Trong quá trình yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, nhiều cá nhân, tổ chức còn gặp khó khăn về trình tự, thủ tục tố tụng. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc tìm hiểu về đơn khởi kiện vụ án lao động và hướng dẫn soạn thảo chi tiết mẫu đơn này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Đơn khởi kiện vụ án lao động là gì?
- 2 2. Mẫu đơn khởi kiện vụ án lao động:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo đơn khởi kiện vụ án lao động:
- 4 4. Một số quy định của pháp luật về tranh chấp lao động
- 4.1 4.1. Quy định về Tranh chấp lao động:
- 4.2 4.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động:
- 4.3 4.3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động
- 4.4 4.4. Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động:
- 4.5 4.5. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động:
1. Đơn khởi kiện vụ án lao động là gì?
Khởi kiện vụ án lao động đối với các tranh chấp lao động thường là những vấn đề liên quan việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; Về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn đã được Hội đồng trọng tài lao động giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài. Đơn khởi kiện vụ án lao động được sử dụng khi có tranh chấp lao động xảy ra mà các bên không thể giải quyết bằng thỏa thuận, hòa giải, bắt buộc phải khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp.
2. Mẫu đơn khởi kiện vụ án lao động:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
ĐƠN KHỞI KIỆN VỤ ÁN LAO ĐỘNG (Mẫu)
Kính gửi: Tòa án nhân dân …
– Họ và tên người khởi kiện:
(Nếu người khởi kiện là cá nhân thi ghi rõ họ tên và năm sinh. Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thi ghi rõ tên cơ quan, tổ chức – người đại diện hợp pháp).
– Địa chỉ:
– Họ và tên người bị kiện:
(Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi rõ họ tên và năm sinh. Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi rõ tên cơ quan, tổ chức-người đại diện hợp pháp).
– Địa chỉ:
– Họ và tên người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
– Địa chỉ:
– Khởi kiện về việc:
– Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau với người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nêu cụ thể nội dung)
– Họ và tên người làm chứng:
– Địa chỉ:
– Những tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện gồm:
(Ghi rõ và đánh số thứ tự)
…., ngày……tháng……năm 20…
NGƯỜI KHỞI KIỆN
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo đơn khởi kiện vụ án lao động:
– Phần mở đầu:
+ Ghi đầy đủ các thông tin bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ.
+ Tên biên bản cụ thể là đơn khởi kiện vụ án lao động.
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Thông tin người khởi kiện.
+ Thông tin người bị khởi kiện.
+ Nội dung khởi kiện.
+ Thông tin người làm chứng.
+ Những tài liệu, chứng cứ liên quan.
– Phần cuối biên bản:
+ Thời gian kết thúc việc lập biên bản.
+ Ký và ghi rõ họ tên của người khởi kiện.
4. Một số quy định của pháp luật về tranh chấp lao động
4.1. Quy định về Tranh chấp lao động:
Theo Điều 179
1. Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:
a) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
b) Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:
a) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
c) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
3. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
a) Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
b) Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, tranh chấp lao động không chỉ là tranh chấp về sự lao động, về sự làm việc, tức là xung đột về hành vi liên quan đến hoạt động, chức năng của Người lao động. Tranh chấp lao động là loại tranh chấp về các vấn đề liên quan đến quá trình lao động, tức là quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt mối quan hệ lao động giữa các bên. Không chỉ vậy, tranh chấp lao động còn bao gồm các xung đột liên quan đến việc làm, học nghề, quạn hệ đại diện lao đông,…tức là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Thông qua quy định của pháp luật ta thấy một số tranh chấp lao động thường gặp trong thực tế là:
– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt
– Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.
– Tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
4.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động:
1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.”
Trên đây là 5 nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động mà cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động bắt buộc phải tuân theo.
4.3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động
Theo Điều 181 Bộ luật lao động 2019 quy định nội dung như sau:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.
3. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.”
4.4. Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động:
1. Trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên có quyền sau đây:
a) Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;
b) Rút yêu cầu hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;
c) Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.
2. Trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên có nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;
b) Chấp hành thỏa thuận đã đạt được, quyết định của Ban trọng tài lao động, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
4.5. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan.”