Lao động nữ sẽ viết đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh và thỏa thuận với người sử dụng lao động chấp thuận. Vậy đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh là gì?
Mục lục bài viết
1. Đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh là gì?
Đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh là mẫu đơn do những lao động nữ sau khi sinh con muốn được nghỉ việc lập ra gửi cho người sử dụng lao động, Ban Giám đốc Công ty, Phòng Nhân sự, Phòng kế toán, Phòng chuyên môn mà người lao động đang trực thuộc.
2. Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
Theo Điều 115, Bộ luật Lao động 2019 quy định về Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy theo quy định pháp luật, ngoài những ngày nghỉ việc riêng mà pháp luật đã quy định rõ sẽ được nghỉ việc và hưởng nguyên lương thì người lao động hoàn toàn có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc xin nghỉ việc không hưởng lương. Nghỉ việc trong bao lâu và có được trả lương hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cả 2 bên.
Ngoài ra theo Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy trình thu bảo hiểm xã hội, cấp sổ bảo hiểm thẻ bảo hiểm 2017 quy định: “4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.“ Theo quy định của pháp luật thì tiền bảo hiểm xã hội sẽ được tính theo tháng, việc bạn xin nghỉ không hưởng lương nếu như số ngày bạn không làm việc và không hưởng tiền lương dưới 14 ngày trong tháng thì khoảng thời gian người lao động nghỉ không lương thì người lao động sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động cũng sẽ không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
-Thủ tục xử lý đơn: Ngay lập tức khi nhận được Đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh, kết quả xử lý là trả lời bằng văn bản của phía người sử dụng lao về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận.
– Hồ sơ cần gửi kèm đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh bao gồm: Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh (nếu có), sổ khám bệnh hoặc kết luận của bệnh viện về sức khỏe, Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, các giấy tờ khác có liên quan.
Đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh là văn bản chứa đựng những thông tin cá nhân của người lao động nữ và lời đề nghị được người sử dụng lao động, Ban Giám đốc Công ty, Phòng Nhân sự, Phòng kế toán, Phòng chuyên môn mà người lao động đang trực thuộc chấp thuận với việc cho phép người lao động nữ được nghỉ việc không lương sau sinh.
3. Mẫu đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———-o0o———-
Hà Nội, ngày ….. tháng ….. năm……
ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC KHÔNG LƯƠNG SAU SINH
Kính gửi: – BAN GIÁM ĐỐC CÔNG TY…
– PHÒNG HÀNH CHÍNH – NHÂN SỰ
– TRƯỞNG PHÒNG
Tôi tên là: …..Sinh ngày……
Căn cước công dân số… cấp ngày…/…/… tại…….
Hộ khẩu thường trú:…
Nơi ở hiện tại:
Số điện thoại liên hệ:………
Hiện đang là nhân viên phòng kế toán thuộc công ty…
Nay tôi xin trình đơn này kính đề nghị Ban giám đốc chấp thuận cho tôi được nghỉ việc riêng (không lương)
Trong thời gian:………….. ngày. (Kể từ ngày …/…/… đến ngày …/…/…)
Vì lý do: tôi vừa sinh con vào ngày …/…/…, đến nay đã hết thời gian 06 tháng được nghỉ đẻ theo quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, do con tôi còn bé, cháu lại hay bị bệnh tật kéo dài khiến tôi không thể tập trung vào công việc được nữa. Tôi muốn nghỉ một thời gian để có thể chữa bệnh cho cháu trong thời gian dài.
Tôi đã bàn giao công việc cho….. Bộ phận:………………
Các công việc được bàn giao gồm có:…
Kính mong ban giám đốc xem xét và xử lý yêu cầu của tôi một cách nhanh chóng.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn
(Kí và ghi rõ họ tên)
4. Hướng dẫn viết đơn xin nghỉ việc không lương sau sinh:
Phần kính gửi yêu cầu người lao động nữ ghi rõ tên Ban Giám đốc Công ty, Phòng Nhân sự, Phòng kế toán, Phòng chuyên môn mà người lao động đang trực thuộc.
Phần thông tin của người lao động nữ yêu cầu cung cấp đầy đủ, chính xác, chi tiết, rõ ràng nhất về các thông tin tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân(số căn cước công dân), nơi ở hiện tại. hộ khẩu thường trú, số điện thoại liên hệ, vị trí việc làm.
Lý do xin nghỉ việc không lương sau sinh cần phải ghi rõ, phù hợp, chính đáng cùng thời gian nghỉ việc trong bao lâu. Cuối đơn người lao động nữ sẽ thể hiện mong muốn của mình: “Kính mong ban giám đốc xem xét và xử lý yêu cầu của tôi một cách nhanh chóng.” Cuối cùng là người lao động nữ ký, ghi rõ họ tên.
5. Chế độ thai sản đối với lao động nữ:
Chế độ nghỉ thai sản của lao động nữ và chồng được quy định rõ ràng tại Điều 139, Bộ luật Lao động 2019. Nghỉ thai sản:
“1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”
Chế độ thai sản là một trong những chế độ hưởng của BHXH nhưng rất được quan tâm bởi lẽ sinh con là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng của người mẹ, hầu hết lao động nữ nào cũng sẽ ít nhất một lần trong đời hưởng chế độ này. Khi lao động nữ thuộc những đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động sẽ phải đóng 3% vào quỹ đau ốm thai sản cho người lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Điều kiện hưởng thai sản đối với lao động nữ mang thai và sinh con được quy định cụ thể tại
– Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
– Đối với trường hợp lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
– Người lao động thuộc đáp ứng đủ điều kiện của một trong hai trường hợp nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn đủ điều kiện nhận bảo hiểm thai sản.
=> Như vậy đối với những trường hợp thông thường, thì điều kiện để hưởng chế độ thai sản là lao động nữ sinh con sẽ phải đóng được từ đủ 6 tháng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Lao động 2019,
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi bổ sung 2018.