Trong quá trình sử dụng lao động, các doanh nghiệp cũng luôn muốn tạo một cơ chế cởi mở, đảm bảo lợi ích cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp cho phép người lao động đề xuất nguyện vọng với công ty trong trường hợp có những ý kiến riêng, quyền lợi cần được đáp ứng.
Mục lục bài viết
1. Đơn đề xuất nguyện vọng với công ty, tổ chức là gì?
Đơn đề xuất nguyện vọng của công ty, tổ chức là văn bản do cá nhân người lao động gửi tới người có thẩm quyền trong “người sử dụng lao động” nhằm đề xuất những quyền lợi, ý kiến mang tính chất cá nhân.
Thực tế, đơn đề xuất này có thể được chấp nhận hay không phụ thuộc vào nội dung, tính hợp lý của nguyện vọng.
Đơn đề xuất nguyện vọng của công ty, tổ chức là văn bản bày tỏ nguyện vọng của cá nhân, là căn cứ để người sử dụng lao động xem xét, đánh giá, và quyết định có đáp ưng nguyện vọng cho cá nhân hay không.
2. Mẫu đơn trình bày nguyện vọng với công ty, tổ chức:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–o0o—–
…., ngày… tháng…. năm…..
ĐƠN ĐỀ XUẤT NGUYỆN VỌNG
Kính gửi: – Ông/Bà……
(Hoặc các chủ thể có thẩm quyền khác tùy thuộc vào chủ thể mà bạn muốn đề xuất nguyện vọng là chủ thể nào)
– Căn cứ…;
– Căn cứ tình hình thực tế.
Tên tôi là:…… Sinh năm:….
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân số:……. Do CA…….. Cấp ngày…./…../…..
Địa chỉ thường trú:…
Hiện tại cư trú tại:…
Số điện thoại liên hệ:…
Tôi xin trình bày với Ông/Bà sự việc sau:
……
(Phần này bạn trình bày về nguyên nhân, hoàn cảnh, lý do dẫn tới việc bạn làm đơn đề xuất nguyện vọng, ví dụ:
Tôi là người lao động của Công ty……theo
Chức vụ:…………………….
Ngày…/…../……, tôi có đọc được thông tin về việc công ty/phòng/ban….. có tuyển thành viên… trong thời gian từ ngày…/…./….. đến hết ngày…/…./….. với các tiêu chí……
Tôi nhận thấy, bản thân đáp ứng được các tiêu chí trên, và với mong muốn được tham gia vào……để có thể…)
Do đó, tôi làm đơn này để đề xuất với Ông/Bà nguyện vọng sau:
……
(Phần này bạn đưa ra các nguyện vọng của bạn)
Tôi xin cam đoan những thông tin mà tôi đã nêu trên đây là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của những thông tin này. Kính mong Ông/Bà xem xét và chấp nhận nguyện vọng trên của tôi để tôi có thể……
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn mẫu đơn đề xuất nguyện vọng:
Trước hết, người làm đơn phải ghi rõ địa danh, ngày tháng năm làm đơn, ví dụ: Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2021.
Ở phần kính gửi, người viết đơn gửi tới người có thẩm quyền giải quyết và có khả năng đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, có thể là giám đốc, trưởng phòng, trưởng nhóm,…
Người viết đơn ngoài việc căn cứ vào tình hình thực tế, còn có thể căn cứ vào các văn bản quy định về quyền của người lao động của pháp luật hoặc văn bản nội bộ của công ty.
Người làm đơn ghi rõ các thông tin cá nhân bao gồm họ và tên, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, hộ khẩu thường trú được ghi theo giấy chứng minh nhân dân do cơ quan có thẩm quyền cấp; địa chỉ hiện tại là nơi làm đơn đang sinh sống và làm việ không phụ thuộc vào hộ khẩu thường trú; ghi rõ số điện thoại thường xuyên liên lạc.
Người làm đơn cần viết rõ ràng nguyện vọng của mình, và nguyện vọng đó phải có khả năng đáp ứng được, chứ không phải những nguyện vọng thiếu tính thực tế.
Quan trọng là người viết đơn phải trung thực, chân thành và trình bày rõ ràng, mạch lạc, không tẩy xóa về hình thức….
Người viết đơn ký và ghi rõ họ tên ở cuối đơn.
4. Quyền của người lao động trong việc đề xuất nguyện vọng với doanh nghiệp:
Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
Quyền của người lao động:
– Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
– Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
– Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Đình công;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Một trong các nguyện vọng mà cá nhân người lao động thường đề xuất với doanh nghiệp là tăng lương, giảm giờ làm, tăng tiền thưởng, nới lỏng quản lý, không xử lý kỷ luật, xin thôi việc trước thời hạn,…
Một trong những cách thức quan trọng để đáp ứng được hiệu quả nguyện vọng của người lao động là đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thế:
– Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
– Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
+ Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;
+ Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
+ Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
– Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Nội dung đối thoại tại nơi làm việc
– Nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 của Bộ luật này.
– Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại:
+ Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
+ Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể,
+ Điều kiện làm việc;
+ Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động;
+ Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động;
+ Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.
Các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:
– Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
– Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;
– Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
– Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;
– Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;
– Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;
– Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.