Chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại diện tích đất ở trong một số trường hợp nhất đinh. Để hoạt động này phát sinh, chủ sở hữu phải viết đơn, đây sẽ là căn cứ để cơ quan nhà nước xem xét đo dạc lại và xác định chính xác diện tích.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin xác định lại diện tích đất ở là gì?
Đơn xin xác định lại diện tích đất ở là văn bản do cá nhân, đại diện hộ gia đình gửi tới cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xác định lại diện tích đất ở trong một số trường hợp nhất định
Đơn xin xác định lại diện tích đất ở là văn bản thể hiện ý chí mong uốn của mình với nhà nước, căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, thực hiện hàng loạt các hoạt động đo đạc, quyết định xác định lại diện tích đất ở, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ nhất.
2. Mẫu đơn xin xác định lại diện tích đất ở:
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………, ngày … tháng … năm …
ĐƠN YÊU CẦU XÁC ĐỊNH LẠI DIỆN TÍCH ĐẤT
(Về việc: Đo đạc mảnh đất số ……………)
Kính gửi:
Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) ……
Địa chính xã (phường, thị trấn) ………
– Căn cứ nhu cầu thực tế của công dân.
Thông tin người yêu cầu
Tôi tên là: ……
Sinh năm: ……
Chứng minh nhân dân số ……
Do CA …….. cấp ngày ……./……/………
Địa chỉ thường trú: ……
Hiện đang cư trú tại: ……
Số điện thoại liên hệ: ……
Là …….. (Ví dụ: Là chủ sở hữu mảnh đất số …. theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số …… do UBND ……….. cấp ngày …………..)
Nội dung yêu cầu
Tôi xin trình bày sự việc như sau:…………
(Tại đây trình bày lý do tại sao yêu cầu đo đạc lại diện tích đất, ví dụ như tranh chấp hoặc qua quá trình sử dụng mà diện tích có phần thay đổi…)
Để nhằm ………….. (nói ra mục đích yêu cầu đo đạc, ví dụ như để giải quyết tranh chấp), cũng như để đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân tôi cùng …… (nêu tên những người trong gia đình đang sinh sống trên mảnh đất đó hoặc những người bị ảnh hưởng. Nêu rõ họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, chứng minh nhân dân…)
Nay tôi làm đơn này để đề nghị Quý cơ quan xem xét và tổ chức tiến hành đo đạc lại diện tích mảnh đất nói trên, để tôi sử dụng làm căn cứ bảo vệ quyền cũng như nghĩa vụ của bản thân.
Tôi xin cam đoan những điều nói trên là hoàn toàn đúng sự thật và sẽ chịu mọi chi phí trong quá trình đo đạc theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Gửi kèm đơn này là: ………
(Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu về mảnh đất, ví dụ như bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, biên bản tranh chấp…)
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn xin xác định lại diện tích đất ở chi tiết nhất:
Yêu cầu mà người làm đơn cần chú ý nhất là việc trình bày nội dung yêu cầu, trong đó cần phải nếu được lý do yêu cầu xác định lại diện tích, diện tích đất trước đất, thời hạn sử dụng đất,…
Các thông tin cá nhân mà người làm đơn cần viết là họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú được viết theo Giấy chứng minh nhân dân, là chủ sở hữu mãnh đất, ghi các thông tin về mãnh đất số, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số, ngày cấp, nơi cấp.
Cuối đơn, người làm đơn ký và ghi rõ họ tên.
4. Các vấn đề pháp lý về xác định lại diện tích đất ở:
Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, trong đó:
Quy định về đất ở tại nông thôn quy định:
– Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.
– Việc phân bổ đất ở tại nông thôn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ với quy hoạch các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.
– Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp.
Quy định về đất ở tại đô thị:
– Đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị hiện đại.
Nhà nước có quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại đô thị, có chính sách tạo điều kiện để những người sống ở đô thị có chỗ ở.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.
– Việc chuyển đất ở sang đất xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường đô thị.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
– Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
– Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
– Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
– Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
– Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
– Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
– Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
– Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
– Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Cách xác định đất ở có vườn ao:
– Đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở.
– Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.
Trường hợp trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 của Luật này.
– Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật này mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.