Trong trường hợp có những thay đổi về hoạt động dạy nghề phải soạn đơn đăng ký bổ sung gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phê duyệt. Đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề là gì?
Mục lục bài viết
1. Đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề là gì?
Đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề là mẫu đơn được soạn thảo bới cơ sở dạy nghề gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích bổ sung hoạt động dạy nghề. Nội dung đơn nêu rõ thông tin của cơ sở dạy nghề, hoạt động giáo dục nghề nghiệp bổ sung,…
Điều 18 Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định về các trường hợp đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể bao gồm chín trường hợp sau:
– Tăng quy mô tuyển sinh của từng ngành, nghề đào tạo vượt từ 10% trở lên so với quy mô tuyển sinh/năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Bổ sung ngành, nghề đào tạo (mở ngành, nghề đào tạo mới).
– Bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề.
– Chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có liên quan đến nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo đến nơi khác, mà trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo là nơi trực tiếp tổ chức đào tạo.
– Thành lập phân hiệu mới có tổ chức hoạt động đào tạo.
– Mở thêm địa điểm đào tạo mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động đào tạo ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu.
– Đổi tên cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy khi có những thay đổi thuộc một trong những trường hợp trên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải soạn thảo đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Mẫu đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề mới nhất:
TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ SỞ ĐĂNG KÝ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-
……., ngày ……. tháng ……. năm 20…..
ĐƠN ĐĂNG KÝ BỔ SUNG HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ
Kính gửi: ……..
1. Tên cơ sở đăng ký: ……
Tên giao dịch quốc tế: ……
2. Địa chỉ trụ sở chính: ……
Điện thoại: …. Fax: ….. Email: …….
3. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số: … ngày …… tháng … năm …..
4. Nội dung đăng ký bổ sung:
– Tên nghề, trình độ đào tạo, quy mô tuyển sinh:
Số TT | Tên nghề | Mã nghề | Trình độ đào tạo | Quy mô tuyển sinh | ||
Năm | Năm | Năm | ||||
1 | ||||||
5. Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng những quy định về dạy nghề và các quy định có liên quan của pháp luật./.
HIỆU TRƯỞNG/GIÁM ĐỐC/NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề chi tiết nhất:
Tên cơ sở đăng ký: Ghi rõ tên cơ sở đăng ký, tên viết tắt/tên giao dịch quốc tê (nếu có)
Địa chỉ trụ sở chính: Ghi theo địa chỉ trụ chính hiện tại ( ghi rõ tên đường, khu phố, phường/xã/thị trấn, Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương)
Điện thoại: …. Fax: ….. Email: …
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số: Ghi theo giấy chứng nhận ĐKKD được cấp
Nội dung đăng ký bổ sung: Ghi rõ nội dung đăng ký bổ sung của hoạt động dạy nghề theo các mục: STT, tên nghề, mã nghề, trình độ dào tạo, quy mô tuyển sinh,…
Lời cam đoan
Hiệu trưởng/giám đốc/người đứng đầu : Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ và tên
4. Thủ tục đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề bao gồm:
– Đơn đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 143/2016/NĐ-CP.
– Báo cáo các điều kiện bảo đảm đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo các giấy tờ chứng minh.
– Bản sao quyết định đổi tên cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (đối với trường hợp đã đổi tên cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp)
Văn bản đề nghị thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Đối với trường hợp thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hồ sơ đăng ký bổ sung )
Bước 2: Nộp hồ sơ
Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP có quy định thẩm quyền đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cụ thể:
Tổng cục Dạy nghề: cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Căn cứ vào thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề, cơ sở dạy nghề lựa chọn cơ quan gửi đơn yêu càu phù hợp.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Thủ tục đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với từng trường hợp đăng ký bổ sung thì sẽ khác nhau, cụ thể:
TH1: Trường hợp tăng quy mô tuyển sinh của từng ngành, nghề đào tạo vượt từ 10% trở lên so với quy mô tuyển sinh/năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; bổ sung ngành, nghề đào tạo (mở ngành, nghề đào tạo mới); bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề; chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có liên quan đến nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học
+ Gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Tổng cục Dạy nghề;
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp t; trường hợp không cấp giấy chứng nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Dạy nghề gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp để thực hiện quản lý theo địa bàn.
– Đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp:
+ Gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của cơ sở.
+ Trường hợp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại phân hiệu, địa điểm đào tạo khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính thì gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt phân hiệu, địa điểm đào tạo khác của cơ sở;
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.
+ Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chuyển đến nơi khác trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: thủ tục đăng ký bổ sung theo Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP.
+ Trường hợp trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học chuyển đến nơi khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở: hồ sơ đăng ký bổ sung theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP.
+ Trường hợp trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và doanh nghiệp chuyển đến nơi khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở: thủ tục đăng ký bổ sung theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP và gửi văn bản
TH2: Trường hợp đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định, cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
Trường hợp không cấp giấy chứng nhận thì trong thời hạn 02 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
TH3: Trường hợp thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP.
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định, quyết định việc thôi tuyển sinh hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
Trường hợp không quyết định hoặc không cấp giấy chứng nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 143/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
– Nghị định 15/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
– Nghị định 140/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.