Nghiệm thu kết cấu thép là một trong những khâu vô cùng quan trọng đối với mỗi công trình xây dựng. Khi tiến hành nghiệm thu kết cấu thép thì cần lập thành biên bản nghiệm thu kết cấu thép. Vậy mẫu biên bản nghiệm thu kết cấu thép bao gồm những nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Mẫu biên bản nghiệm thu kết cấu thép là gì?
Mẫu biên bản nghiệm thu kết cấu thép là mẫu biên bản được lập khi tiến hành nghiệm thu kết cấu thép. Mẫu biên bản nêu rõ các thông tin về thiết bị/ cụm thiết bị được nghiệm thu, thành phần nghiệm thu(người giám sát thi công xây dựng kết cấu thép của Chủ đầu tư hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình của Tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu, người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của Nhà thầu thi công xây dựng công trình), đánh giá công việc xây dựng đã thực hiện, kết luận…
Mẫu biên bản nghiệm thu kết cấu thép là mẫu biên bản được dùng để ghi chép lại toàn bộ quá trình nghiệm thu kết cấu thép. Mẫu biên bản nghiệm thu kết cấu thép là cơ sở để bên nghiệm thu xem xét, đánh giá về chất lượng kết cấu thép trước khi được đưa vào sử dụng.
2. Mẫu biên bản nghiệm thu kết cấu thép:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———–o0o———-
Hà Nội, ngày….tháng….năm….
BIÊN BẢN NGHIỆM THU KẾT CẤU THÉP
Số ………..
CÔNG TRÌNH ………(Tên công trình: nhà ở, biệt thự, chung cư, …..) (1)
1.Thiết bị/Cụm Thiết bị được nghiệm thu:
- Kết cấu thép tại……. (nêu rõ địa chỉ đặt hệ thống kết cấu thép) (2)
2.Thành phần trực tiếp nghiệm thu:
a) Người giám sát thi công xây dựng kết cấu thép của Chủ đầu tư hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình của Tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu;
b) Người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của Nhà thầu thi công xây dựng công trình.
3.Thời gian nghiệm thu : (3)
Bắt đầu : ………. ngày………. tháng……… năm……….
Kết thúc : ……….. ngày………. tháng……… năm……….
Tại: …………………
4.Đánh giá công việc xây dựng đã thực hiện: (4)
a) Tài liệu làm căn cứ nghiệm thu
– Quyết định các giai đoạn thi công công trình
– Đơn xác nhận đã hoàn thành hệ thống kết cấu thép của người phụ trách công trình kết cấu thép đó.
– Đơn xin nghiệm thu công trình của Chủ nhà thầu
b) Về chất lượng lắp đặt thiết bị
– Yêu cầu về sử dụng:
+ Thỏa mãn về mặt hình học: chiều cao nâng, tầm với, khẩu độ, chiều dài công son, các yêu cầu về hệ cân bằng…
+ Không ảnh hưởng, cản trở, làm hư hại các công trình khác
+ Chịu lực: độ bền, độ cứng vững, độ bền lâu, độ ổn định
+ Tính thẩm mỹ: đẹp mắt, thanh thoát, hài hòa…
– Yêu cầu về kinh tế: tiết kiệm vật liệu, công nghệ….
c) Các ý kiến khác nếu có.
d) Ý kiến của người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư về công tác nghiệm thu công việc xây dựng của tổng thầu đối với nhà thầu phụ.
5. Kết luận: (5)
Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu, đồng ý cho triển khai các công việc xây dựng tiếp theo.
Yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện công việc xây dựng đã thực hiện và các yêu cầu khác nếu có.
GIÁM SÁT THI CÔNG XÂY DỰNG
(của chủ đầu tư hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình của tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu).
(Ghi rõ họ tên, chức vụ)
KỸ THUẬT THI CÔNG TRỰC TIẾP
(của Nhà thầu thi công xây dựng công trình)
(Ghi rõ họ tên, chức vụ)
3. Hướng dẫn soạn thảo:
(1): Điền tên công trình
(2): Điền địa chỉ đặt hệ thống kết cấu thép
(3): Điền thời gian nghiệm thu
(4): Điền đánh gía công việc xây dựng đã thực hiện
(5): Điền kết luận
4. Quy định tiêu chuẩn quốc gia về kết cấu thép:
Cơ sở pháp lý: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10307:2014
4.1. Quy định Chung về kết cấu thép và quá trình sản xuất:
– Khi chế tạo kết cấu cầu thép, nhà chế tạo cần lập quy trình công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện máy móc thiết bị cụ thể, trình độ tay nghề công nhân của đơn vị mình, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật của thiết kế và các quy định của tiêu chuẩn này.
– Khi gia công, lắp ráp nên dùng phương pháp cơ giới hóa ở mức độ tối đa, phương pháp tổ hợp khối lớn, phù hợp với biện pháp thi công và quy trình công nghệ.
– Vật liệu thép cacbon thường và các bộ phận phụ dùng cho gia công và lắp ráp phải có chất lượng và số hiệu phù hợp với yêu cầu thiết kế.
– Trong quá trình chế tạo, việc kiểm tra chất lượng gia công để nghiệm thu theo từng công đoạn (kiểm tra nghiệm thu chi tiết; kiểm tra nghiệm thu lắp ráp thử v.v…) phải thực hiện theo đúng quy định của tiêu chuẩn này, quy trình công nghệ đã được phê duyệt và các yêu cầu của bản vẽ thiết kế; kết quả kiểm tra phải ghi vào nhật ký công trình.
– Khi xuất xưởng, nhà sản xuất phải cung cấp cho đơn vị lắp ráp toàn bộ các sản phẩm của kết cấu cầu thép kèm theo các tài liệu sau:
+ Sơ đồ, trình tự lắp ráp các bộ phận kết cấu;
+ Các văn bản, bản vẽ kỹ thuật thay đổi kết cấu (nếu có); các văn bản, biên bản kiểm tra kỹ thuật tại nhà máy;
– Đối với các kết cấu cụ thể, ngoài các quy định chung của tiêu chuẩn này, còn phải tuân theo các quy định riêng ghi trong bản vẽ kết cấu đó.
– Việc tổ chức, bố trí lao động tại công xưởng gia công phải hợp lý, khoa học, tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động cho công nhân, máy móc thiết bị và đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất.
4.2. Quy định về yêu cầu của vật liệu Thép:
– Tất cả thép trước khi gia công phải được kiểm tra đạt các chỉ tiêu kỹ thuật theo yêu cầu của thiết kế.
– Thép phải được phân loại theo nhãn mác, được đánh dấu và sắp xếp theo tiết diện để tránh sự nhầm lẫn các loại thép. Các loại thép khác nhau phải dùng sơn màu khác nhau để đánh dấu.
– Thép phải được nắn thẳng, làm sạch gỉ dầu mỡ và các tạp chất khác trước khi sử dụng. Bán kính cong và độ võng cho phép khi tiến hành uốn nắn nguội thép phải tuân theo qui định của Bảng 1.
– Thép bản dùng để gia công không được có vết lõm sâu quá 0,1 mm.
– Thép phải được xếp thành lô chắc chắn trong nhà có mái che. Trường hợp phải để ngoài trời thép cần được sơn phủ bảo vệ, khi xếp phải kê lót và xếp nghiêng sao cho dễ thoát nước.
– Khi vận chuyển thép, phải có bộ giá để thép không bị biến dạng.
– Que hàn, dây hàn, thuốc hàn phải xếp theo lô, theo số hiệu và phải để ở nơi khô ráo. Riêng thuốc hàn phải bảo quản trong thùng kín.
– Trước khi sử dụng, phải kiểm tra chất lượng que hàn, dây hàn và thuốc hàn tương ứng với qui định trong các tiêu chuẩn hoặc điều kiện kỹ thuật hiện hành.
– Que hàn, dây hàn và thuốc hàn phải sấy khô theo chế độ thích hợp cho từng loại. Lượng que hàn và thuốc hàn đã sấy khô lấy ở tủ sấy ra được dùng trong một ca sản xuất (nếu hàn lên thép cacbon thấp) hoặc chỉ đủ trong hai giờ (nếu hàn lên thép hợp kim thấp).
– Việc lựa chọn que hàn, dây hàn và thuốc hàn thích hợp phải xét tới cường độ của các bộ phận cần hàn và tính chịu hàn của các bộ phận đó. Que hàn bị tróc vỏ hoặc bị bẩn và những que hàn bị hỏng thì không được sử dụng.
– Vật liệu sơn bảo vệ kết cấu cầu thép phải tuân thủ theo các quy định trong TCVN 8789:2011.
4.3. Quy định về Gia công kết cấu thép:
– Đo lường kết cấu thép
Việc đo lường kết cấu thép phải dùng thước cuộn hoặc thước lá kim loại có độ chính xác cấp 2 theo các tiêu chuẩn liên quan về dụng cụ đo độ dài và đo góc và phải đảm bảo các quy định trong TCVN 4111:1985 Dụng cụ đo độ dài và đo góc – ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản. Nếu gia công chi tiết ở nhiều phân xưởng khác nhau, phải có thước chuẩn để làm mẫu đối chứng.
– Nắn và uốn phẳng thép
– Việc nắn và uốn phẳng thép cần tránh tạo vết xước, vết lõm và các khuyết tật khác trên bề mặt. Trước khi uốn phẳng, các bản thép cần được bào nhẵn mép, rìa xờm.
– Thanh bản thép bị cong vênh với bán kính cong (r) và độ võng (f) không vượt quá phạm vi quy định của Bảng 1, cho phép tiến hành nắn và uốn thép theo phương pháp nguội.
– Thanh bản thép bị cong vênh được nắn và uốn theo phương pháp nóng ở nhiệt độ từ 750°C đến 850°C đối với thép cacbon thấp và từ 850°C đến 950°C đối với thép hợp kim thấp. Khi nhiệt độ hạ xuống dưới 700°C phải ngừng nắn uốn thép. Sau khi gia nhiệt, thép phải được nguội dần sao cho chi tiết không bị tôi, cong vênh hoặc rạn nứt. Tuyệt đối không dùng hàn đắp hồ quang để gia nhiệt khi nắn và uốn thép.