Việc đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công phải trải qua quá trình nghiệm thu và quá trình này phải được lập thành biên bản. Bài viết hướng dẫn bạn soạn thảo biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là gì?
- 2 2. Mẫu biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công:
- 4 4. Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
1. Biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là gì?
Dịch vụ sự nghiệp công là dịch vụ sự nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Nghiệm thu là quy trình thẩm định, thu nhận, kiểm tra dự án và chuẩn bị đi vào hoạt động, giúp doanh nghiệp kiểm tra chất lượng sản phẩm, dự án, dịch vụ trước khi áp dụng cho khách hàng.
2. Mẫu biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-
…, ngày…. tháng…. năm….
BIÊN BẢN NGHIỆM THU ĐẶT HÀNG
Về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
Căn cứ Nghị định số / /NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Căn cứ Nghị định/Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…
Căn cứ Quyết định số… của bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập…
Căn cứ Biên bản nghiệm thu, bàn giao sản phẩm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước…
Căn cứ ……
Hôm nay, ngày …. tháng… năm… chúng tôi gồm có:
– Đại diện cơ quan, tổ chức đặt hàng:
+ Ông/bà……, chức vụ …
+ Ông/bà……., chức vụ ……
+ ……
– Đại diện đơn vị sự nghiệp công lập nhận đặt hàng…
+ Ông/bà……, chức vụ ……
+ Ông/bà……, chức vụ ……
+ …
Hai bên thống nhất nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước như sau:
1. Tên danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước …
a) Số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công đặt hàng.
b) Số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công được nghiệm thu.
c) Chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
d) Đơn giá, giá đặt hàng tại quyết định đặt hàng.
đ) Đơn giá, giá điều chỉnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có).
e) Dự toán kinh phí đặt hàng theo quyết định đặt hàng.
g) Quyết toán kinh phí đặt hàng (chi tiết theo số lượng, khối lượng thực hiện từng thời điểm và theo đơn giá, giá đặt hàng hoặc đơn giá, giá điều chỉnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
h) Kinh phí còn được cấp tiếp hoặc thừa nộp trả lại ngân sách.
i) Nội dung khác (nếu có).
* Ý kiến của cơ quan, tổ chức đặt hàng.
* Ý kiến của đơn vị sự nghiệp công lập nhận đặt hàng.
2. Tên danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước… (nội dung nghiệm thu như điểm 1 nêu trên).
ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐẶT HÀNG
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên
3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công:
Biên bản nghiệm thu đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là biên bản hành chính vì thế các cá nhân khi viết phải trình bày khoa học, rõ ràng, có nội dung quốc hiệu và tiêu ngữ đầy đủ.
Đại diện cơ quan, tổ chức đặt hàng và đại diện đơn vị sự nghiệp công lập nhận đặt hàng phải viết đầy đủ tên và chức vụ của mình trong biên bản.
4. Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
– Điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
Một là, Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
Thứ nhất, Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
Thứ hai, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng;
Thứ ba, Điều kiện đặt hàng khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có).
Hai là, Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác, theo danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
Thứ nhất, Nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác đã có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công được đặt hàng; có đủ năng lực về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và đội ngũ người lao động đáp ứng được các yêu cầu đặt hàng. Ngoài ra, đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác được đặt hàng trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động phải đáp ứng thêm điều kiện phải là nhà cung cấp dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
Thứ hai, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có tính đặc thù do liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện;
Thứ ba, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng;
Ba là, Điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước có tính đặc thù (nếu có) quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, Trường hợp đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước khác đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành (nếu có).
Năm là, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này thực hiện phương thức đặt hàng, nhưng vẫn khuyến khích áp dụng hình thức đấu thầu.
– Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
Về hình thức đặt hàng
a) Đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo hình thức: Quyết định của cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này);
b) Đặt hàng cho nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thực hiện theo hình thức: Hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này).
Về danh mục dịch vụ sự nghiệp công đặt hàng theo danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Về nội dung đặt hàng
Một là, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công đặt hàng;
Hai là, Chất lượng dịch vụ sự nghiệp công (theo tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành);
Ba là, Thời gian triển khai và thời gian hoàn thành;
Bốn là, Đơn giá, giá đặt hàng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giá và các pháp luật khác có liên quan;
Năm là, Dự toán kinh phí đặt hàng (trường hợp đặt hàng đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện) hoặc giá trị hợp đồng (trường hợp ký hợp đồng đặt hàng cho nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác), trong đó chi tiết theo các nguồn sau:
– Nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng (theo giá tính đủ chi phí) hoặc kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp giá chưa tính đủ chi phí).
– Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí.
– Nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá.
– Nguồn khác (nếu có).
Sáu là, Phương thức thanh toán, quyết toán;
Bảy là, Phương thức nghiệm thu, bàn giao sản phẩm;
Tám là, Quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
Chín là, Quyền và nghĩa vụ của cơ quan đặt hàng;
Mười là, Ngoài ra, các bên có thể bổ sung một số nội dung khác nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Ngoài các nội dung đặt hàng quy định tại khoản 3 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương có thể bổ sung một số nội dung khác về đặt hàng để phù hợp với yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc theo nội dung đặt hàng theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).