Hiện nay, hoạt động xuất nhậu khẩu diễn ra hết sức phổ biến, pháp luật quy định một số trường hợp hàng hóa quá cảnh cần phải xin phép. Vậy mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về giấy phép quá cảnh hàng hóa:
Hàng quá cảnh là những loại hàng được vận chuyển hàng hóa từ nước này hay nước khác nhưng phải đi qua lãnh thổ của một nước thứ 3 trong thời gian quy định. Lúc này hàng hóa đi qua lãnh thổ của nước thứ ba được gọi là hàng hóa quá cảnh.
Căn cứ Điều 40 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BCT quy định chi tiết thi hành
– Các loại hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thủ tục quá cảnh được giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu. Trừ hàng hóa là các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, hàng hóa có độ nguy hiểm cao và hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì phải xin giấy phép quá cảnh, cụ thể:
+ Đối với hàng hóa là vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và hàng hóa có độ nguy hiểm cao chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
+ Đối với hàng hóa có độ nguy hiểm cao quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng nguy hiểm và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Nếu các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không có quy định khác thì đối với hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Bộ Công Thương cho phép.
– Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong suốt thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai, nguyên kiện. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng hóa quá cảnh theo quy định hiện hành của Việt Nam.
– Hàng hóa quá cảnh không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cần thiết tiêu thụ tại Việt Nam phải xin phép Bộ Công Thương.
2. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa:
TÊN CHỦ HÀNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: … | …, ngày … tháng … năm 20… |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa
Kính gửi: Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu)
I. Tên chủ hàng: ……………
– Địa chỉ: … Số điện thoại: … Số fax: …
Đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa theo các nội dung sau đây:
1. Hàng hóa quá cảnh:
STT | Tên hàng | Đơn vị tính | Số lượng | Trị giá | Bao bì và ký mã hiệu | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
2. Cửa khẩu nhập hàng: …………
3. Cửa khẩu xuất hàng: …………
4. Tuyến đường vận chuyển: …………
5. Phương tiện vận chuyển: ………
6. Thời gian dự kiến quá cảnh: ………
II. Người chuyên chở: (Nếu chủ hàng tự vận chuyển thì ghi “tự vận chuyển”. Nếu ký hợp đồng vận chuyển với doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước thứ 3 thì ghi rõ tên, địa chỉ, điện thoại và số fax, e-mail của doanh nghiệp vận chuyển).
III. Địa chỉ nhận giấy phép (của chủ hàng):
| Người đại diện theo pháp luật của chủ hàng |
3. Quy trình, thủ tục cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa:
Căn cứ Điều 8 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BCT 2023 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương quy định thủ tục cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa như sau:
– Cơ quan cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa: Bộ Công Thương, địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
– Đối với hàng hóa quá cảnh của các nước có chung đường biên giới, có ký kết Hiệp định quá cảnh hàng hóa với Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó và hướng dẫn của Bộ Công Thương.
* Căn cứ khoản 1 Điều 36 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì thủ tục cấp giấy phép đối với trường hợp quá cảnh hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được quy định như sau:
– Hồ sơ bao gồm:
+ 1 bản chính văn bản đề nghị quá cảnh hàng hóa theo mẫu quy định có đầy đủ các thông tin như: mặt hàng; phương tiện vận chuyển; tuyến đường vận chuyển.
+ 1 bản chính hợp đồng vận tải.
+ 1 bản chính Công thư đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị cho hàng hóa quá cảnh gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương.
– Có thể nộp hồ sơ tại Bộ Công thương bằng các hình thức như: nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu chủ hàng hoàn thiện hồ sơ.
– Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định của chủ hàng, Bộ Công Thương có văn bản trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản trả lời.Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trả lời chủ hàng bằng văn bản.
* Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì thủ tục cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa đối với trường hợp quá cảnh hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh được quy định như sau:
– Thành phần hồ sơ: Các loại giấy tờ tương tự đối với trường hợp nêu trên gồm:
+ 1 bản chính văn bản đề nghị quá cảnh hàng hóa theo mẫu quy định có đầy đủ các thông tin như: mặt hàng; phương tiện vận chuyển; tuyến đường vận chuyển.
+ 1 bản chính hợp đồng vận tải.
+ 1 bản chính Công thư đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị cho hàng hóa quá cảnh gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương.
– Nộp hồ sơ tại Bộ Công thương theo hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.
– Thời hạn giải quyết:
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản gửi chủ hàng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ.
+ Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương cấp Giấy phép quá cảnh cho chủ hàng. Nếu không cấp Giấy phép quá cảnh, Bộ Công Thương có văn bản trả lời chủ hàng và nêu rõ lý do.
+ Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép, cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, chủ hàng gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấy phép.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BCT 2023 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương
– Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BCT năm 2017 do Bộ Công Thương ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương