Khi thực hiện quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cần lập biên bản. Bài viết hướng dẫn soạn thảo mẫu biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp và cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp là gì?
- 2 2. Mẫu biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp:
- 4 4. Nội dung phân định ranh giới rừng:
- 5 5. Hồ sơ phân định ranh giới rừng:
1. Biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp là gì?
– Đất rừng là loại đất nông nghiệp, gồm ba loại đó là:
+ Đất rừng sản xuất là loại đất được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất kinh doanh gỗ, lâm sản và đặc sản rừng, động vật rừng có kết hợp với việc bảo vệ môi trường hệ sinh thái và phòng hộ.
+ Đất rừng phòng hộ là loại đất phục vụ cho mục đích bảo vệ nguồn sinh thái đất, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, giảm trừ phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu.
+ Đất rừng đặc dụng là loại đất phục vụ chủ yếu cho mục đích bảo tồn thiên nhiên hoang dã, tạo ra hệ sinh thái rừng quốc gia, lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật, phục vụ nghiên cứu khoa học, di tích, danh lam, thắng cảnh, nghỉ dưỡng sinh thái…
– Rừng được phân định ranh giới cụ thể trên thực địa, trên bản đồ và lập hồ sơ quản lý rừng. Hệ thống phân định ranh giới rừng thống nhất trên phạm vi cả nước theo tiểu khu, khoảnh, lô rừng.
Mẫu biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp là văn bản được lập ra để ghi chép về việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp, trong đó nêu rõ thời gian và địa điểm lập biên bản, thông tin hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp…
Mẫu biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp được sử dụng để làm căn cứ giải quyết tranh chấp rừng sau này cũng như là cơ sở để Nhà nước thực hiện công tác quản lý đất đai nói chung.
2. Mẫu biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp:
Mẫu biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp được ban hành kèm Thông tư 31/2018/TT-BNNPTNT quy định về phân định ranh giới rừng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
(Địa danh), ngày… tháng… năm…
BIÊN BẢN KIỂM TRA HIỆN TRẠNG KHU VỰC RANH GIỚI RỪNG CÓ TRANH CHẤP
Chúng tôi gồm:
1. Ông (bà): đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn …..
2. Ông (bà): đại diện chủ rừng …….
3. Ông (bà): đại diện chủ rừng liền kề có tranh chấp ……
4. Ông (bà): đại diện kiểm lâm địa bàn: ……..
Sau khi đã cùng nhau kiểm tra trên bản đồ, hồ sơ và khu vực thực địa trên đường ranh giới có tranh chấp, cụ thể như sau:
– Khu vực ranh giới tranh chấp: thuộc tiểu khu……khoảnh……lô……. của chủ rừng:……..; thuộc Tiểu khu…….khoảnh….lô……….của chủ rừng liền kề có tranh chấp.
– Diện tích tranh chấp:…….(ha), chiều dài ranh giới tranh chấp………(m)
– Hiện trạng rừng khu vực tranh chấp …….
– Nguyên nhân tranh chấp: ……..
– Hồ sơ kèm theo: ……..
Đề xuất, kiến nghị: ………
Biên bản này làm tại:…….
Chúng tôi thống nhất cùng ký tên./.
ĐẠI DIỆN SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ký tên, đóng dấu)
ĐẠI DIỆN CHỦ RỪNG
(Ký tên, đóng dấu)
ĐẠI DIỆN CHỦ RỪNG LIỀN KỀ
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo biên bản kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp:
– Người lập biên bản ghi đầy đủ họ và tên các thành phần tiến hành kiểm tra hiện trạng khu vực ranh giới rừng có tranh chấp.
– Người lập biên bản cần ghi cụ thể và rõ ràng về khu vực ranh giới rừng có tranh chấp như khu vực này thuộc tiểu khu, khoảnh, lô nào và của chủ rừng nào? Diện tích khu vực này là bao nhiêu?…
– Ghi rõ hiện trạng rừng khu vực tranh chấp (ví dụ: đất đang được làm nương rẫy, đất đang trồng cây lâu năm,…).
– Ghi rõ nguyên nhân tranh chấp giữa chủ rừng và chủ rừng liền kề (ví dụ: xác định ranh giới đất không đúng,…)
– Ghi đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của các bên tham gia
4. Nội dung phân định ranh giới rừng:
Nội dung phân định ranh giới rừng trên thực địa:
– Những khu rừng đã được phân định ranh giới trên thực địa, không thực hiện phân định lại ranh giới rừng.
– Trường hợp chưa thực hiện phân định ranh giới rừng trên thực địa hoặc có sự thay đổi về ranh giới rừng, tiến hành phân định ranh giới rừng theo trình tự sau:
a) Thu thập tài liệu và bản đồ
b) Mô tả đường phân định ranh giới rừng trên bản đồ phân định ranh giới rừng
+ Nội dung mô tả: các điểm đặc trưng, hướng, tọa độ, khoảng cách giữa các điểm đặc trưng và chiều dài đường ranh giới rừng.
+ Phương pháp mô tả
Trường hợp đường phân định ranh giới khu rừng đã có kết quả mô tả hoặc khu rừng liền kề đã mô tả thì sử dụng kết quả mô tả đó. Trường hợp đường phân định ranh giới khu rừng chưa được mô tả, thực hiện như sau: đường phân định ranh giới bắt đầu từ điểm đặc trưng đầu tiên tại điểm cực Bắc của khu rừng, mô tả theo chiều kim đồng hồ, bảo đảm tính liên tục, khép kín trên toàn bộ đường phân định ranh giới rừng. Trường hợp trên đường phân định ranh giới khu rừng không có điểm đặc trưng, sử dụng máy định vị (GPS) để xác định tọa độ và mô tả đường phân định ranh giới theo tọa độ đó.
+ Lập bản mô tả đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
+ Lập bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Thông tư này. Tọa độ các điểm đặc trưng đo 03 lần bằng GPS và lấy giá trị bình quân.
c) Xác định vị trí mốc, bảng trên thực địa theo sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng
+ Vị trí mốc: chỉ xác định vị trí mốc đối với ranh giới tiếp giáp giữa các chủ rừng lân cận tại các vị trí đổi hướng của đường ranh giới, nơi không có điểm đặc trưng, khó phân định ranh giới; không xác định mốc ở những nơi đường ranh giới có các điểm đặc trưng. Khoảng cách giữa các mốc không quá 2.000 m. Trường hợp những nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm hại, nơi ranh giới khó nhận biết do có quá ít các điểm đặc trưng như vùng đồi bát úp hoặc đất bằng ven biển, khoảng cách các mốc không quá 1.000 m. Số hiệu mốc đánh theo thứ tự từ mốc số 1 đến mốc cuối cùng trên đường ranh giới theo chiều kim đồng hồ.
+ Vị trí bảng: được xác định ở các vị trí có đường giao thông qua lại hoặc nơi gần các khu dân cư, nơi rừng có nguy cơ bị xâm hại cao.
d) Cắm mốc, bảng trên thực địa.
Những khu rừng đã cắm mốc, bảng phù hợp với quy định thì không thực hiện cắm lại. Trường hợp không phù hợp cần tiến hành cắm mốc, bảng như sau:
+ Mốc được cắm cố định xuống đất trên đường phân định ranh giới rừng bảo đảm bền vững, chắc chắn, phần nổi trên mặt đất cao 50 cm, mặt ghi số hiệu mốc và tên khu rừng quay ra phía ngoài.
+ Bảng được gắn vào cột hình vuông cao 300 cm, rộng 15 cm, dày 15 cm, được cắm cố định xuống đất, phần chôn sâu dưới mặt đất 100 cm đảm bảo vững chắc.
– Đơn vị thực hiện:
a) Đối với việc thu thập tài liệu và bản đồ; mô tả đường phân định ranh giới rừng trên bản đồ phân định ranh giới rừng; xác định vị trí mốc, bảng trên thực địa theo sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức thực hiện;
b) Đối với việc cắm mốc, bảng trên thực địa, chủ rừng thực hiện có sự chứng kiến của cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh đối với những địa phương không có cơ quan Kiểm lâm cấp huyện.
– Đối với những khu vực có tranh chấp mà không thỏa thuận được giữa các chủ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lập biên bản đối với từng trường hợp cụ thể theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư 31/2018/TT-BNNPTNT; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi khu vực có tranh chấp được giải quyết, thực hiện phân định ranh giới rừng như trên.
Nội dung phân định ranh giới rừng trên bản đồ:
– Phân định ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô và ranh giới chủ rừng trên bản đồ hiện trạng rừng.
– Thiết kế vị trí các mốc, bảng phân định ranh giới trên bản đồ hiện hạng rừng.
5. Hồ sơ phân định ranh giới rừng:
Hồ sơ phân định ranh giới rừng được quy định tại Điều 14 Thông tư 31/2018/TT-BNNPTNT bao gồm:
– Sơ đồ vị trí mốc, bảng trên bản đồ phân định ranh giới rừng quy định tại Điều 6 Thông tư này.
– Bản mô tả đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
– Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường phân định ranh giới rừng theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
– Bản tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
– Bảng tổng hợp vị trí tọa độ vị trí mốc, bảng theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Hồ sơ của chủ rừng là tổ chức được lập thành 04 bộ, quản lý tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ quan Kiểm lâm cấp huyện hoặc cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh trong trường hợp không có cơ quan kiểm lâm cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ rừng. Hồ sơ của các chủ rừng không phải là tổ chức thì do chủ rừng tự lập và quản lý.