Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân và cơ quan nhà nước. Vậy mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường của UBND xã được soạn thảo như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân xã:
ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
BÁO CÁO CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM….
Ủy ban nhân dân xã….
Địa chỉ liên hệ:……
Số điện thoại:…..Fax:…..Email:….
I. Giới thiệu chung.
Thông tin chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương cấp xã.
II. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
1. Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường:
a) Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường:
– Hiện trạng và biến động về diện tích đất (các loại đất);
– Hiện trạng và biến động về diện tích nước mặt;
– Hiện trạng và biến động về độ che phủ rừng; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn…(nếu địa phương có rừng);
– Hiện trạng và biến động về vườn chim, sân chim, vườn sinh thái, khu cảnh quan sinh thái, cây di sản;
– Tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt (sông, suối, ao, hồ, kênh, mương);
– Diện tích rừng bị chặt phá, cháy;
– Diện tích đất nông nghiệp, đất rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng;…
b) Các nguồn gây ô nhiễm môi trường (quy mô, tính chất và các tác động xấu đến môi trường).
c) Tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (quy mô, tính chất của chất thải).
d) Các vấn đề môi trường chính, quy mô, tính chất và các tác động xấu đến môi trường.
2. Tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
– Các hoạt động bảo vệ môi trường:
+ Phân loại rác tại hộ gia đình;
+ Thu gom rác thải;
+ Vệ sinh môi trường khu vực công cộng;
+ Cung cấp nước sạch;
+ Trồng cây xanh công cộng;
+ Bảo vệ vườn chim, sân chim, ao, hồ, cây di sản; …
– Các hoạt động bảo vệ môi trường khác trên địa bàn:…
3. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường:
– Tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường:
– Thành lập tổ đánh giá của từng thôn và các quy chế thưởng đối với thôn đạt được thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường
– Kiểm soát các nguồn ô nhiễm…
4. Đánh giá chung.
4.1. Đánh giá chung về kết quả đạt được:
– Công tác bảo vệ môi trường đã từng bước được chấn chỉnh, từ kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường theo kiến nghị phản ánh hoặc kiểm tra định kỳ;
– Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường được tăng cường, đã góp phần trong bảo vệ môi trường nói chung, từng bước hoàn thành các nội dung tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
4.2. Tồn tại, hạn chế:
– Công tác tuyên truyền, hướng dẫn có lúc, có nơi chưa kịp thời.
– Vẫn để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng không kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm ngay tại cơ sở.
4.3. Nguyên nhân.
– Cán bộ môi trường cấp xã hầu hết không có chuyên môn nghiệp vụ về môi trường, lại phụ trách nhiều lĩnh vực. Một số cán bộ trình độ năng lực không đáp ứng yêu cầu.
– Các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhiều nội dung chưa cụ thể hóa tại các nghị định, thông tư để địa phương áp dụng, thực hiện.
5. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường thời gian tới.
– Theo thẩm quyền của mình, ban hành các văn bản, chỉ đạo người dân địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về xây dựng tiêu chí môi trường trong nông thôn mới, đô thị văn minh;
– Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt chỉ đạo các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay tại cơ sở.
III. Đề xuất, kiến nghị.
Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 29 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
IV. Số liệu báo cáo về môi trường.
Lập bảng báo cáo số liệu về môi trường trong xã và đưa kèm vào bản báo cáo về môi trường của xã.
…, ngày…tháng…năm…
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN (Ký tên và đóng dấu) |
2. Hướng dẫn soạn văn bản báo cáo công tác bảo vệ môi trường của ủy ban nhân dân cấp xã:
Khi soạn thảo văn bản báo cáo công tác bảo vệ môi trường của ủy ban nhân dân cấp xã cần phải soạn thảo những nội dung chính sau:
Thứ nhất: tên cơ quan hành chính và quốc hiệu – tiêu ngữ
Thứ hai: tên của văn bản “báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm….”
Thứ ba: giới thiệu chung về về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của xã. Phần này nên nêu ngắn gọn).
Thứ tư: nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường:
– Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường trong xã:
+ Các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong xã (ví dụ như nước thải từ xưởng may X, nước thải sinh hoạt hộ gia đình,…);
+ Tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trong xã (các chất thải của trạm xá xã,…);
+ Các vấn đề môi trường chính, quy mô, tính chất và các tác động xấu đến môi trường trong xã (ở phần này nên lựa chọn trong số các vấn đề môi trường như khu vực môi trường trong xã bị ô nhiễm, suy thoái; các nguồn gây ra ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường hoặc chất thải,…để đưa ra các vấn đề môi trường chính, bức xúc nhất của địa phương).
– Tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xã.
– Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường
– Đánh giá chung:
+ Đánh giá chung về kết quả đạt được:
+ Tồn tại, hạn chế;
+ Nguyên nhân.
– Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường thời gian tới.
– Đề xuất, kiến nghị.
– Số liệu báo cáo về môi trường.
3. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường:
3.1. Đối với ủy ban nhân dân xã:
Theo khoản 3 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2022) quy định các trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Điều này quy định trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
– Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật;
– Xây dựng, ban hành quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;
– Xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;
– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm;
– Tiếp nhận đăng ký môi trường;
– Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp;
– Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;
– Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường;
– Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Cải tạo, phục hồi môi trường;
– Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;
– Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng;
– Vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;
– Hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa;
– Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển cho người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;
– Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
3.2. Đối với chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt:
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do chính Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó, trừ các trường hợp pháp luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã quy định.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường 2020.