Mặt chủ thể của tội phạm? Phân tích chủ thể và chủ thể đặc biệt của tội phạm?
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và luôn là vấn đề được quan tâm, đây cũng là trọng tâm của bộ luật hình sự quy định. Việc xác định chủ thể của tội phạm là cần thiết để nhận diện được tội phạm nói chung.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Mặt chủ thể của tội phạm là gì?
Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của luật hình sự.
Theo quan điểm truyền thống thì: Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực TNHS và đạt độ tuổi do luật hình sự quy định. Tội phạm bao giờ cũng được thực hiện bởi một người cụ thể, bởi vì chỉ có con người cụ thể mới có thể thực hiện được một hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự, mới thể hiện được yếu tố lỗi, có thể chịu trách nhiệm cá nhân cũng như mới thực hiện được các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng trị và giáo dục, cải tạo mà Nhà nước đã quy định. Do vậy, con người cụ thể thực hiện tội phạm được gọi là chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể, đang sống.
Như vậy, để được coi là chủ thể của tội phạm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội một cách cố ý hay vô ý phải: (1) có đủ năng lực TNHS, (2) đạt độ tuổi nhất định theo luật hình sự quy định. Đây là hai dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong chủ thể của tội phạm ở mọi cấu thành tội phạm, nếu thiếu một trong hai dấu hiệu này thì không thể coi là chủ thể của tội phạm mà không có chủ thể thì không thể cấu thành tội phạm.
Như vậy, chủ thể của tội phạm hiện nay trên thế giới được thừa nhận rộng hơn vừa là cá nhân vừa có thể là pháp nhân. Việc các quốc gia quy định chủ thể của tội phạm chỉ là cá nhân hay vừa là cá nhân vừa là pháp nhân nó phụ thuộc vào quan điểm pháp luật, nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trình độ phát triển của mỗi quốc gia. BLHS Việt Nam năm 2015 cũng đã quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, việc quy định chủ thể tội phạm là pháp nhân thương mại đã góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta hội nhập với quốc tế và là một bước phát triển mới của pháp luật hình sự Việt Nam.
Trong đó, năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự với mọi loại tội phạm trừ những tội phạm Bộ luật Hình sự có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự.
2. Mặt chủ thể của tội phạm trong tiếng anh là gì?
– Mặt chủ thể của tội phạm trong tiếng anh là The subjective side of the crime
– Định nghĩa của mặt chủ thể của tội phạm trong tiếng anh được hiểu là:
The subject of the crime is a specific person who has committed a dangerous act to society as defined by the criminal law as a criminal, has criminal liability capacity and has reached the age prescribed by the criminal law.
– Một số từ vựng liên quan trong cùng lĩnh vực như:
- A fine /ə faɪn/: tiền phạt, sự phạt tiền
- A harsh punishment /ə hɑːrʃˈpʌnɪʃmənt/:hình phạt khắc nghiệt, nặng
- A heist /ə haɪst/: vụ cướp tiệm vàng, nhà băng
- A pirate /əˈpaɪrət/: hải tặc
- A prison sentence /əˈprɪznˈsentəns/: án tù
- A suspended sentence /ə səˈspendɪdˈsentəns/: án treo
- A wanted fugitive /əˈwɑːntɪdˈfjuːdʒətɪv/: tội phạm bị truy nã
- A wanted notice /əˈwɑːntɪdˈnoʊtɪs/: lệnh truy nã
- Accomplice /əˈkɑːmplɪs/: kẻ đồng lõa
- An affidavit /ənˌæfəˈdeɪvɪt/: bản cam đoan có tính pháp lý
- Arson /ˈɑːrsn/: tội phóng hỏa, đốt nhà
- Arsonist /ˈɑːrsənɪst/: kẻ phạm tội phóng hỏa
- Assassination /əˌsæsɪˈneɪʃn/: sự hành thích, ám sát
- Burglar /ˈbɜːrɡlər/: kẻ vào nhà trộm đồ
- Capital punishment /ˌkæpɪtl ˈpʌnɪʃmənt/: hình phạt tử hình
- Catch red-handed /kætʃˌred ˈhændɪd/: bắt quả tang
3. Phân tích chủ thể và chủ thể đặc biệt của tội phạm?
Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội một cách cố ý hoặc vô ý, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Luật Hình sự.
Chủ thể tội phạm theo quy định của Luật Hình sự Việt Nam phải là con người cụ thể chứ không chấp nhận chủ thể của tội phạm là tổ chức. Tổ chức không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ có cá nhân cụ thể trong tổ chức phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự, đây là sự khác biệt của Luật Hình sự Việt Nam so với Luật Hình sự ở một số nước trên thế giới. Chủ thể tôi phạm theo quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam phải có đủ các dấu hiệu sau đây:
– Chủ thể của tội phạm phải là một người cụ thể đang sống. Khi người phạm tội còn sống họ mới nguy hiểm cho xã hội, cần giáo dục để họ trở thành người có ích cho xã hội. Chỉ con người đang sống mới cần cải tạo, giáo dục. Luật Hình sự Việt Nam quy định chủ thể là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội, vậy pháp luật Hình sự không cho phép người khác chịu trách nhiệm hình sự thay cho người phạm tội, kể cả họ là người thân thích ruột thịt. Đây là nguyên tắc cá nhân hóa, cụ thể hóa trách nhiệm hình sự. Pháp luật Hình sự không cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự người đã chết. Sau khi phạm tội, trước khi bị khởi tố nếu người phạm tội đã chết thì không được khởi tố vụ án hình sự. Trong quá trình điều tra, nếu người phạm tội đã chết thì phải đình chỉ vụ án với họ.
– Chủ thể của tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chỉ những người đủ năng lực trách nhiệm hình sự mới hiểu rõ hành vi của mình đúng hay sai, mới điều khiển được, tự chủ được hành vi của mình. Người đủ năng lực trách nhiệm hình sự là người không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh tật làm mất khả năng nhận thức hoặc tự chủ hành vi của mình. Pháp luật Việt Nam dựa vào 2 tiêu chuẩn để xác định năng lực trách nhiệm hình sự: tiêu chuẩn y học và tiêu chuẩn tâm lý. Theo tiêu chuẩn y học chủ thể tội phạm phải là người không đang trong thời kỳ mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác làm mất khả năng nhận thức và tự chủ hành vi của mình. Theo tiêu chuẩn tâm lý: chủ thể tội phạm phải là người nhận thức và tự chủ được hành vi của mình, là người hiểu được bản chất hành vi, điều khiển được hành vi.
Bộ luật Hình sự có quy định cụ thể về những tình trạng không nhận thức được về hành vi của mình, nếu rơi vào các tình trạng này, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là:
“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Vậy đặt ra câu hỏi rằng, những người nghiện ma tuý phạm tội trong tình trạng bị “phê thuốc” có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Trường hợp này cũng được quy định chi tiết trong Bộ luật Hình sự cụ thể như sau:
“Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”
– Chủ thể tội phạm phải là người đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Độ tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự là tuổi tròn tính từ ngày tháng năm sinh đến ngày tháng năm sinh. Việc xác định độ tuổi được căn cư vào giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Trường hợp không xác định được độ tuổi thì phải tiến hành giám định độ tuổi.
Ngoài những dấu hiệu nói trên, có những tội phạm phải do chủ thể có điều kiện đặc biệt mới thực hiện được. Những chủ thể có dấu hiệu ấy được gọi là chủ thể đặc biệt. Dấu hiệu chủ thể đặc biệt bao gồm dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn; dấu hiệu nghề nghiệp, tính chất công việc; dấu hiệu giới tính, dấu hiệu quan hệ gia đinh, họ hàng.
Nhân thân người phạm tội tuy không phải là dấu hiêu của chủ thể, nhưng khi truy cứu trách nhiệm hình sự bao giờ cũng phải làm rõ những đặc điểm về nhân thân người phạm tội, điều đặc biệt coi trọng là những đặc điểm về lai lịch tư pháp của họ như tiền án, tiền sự áp dụng hình phạt thỏa đáng, nhằm đạt hiệu quả giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Thứ hai, về chủ thể đặc biệt của tội phạm
Chủ thể của tội phạm thông thường đòi hỏi phải đáp ứng dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự. Với những tội phạm cụ thể cần phải có thêm những dấu hiệu đặc trưng khác mà không có nó thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không thể trở thành là chủ thể của tội phạm đó được. Những chủ thể đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt như vậy gọi là chủ thể đặc biệt. Như vậy, việc quy định chủ thể đặc biệt không nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự người có đặc điểm nhất định về nhân thân mà vẫn nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó chỉ có thể được thực hiện bởi người có những đặc điểm nhất định.
Những chủ thể đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt như vậy gọi là chủ thể đặc biệt.
Chủ thể đặc biệt = Chủ thể thường + (những) dấu hiệu đặc biệt.
– Các dấu hiệu liên quan đến chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: tội tham ô tài sản đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt của chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản.
– Các dấu hiệu liên quan đến nghề nghiệp, công việc. Ví dụ: tội làm chết người trong khi thi hành công vụ thì chủ thể đặc biệt ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp khi đang làm nhiệm vụ.
– Các dấu hiệu liên quan đến nghĩa vụ. Ví dụ: tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự yêu cầu chủ thể phải là người đang ở tuổi mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
– Các dấu hiệu liên quan đến tuổi. Ví dụ: tội giao cấu với trẻ em đòi hỏi chủ thể phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi).
– Các dấu hiệu liên quan đến quan hệ, họ hàng. Ví dụ: tội hành hạ ngược đãi cha mẹ, con cái, chủ thể ở đây chỉ có thể là người con, người mẹ, người cha, những chủ thể liên quan tới quan hệ gia đình.
– Các dấu hiệu liên quan đến quốc tịch. Ví dụ: tội phản bội tổ quốc, chủ thể ngoài có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thì còn phải là công dân nước Việt Nam.
– Các dấu hiệu khác. Ví dụ: tội giết con mới đẻ đòi hỏi chủ thể phải là bà mẹ mới sinh (từ khi sinh con đến ngày thứ 7).
Các đặc điểm của chủ thể đặc biệt là bắt buộc và có ý nghĩa quyết định trong việc định tội. Tuy nhiên, đối với các vụ phạm tội do đồng phạm, các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi đối với người thực hành, những người khác không cần các dấu hiệu đặc biệt của tội phạm đó. Ví dụ, nếu A là người tổ chức cho B (người thực hành, nam giới) hiếp dâm C thì A có thể không phải là nam giới vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.