Trong trường hợp, lô hàng trong danh sách bắt buộc kiểm dịch mà lại chưa có giấy tờ chứng minh thì hàng hóa này sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dừng lại khi làm thủ tục tại hải quan. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu ra đời để các cá nhân, tổ chức xin cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu là gì?
Với nhiều nước phát triển trên thế giới thì quy định đối với nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu rất khắt khe và cần đáp ứng rất nhiều điều kiện. Để nhà xuất khẩu có thể thâm nhập vào những thị trường đó, các cá nhân, tổ chức cần phải tuân thủ theo đúng điều kiện mà nước đó đặt ra. Một trong những thứ mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đó là bộ chứng từ xuất nhập khẩu. Và giấy kiểm dịch thực vật là một trong những chứng từ quan trọng nếu các doanh nghiệp dự định xuất các mặt hàng có nguồn gốc thực vật sang các thị trường khác cũng như khi muốn nhập khẩu hàng hoá từ nước khác về Việt Nam. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu có những vai trò quan trong đối với việc nhập khẩu hàng hoá và được sử dụng khá phổ biến.
Mẫu số 04/BVTV đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu là mẫu đơn được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo mẫu, các cá nhân hay tổ chức lập ra nhằm mục đích để đề nghị cơ quan có thẩm quyền về việc cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Mẫu nêu rõ thông tin tổ chức, cá nhân đưa ra đề nghị, thông tin lô hàng, phương tiện vận chuyển, phương thức đóng gói, nới sản xuất lô hàng,… Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu được ban hành theo Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT.
2. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Mẫu số 04/BVTV
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP
GIẤY PHÉP KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU
Số: ………..
Kính gửi: …………
Tổ chức, cá nhân: ………..
Địa chỉ: ……….. Điện thoại: ………
Đề nghị quý cơ quan cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu cho lô vật thể dưới đây của cơ quan chúng tôi:
Tên vật thể: ………
Tên khoa học: ……..
Trọng lượng: ……….
Số lượng: ……..
Phương thức đóng gói: ……..
Vùng sản xuất: ………
Nước xuất khẩu: ……….
Phương tiện vận chuyển: ………
Cửa khẩu nhập: ……….
Địa điểm sử dụng: ……….
Thời gian lô vật thể nhập khẩu: ………
Hồ sơ kèm theo: ………..
Vào sổ số: …….. ngày __/__/__
Cán bộ nhận đơn
(Ký tên)
…….., ngày … tháng … năm …
Đại diện cơ quan
(Ký tên)
3. Hướng dẫn viết mẫu đơn xin cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
– Phần mở đầu:
+ Mẫu số 04/BVTV.
+ Ghi đầy đủ nội dung bao gồm Quốc hiệu và tiêu ngữ.
+ Ghi rõ tên biên bản cụ thể là đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Thông tin cơ quan nơi tiếp nhận đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
+ Thông tin chủ thể làm đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
+ Đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
+ Thông tin lô hàng đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
+ Hồ sơ kèm theo.
– Phần cuối biên bản:
+ Thời gian và địa điểm lập đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
+ Ký và ghi rõ họ tên của cán bộ nhận đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
+ Ký và ghi rõ họ tên của đại diện cơ quan.
4. Một số quy định về kiểm dịch thực vật:
4.1. Kiểm dịch thực vật là gì?
Thực chất, hoạt động Kiểm dịch thực vật là công tác quản lý của Nhà nước nhằm mục đích để ngăn chặn những loài sâu, bệnh, cỏ dại nguy hiểm có sự lây lan giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài.
Với các loại hàng hoá nhập khẩu có liên quan hoặc có nguồn gốc thực vật thì hoạt động kiểm dịch có vai trò quan trọng để đảm bảo không cho mầm bệnh theo hàng hóa nhập khẩu đi vào nước ta. Còn đối với các loại hàng hoá được xuất khẩu là để chứng minh hàng đảm bảo điều kiện về kiểm dịch và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài.
Cần lưu ý rằng, các hoạt động kiểm dịch động thực vật đều thuộc loại Kiểm tra chất lượng Nhà nước bắt buộc với một số mặt hàng khi làm thủ tục hải quan.
Mục đích của hoạt động kiểm dịch thực vật là nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá để hàng hoá không mang các mần bệnh độc hại và nguy hiểm vào thị trường nước khác.
Trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm dịch, cần có giấy kiểm định thực vật. Đây là loại chứng từ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm để chứng minh hàng hoá đủ điều kiện nhập khẩu vào thị trường của nước nhập hàng theo quy định pháp luật.
Như vậy, ta nhận thấy, hoạt động kiểm dịch thực vật thực chất là công tác quản lý của Nhà nước, các cơ quan chức năng nhằm mục đích cơ bản là để ngăn chặn những loài sâu bệnh, vi sinh vật có hại, cỏ dại nguy hiểm. Các loài sâu bệnh, vi sinh vật có hại, cỏ dại nguy hiểm có thể gây ra nguy cơ lây lan, nhiễm bệnh giữa các vùng trong nước hoặc giữa nội địa và nước ngoài. Để có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, các chủ thể cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu và đảm bảo thực hiện các trình tự, thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
4.2. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Hồ sơ đăng ký bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu cụ thể sau:
– Thứ nhất: Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật theo mẫu được ban hành.
– Thứ hai: Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Trong trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
– Thứ ba: Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định phải có Giấy phép).
Trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm các bước sau đây:
– Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật:
Chủ vật thể nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc qua bưu chính hoặc qua Cơ chế một cửa Quốc gia.
– Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
– Bước 3: Kiểm tra vật thể:
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
+ Kiểm tra sơ bộ.
Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.
+ Kiểm tra chi tiết.
Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định của pháp luật hiện hành; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại; phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.
– Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
+ Cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa trong vòng hai mươi tư giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
Trong trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải
+ Đối với trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Trong trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển có chiều cao khoang chứa hàng từ 3 m trở lên và cần phải chia thành nhiều lớp để kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, cơ quan kiểm dịch sẽ dựa vào kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã kiểm tra theo mẫu quy định sẵn.
Sau khi đã nhận được Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng được phép vận chuyển về kho bảo quản và chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Dựa vào kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể đó theo đúng các quy định của pháp luật.