Muốn hợp tác kinh doanh thì bạn cần ký kết hợp đồng và phải làm đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng. Bài viết hướng dẫn bạn soạn thảo mẫu đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng và cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng là gì?
Hợp tác kinh doanh là sự phát triển của các mối quan hệ chiến lược, thành công, lâu dài giữa khách hàng và nhà cung cấp, dựa trên việc đạt được thông lệ tốt nhất và lợi thế cạnh tranh bền vững. Trong mô hình đối tác kinh doanh, các chuyên gia nhân sự làm việc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý trực tuyến để đạt được các mục tiêu tổ chức chung.
Đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng là văn bản do doanh nghiệp, công ty lập ra và được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét để cấp giấy phép đầu tư từ đó làm cơ sở để được hưởng các ưu đãi trong đầu tư.
Đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng được lập ra là cơ sở để các nhà đầu tư có thể được hưởng các ưu đãi trong đầu tư kinh doanh, từ đó tạo điều kiện để thực hiện các hợp đồng liên doanh, thực hiện các quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng.
2. Mẫu đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————-
ĐƠN XIN PHÉP
HỢP TÁC KINH DOANH TRÊN CƠ SỞ HỢP ĐỒNG
…….., ngày……..tháng…….năm…..
Kính gửi: Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư.
Những người ký dưới đây xin gửi Đơn xin phép đầu tư theo
Các đặc điểm có liên quan tới việc Hợp tác kinh doanh cũng như việc xin các điều kiện ưu đãi trong đầu tư và những thông tin, số liệu, văn bản có liên quan được trình bày ở đây và / hoặc gửi trình kèm theo như sau:
I. TÊN CỦA CÁC BÊN, GỒM:
– Bên (hoặc các bên) Việt Nam (tên Công ty):
– Bên (hoặc các bên) nước ngoài (tên Công ty hoặc cá nhân):
Xin được cấp giấy phép đầu tư để thực hiện hợp đồng liên doanh ký ngày…… tháng…….năm …..
II. CHÚNG TÔI XIN ĐƯỢC HƯỞNG CÁC ƯU ĐÃI TRONG ĐẦU TƯ NHƯ SAU:
– ………
– ……..
III. CÁC TÀI LIỆU GỬI KÈM THEO ĐƠN NÀY GỒM:…
Bên (hoặc các bên) Việt Nam
(Ký tên, đóng dấu)
Bên (hoặc các bên) nước ngoài
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn xin phép hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng:
– Hai bên chủ đầu tư cần ghi rõ các thông tin như tên, địa chỉ, đại diện, chức vụ, số tài khoản của công ty mình.
– Đối với những ưu đãi trong đầu tư thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 thì từ ngày 01/01/2021 sẽ có các hình thức ưu đãi đầu tư sau đây:
+ Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
+ Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế
Bạn có thể lựa chọn hình thức ưu đãi đầu tư phù hợp với công việc hợp tác kinh doanh của cả hai bên.
– Đối với các tài liệu gửi kèm, bạn cần chuẩn bị đầy đủ, bao gồm:
+ Các chứng chỉ về tư cách pháp nhân cũng như báo cáo tổng quát hàng năm của Công ty được chứng nhận và/hoặc chứng thực của Ngân hàng hay cơ quan tài chính theo Thông lệ quốc tế.
+ Giấy ủy nhiệm hợp pháp cho người ký đơn và Hợp đồng.
+
+ Giải trình kinh tế – kỹ thuật.
+ Báo cáo giám định thiết bị cũ (nếu có ý định sử dụng hoặc nhập khẩu các thiết bị đó vào Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Người đại diện của hai bên ký tên, đóng dấu đầy đủ.
4. Lợi ích của hợp tác kinh doanh:
Hợp tác kinh doanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, hợp tác kinh doanh gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong môi trường kinh doanh sôi nổi hiện nay, cách tiếp cận “làm một mình” không phải là chiến lược tốt nhất để tăng trưởng. Các công ty ban đầu phát triển một cách tự nhiên cần phải tìm kiếm những cách thức mới để thúc đẩy sự đổi mới mang tính hợp tác nhằm mang lại những gì khách hàng của họ cần ngày nay – và trong tương lai.
Tại Việt Nam, có đến 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có tư duy liên kết hợp tác do thiếu kiến thức về kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh quốc tế. Chính vì vậy mà liên kết hợp tác kinh doanh được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng sức cạnh tranh, phục vụ khách hàng tốt hơn bằng cách kết hợp tài năng, chuyên môn, công nghệ và mục đích.
Thứ hai, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức bằng việc hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy việc phát huy thế mạnh và khắc phục những thiếu sót, yếu điểm của nhau trong quá trình hợp tác kinh doanh. Ví dụ như đối với những doanh nghiệp mới thành lập, còn mới mẻ thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ dễ dàng tiếp cận thông qua những đối tác trong nước am hiểu thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước có thể được các doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ về vốn, nhân lực, công nghệ hiện đại.
5. Quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) được quy định tại Luật đầu tư 2020, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Có thể nói đây là một hình thức đầu tư trực tiếp. Chủ thể của loại hợp đồng này có thể là cá nhân, pháp nhân có quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài.
Pháp luật dân sự quy định về việc ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước, trong đó với hợp đồng được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào lĩnh vực và mức độ ảnh hưởng của dự án mà thẩm quyền quyết định chủ trương lại khác nhau.
Khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì các bên tham gia hợp đồng cần chú ý phải thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC, giúp cho hoạt động đầu tư được quản lý sát sao, thực hiện dự án được linh hoạt và đúng tiến độ, đảm bảo được sự kiểm soát của các nhà đầu tư. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối sẽ do các bên thỏa thuận.
Khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC thì các nhà đầu tư cần phải đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, các bên tham gia hợp đồng BCC còn có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật hoặc không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, Luật Đầu tư 2020 cũng quy định, trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quy định này nhằm giúp các bên hợp tác với nhau thuận lợi, hiệu quả và có thể tiếp tục hợp tác với nhau, thành lập tổ chức kinh tế sử dụng chính lợi nhuận thu được từ BCC.
+ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
+ Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
+ Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
+ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Các nhà đầu tư có thể hợp tác song phương hoặc đa phương khi ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các chủ thể này bình đẳng với nhau, cùng hướng tới lợi ích chung khi tham gia vào hợp đồng hợp tác kinh doanh.