
Sinh viên
(Ký và ghi rõ họ tên)
Hướng dẫn soạn thảo
(1) Ghi theo Chứng minh nhân dân
(2) Ghi theo thẻ sinh viên của học sinh
(3) Ghi lớp, khoa viện quản lý sinh viên
(4) Ghi năm học, ghi số điểm, xếp loại điểm đánh giá
(5) Ghi lý do sinh viên viết đơn)
3. Quy định về đánh giá rèn luyện sinh viên:
Căn cứ pháp lý: Thông tư số 16/2015/TT- BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, trong quy chế quy định về những nội dung sau về đánh giá rèn luyện sinh viên
Nội dung đánh giá và thang điểm trong đánh giá rèn luyện sinh viên- đây chính là những nội dung, những tiêu chí để nhà trường, ban giám hiệu quản lý sinh viên đánh giá rèn luyện sinh viên. Các tiêu chí này dựa trên rất nhiều khía cạnh khác nhau, đánh giá toàn diện, không dừng lại ở một phương diện, như về các mặt học tập, tham gia các họa động xã hội, cụ thể như sau:
* Xem xét, đánh giá kết quả rèn luyện của người học là đánh giá ý thức, thái độ của người học theo các mức điểm đạt được trên các mặt:
– Ý thức tham gia học tập;
– Ý thức chấp hành nội quy, quy chế, quy định trong nhà trường;
– Ý thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội;
– Ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng;
– Ý thức và kết quả tham gia công tác cán bộ lớp, các đoàn thể, tổ chức khác trong cơ sở giáo dục đại học hoặc người học đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện.
* Điểm rèn luyện được đánh giá bằng thang điểm 100.
Các tiêu chí trên được đánh giá chi tiết như sau:
Đánh giá về ý thức tham gia học tập- học tập là hoạt động chính của sinh viên trên giảng đường đại học, để đánh giá về ý thức tham gia học tập không chỉ dừng lại ở kết quả học tập sinh viên đạt được mà còn đánh giá trên việc sinh viên tham gia học tập, tham gia các kì thi,… như thế nào, các tiêu chí đánh giá cụ thể như sau:
* Các tiêu chí để xác định điểm đánh giá:
– Ý thức và thái độ trong học tập;
– Ý thức và thái độ tham gia các câu lạc bộ học thuật, các hoạt động học thuật, hoạt động ngoại khóa, hoạt động nghiên cứu khoa học;
– Ý thức và thái độ tham gia các kỳ thi, cuộc thi;
– Tinh thần vượt khó, phấn đấu vươn lên trong học tập;
– Kết quả học tập.
* Khung điểm đánh giá từ 0 đến 20 điểm.
Đánh giá về ý thức chấp hành nội quy, quy chế, quy định trong cơ sở giáo dục đại học. Mỗi một nhà trường đều có nội quy, quy chế hay các quy định riêng dựa trên các tiêu chuẩn chung ban hành cho các trường Đại học do Bộ Giáo dục đào tạo ban hành. Mỗi sinh viên, học viên theo học tại nhà trường cần phải tuân thủ các nội quy, quy chế do nhà trường ban hành.
* Các tiêu chí để xác định điểm đánh giá:
– Ý thức chấp hành các văn bản chỉ đạo của ngành, của cơ quan chỉ đạo cấp trên được thực hiện trong cơ sở giáo dục đại học;
– Ý thức chấp hành các nội quy, quy chế và các quy định khác được áp dụng trong cơ sở giáo dục đại học.
* Khung điểm đánh giá từ 0 đến 25 điểm.
Đánh giá về ý thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Sinh viên là tầng lớp tri thức của xã hội, mỗi sinh viên chính là một Đoàn viên thanh niên- chính là thế hệ trẻ của đất nước, do đó, việc tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa,… của sinh viên có tác động rất nhiều đến xã hội. Nên ý thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa,… đã trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên.
* Các tiêu chí để xác định điểm đánh giá:
– Ý thức và hiệu quả tham gia các hoạt động rèn luyện về chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao;
– Ý thức tham gia các hoạt động công ích, tình nguyện, công tác xã hội;
– Tham gia tuyên truyền, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
* Khung điểm đánh giá từ 0 đến 20 điểm.
Đánh giá về ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng. Cũng như các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội,… việc chấp hành và tham gia tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước của sinh viên cũng có những ý nghĩa tích cực cho xã hội. Mỗi sinh viên cần phải trở thành những công dân mẫu mực, thực hiện tốt Chủ trương của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.
* Các tiêu chí để xác định điểm đánh giá ý thức của công dân trong quan hệ cộng đồng:
– Ý thức chấp hành và tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng;
– Ý thức tham gia các hoạt động xã hội có thành tích được ghi nhận, biểu dương, khen thưởng;
– Có tinh thần chia sẻ, giúp đỡ người thân, người có khó khăn, hoạn nạn.
* Khung điểm đánh giá từ 0 đến 25 điểm.
Đánh giá về ý thức và kết quả khi tham gia công tác cán bộ lớp, các đoàn thể, tổ chức trong cơ sở giáo dục đại học hoặc người học đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện.
* Các tiêu chí để xác định điểm đánh giá:
– Ý thức, tinh thần, thái độ, uy tín và hiệu quả công việc của người học được phân công nhiệm vụ quản lý lớp, các tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các tổ chức khác trong cơ sở giáo dục đại học;
– Kỹ năng tổ chức, quản lý lớp, quản lý các tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các tổ chức khác trong cơ sở giáo dục đại học;
– Hỗ trợ và tham gia tích cực vào các hoạt động chung của lớp, tập thể, khoa và cơ sở giáo dục đại học;
– Người học đạt được các thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện.
– Khung điểm đánh giá từ 0 đến 10 điểm.
Phân loại kết quả rèn luyện
– Kết quả rèn luyện được phân thành các loại: xuất sắc, tốt, khá, trung bình, yếu và kém.
– Phân loại kết quả rèn luyện:
+ Từ 90 đến 100 điểm: loại xuất sắc;
+ Từ 80 đến dưới 90 điểm: loại tốt;
+ Từ 65 đến dưới 80 điểm: loại khá;
+ Từ 50 đến dưới 65 điểm: loại trung bình;
+ Từ 35 đến dưới 50 điểm: loại yếu;
+ Dưới 35 điểm: loại kém.
Phân loại để đánh giá. Kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên sau khi tổng kết được phân loại để đánh giá đối với từng sinh viên qua từng kỳ học, từng năm học. Việc phân loại để đánh giá sinh viên giúp cho Phòng Công tác sinh viên, Phòng Đào tạo,… có thể theo dõi, đánh giá sinh viên một cách toàn diện cũng như có những hình thức, biện pháp cụ thể áp dụng đối với từng sinh viên. Việc phân loại để đánh giá chi tiết như sau:
– Trong thời gian người học bị kỷ luật mức khiển trách, khi đánh giá kết quả rèn luyện không được vượt quá loại khá.
– Trong thời gian người học bị kỷ luật mức cảnh cáo, khi đánh giá kết quả rèn luyện không được vượt quá loại trung bình.
– Người học bị kỷ luật mức đình chỉ học tập không được đánh giá rèn luyện trong thời gian bị đình chỉ.
– Người học bị kỷ luật mức buộc thôi học không được đánh giá kết quả rèn luyện.
– Người học hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp chậm so với quy định của khóa học thì tiếp tục được đánh giá kết quả rèn luyện trong thời gian đang hoàn thành bổ sung chương trình học và tốt nghiệp, tùy thuộc vào nguyên nhân để quy định mức đánh giá rèn luyện tại kỳ bổ sung.
– Người học khuyết tật, tàn tật, mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha hoặc mẹ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn có xác nhận của địa phương theo quy định đối với những hoạt động rèn luyện không có khả năng tham gia hoặc đáp ứng yêu cầu chung thì được ưu tiên, động viên, khuyến khích, cộng điểm khi đánh giá kết quả rèn luyện qua sự nỗ lực và tiến bộ của người học tùy thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.
– Người học nghỉ học tạm thời được bảo lưu kết quả rèn luyện sẽ được đánh giá kết quả rèn luyện khi tiếp tục trở lại học tập theo quy định.
– Người học đồng thời học hai chương trình đào tạo sẽ được đánh giá kết quả rèn luyện tại đơn vị quản lý chương trình thứ nhất và lấy ý kiến nhận xét của đơn vị quản lý chương trình thứ hai làm căn cứ, cơ sở để đánh giá thêm. Trường hợp chương trình thứ nhất đã hoàn thành thì đơn vị quản lý chương trình thứ hai sẽ tiếp tục được đánh giá kết quả rèn luyện của người học.
– Người học chuyển trường được sự đồng ý của Hiệu trưởng hai cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả rèn luyện của cơ sở giáo dục đại học cũ khi học tại cơ sở giáo dục đại học mới và tiếp tục được đánh giá kết quả rèn luyện ở các học kỳ tiếp theo.
Sử dụng kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên
– Kết quả đánh giá rèn luyện từng học kỳ, năm học của người học được lưu trong hồ sơ quản lý người học của trường, được sử dụng trong việc xét duyệt học bổng, xét khen thưởng – kỷ luật, xét thôi học, ngừng học, xét lưu trú ký túc xá, xét giải quyết việc làm thêm, xét miễn giảm chi phí, dịch vụ và sinh hoạt trong ký túc xá và các ưu tiên khác tùy theo quy định của cơ sở giáo dục đại học.
– Kết quả đánh giá rèn luyện toàn khóa học của người học được lưu trong hồ sơ quản lý người học của cơ sở giáo dục đại học, làm căn cứ để xét thi tốt nghiệp, làm luận văn hoặc khóa luận tốt nghiệp.
– Kết quả đánh giá rèn luyện toàn khóa học được ghi chung vào bảng điểm kết quả học tập và lưu trong hồ sơ của người học khi tốt nghiệp ra trường.
– Người học có kết quả rèn luyện xuất sắc được cơ sở giáo dục đại học xem xét biểu dương, khen thưởng.
– Người học bị xếp loại rèn luyện yếu, kém trong hai học kỳ liên tiếp thì phải tạm ngừng học ít nhất một học kỳ ở học kỳ tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện yếu, kém hai học kỳ liên tiếp lần thứ hai thì sẽ bị buộc thôi học.
Kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên đóng vai trò quan trọng đối với sinh viên, không chỉ dừng lại ở trong thời gian sinh viên theo học ở nhà trường, đồng thời kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên còn là một trong những căn cứ để kết nạp Đảng viên cho sinh viên, bên cạnh đó kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên giữ vai trò giúp sinh viên được các nhà tuyển dụng đánh giá tốt khi đi làm,…