Để đảm bảo cho hoạt động quản lý trong quá trình nuôi trồng và khai thác thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, pháp luật thủy sản Việt Nam yêu cầu cá nhân, tổ chức phải thực hiện xác nhận nguồn gốc loài thủy sản.
Mục lục bài viết
1. Đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là gì?
Loài thủy sản được nhắc đến trong đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc là loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng) thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.
Nguồn gốc loại thủy sản chỉ có hai trường hợp là khai thác từ tự nhiên ( là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.) và nguồn gốc từ nuôi trồng (là hoạt động chọn lọc và phát triển giống thành các thủy sản tại các mặt nước, trên cơ sở chăm sóc cá nhân và sử dụng cơ sở vật chất).
Đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là văn bản do cá nhân, tổ chức gửi tới cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nhằm đề nghị cơ quan này cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng thủy sản/khai thác từ tự nhiên.
Đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản phải đảm bảo được các nội dung về thông tin của tổ chức, cá nhân đề nghị; các thông tin trong trường hợp xác nhận nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản và đối với trường hợp xác nhận nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.
Đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản là giấy tờ bắt buộc đầu tiên trong hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản được pháp luật ghi nhận. Đây là văn bản trình bày các thông tin cơ bản để cơ quan có thẩm quyền nắm bắt, trên cơ sở đó đánh giá, xem xét cùng tài liệu khác để đưa đến quyết định có cấp giấy xác nhận hay không. Đơn đề nghị cũng thể hiện tính tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức, là cách thức để nhà nước quản lý được hoạt động của các chủ thể liên quan đến thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và thực hiện các biện pháp áp dụng thích hợp đối với các đối tượng này.
Thẩm quyền xác nhận nguồn gốc loài thủy sản: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh.
Trình tự, thủ tục thực hiện việc xác nhận nguồn gốc thủy sản được thực hiện theo quy định tại Điều 39, Điều 40 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cụ thể:
– Đối với xác nhận nguồn gốc loài thủy sản từ nuôi trồng: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra thực tế tại cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản (nếu cần) và cấp Giấy xác nhận nguồn gốc;trường hợp không cấp Giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
– Đối với xác nhận nguồn gốc loài thủy sản khai thác từ tự nhiên: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận nguồn gốc, trường hợp không cấp giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Như vậy, trình tự, thủ tục của cả hai trường hợp đều khá đơn giản, trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ của hoạt động xác nhận nguồn gốc từ nuôi trồng lâu hơn so với xác nhận nguồn gốc loài thủy sản khai thác từ tự nhiên, bởi quá trìn đánh giá và kiểm tra thực tế tại cơ sở nuôi mất nhiều thời gian và phải thực hiện nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo được việc cấp giấy xác nhận là có căn cứ, phù hợp và chính xác.
2. Mẫu đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản (32.NT):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…, ngày …….tháng…… năm……
ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN NGUỒN GỐC
Loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng thủy sản/khai thác từ tự nhiên
Kính gửi: (Tên cơ quan xác nhận).
1. Tên tổ chức/cá nhân đề nghị: …..
Đại diện (nếu là tổ chức):….
2. Địa chỉ thường trú/trụ sở công ty (nếu là tổ chức):…..
3. Điện thoại …Fax ….; Email ….
4. Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập (nếu có):…
5. Mã số trại nuôi sinh trưởng, sinh sản, trồng cấy nhân tạo (nếu có):….
6. Địa điểm kiểm tra xác nhận nguồn gốc:…
Đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng thủy sản/khai thác từ tự nhiên, cụ thể:
7. Áp dụng đối với trường hợp xác nhận nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản:
Tên, mã số trại nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo | Tên loài nuôi (tên thông thường) | Tên khoa học | Thời gian nuôi | Kích thước trung bình | Số lượng/khối lượng của loài được xác nhận | Ký hiệu đánh dấu theo cá thể (nếu có) |
8. Áp dụng đối với trường hợp xác nhận nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
Số văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm số:…. ngày … tháng … năm do Tổng cục Thủy sản cấp.
Tên loài được phép khai thác (tên thông thường) | Tên khoa học | Tên tàu/số đăng ký, (Nghề khai thác)1 (Nếu sử dụng tàu cá) | Vùng2/ khu vực khai thác | Ngày khai thác | Số lượng hoặc khối lượng của loài được xác nhận nguồn gốc (con hoặc kg) | Tổng số lượng hoặc khối lượng được phép khai thác (con hoặc kg) | Số lượng hoặc khối lượng lũy kế tại thời điểm xác nhận (con hoặc kg)3 | Ghi chú |
Thông tin khác: (nếu có)……
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu nếu có)
Hồ sơ gửi kèm: (4)
3. Hướng dẫn mẫu đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản:
(1) Nghề khai thác theo mã đã được quy định.
(2) Vùng khai thác theo mã đã được quy định.
(3) Tổng số cá thể hoặc khối lượng loài đã được xác nhận nguồn gốc.
(4) Đối với trường hợp xác nhận loài thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng:
– Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khai thác từ tự nhiên đối với trường hợp sử dụng cá thể có nguồn gốc từ tự nhiên để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
– Tài liệu chứng minh cá thể có nguồn gốc từ sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật trong trường hợp sử dụng cá thể có nguồn gốc từ sau xử lý tịch thu để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
– Tài liệu nhập khẩu mẫu vật đối với trường hợp sử dụng mẫu vật có nguồn gốc từ nhập khẩu để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
– Sổ theo dõi quá trình nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Các loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Đối với trường hợp xác nhận nguồn gốc loài thủy sản khai thác từ thiên nhiên:
– Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với trường hợp có sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản;
– Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
– Hợp đồng thuê tàu cá đối với trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sử dụng tàu cá để khai thác nhưng không phải là chủ tàu.
Mặc dù quy định về việc xác nhận nguồn gốc loài thủy sản được ghi nhận tại hai điều luật khác nhau, nhưng mẫu đơn lại được sử dụng như nhau, vì vậy đối với trường hợp nào thì điền nội dung liên quan trong trường hợp cụ thể, nếu không liên quan thì bỏ qua.
Cơ sở pháp lý:
Luật Thủy sản năm 2017
Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản.