Ly thân trong pháp luật về hôn nhân và gia đình một số nước trên thế giới? Ly thân trong pháp luật về hôn nhân và gia đình một số bang tại Hoa Kỳ? Ly thân trong Bộ luật Dân sự Pháp?
Theo học thuyết Mác–Lênin về HNGĐ thì vấn đề ly thân có nguồn gốc từ tôn giáo. Chủ nghĩa Mác–Lênin cho rằng HNGĐ là những hiện tượng xã hội có quá trình phát sinh, vận động do các điều kiện kinh tế – xã hội quyết định. Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, Mác và Ăngghen đã phân tích: Lịch sử gia đình là lịch sử của quá trình xuất hiện chế độ quần hôn, chuyển sang gia đình đối ngẫu, phát triển lên gia đình một vợ một chồng – là quá trình không ngừng hoàn thiện hình thức gia đình, trên cơ sở sự phát triển của các điều kiện sinh hoạt vật chất của con người. Mác và Ăngghen nhìn nhận:
“Cái sẽ biến mất một cách chắc chắn trong chế độ một vợ, một chồng là tất cả những đặc trưng mà những quan hệ tài sản đẻ ra nó. Những đặc trưng đó là: Sự thống trị của người đàn ông và tính ràng buộc vĩnh viễn của hôn nhân. Sự thống trị của người đàn ông trong hôn nhân chỉ đơn thuần là kết quả của sự thống trị về kinh tế. Tính ràng buộc vĩnh viễn của hôn nhân, một phần là kết quả của sự thống trị về kinh tế trong đó chế độ một vợ, một chồng phát sinh và phần nữa là truyền thống của thời kỳ trong đó mối quan hệ giữa những điều kiện kinh tế ấy với chế độ một vợ, một chồng còn chưa được người ta hiểu đúng đắn và đã bị tôn giáo thổi phồng lên” .
Thêm vào đó, Mác và Ăngghen cho rằng: “Nhà thờ Thiên chúa giáo sở dĩ cấm ly hôn, có lẽ cũng chỉ vì đã thấy rằng không có phương thuốc nào trị được ngoại tình cũng như không có phương thuốc nào trị được cái chết cả” . Như vậy có thể thấy rằng theo quan điểm của Mác và Ăngghen thì ly thân có nguồn gốc từ tôn giáo.
Đặc biệt, theo sách Giáo lý của Công giáo thì hôn nhân là việc do Chúa tạo lập và những gì Thiên Chúa tạo lập thì loài người không được phân ly. Do đó, vợ chồng không thể chia tách, ruồng bỏ nhau mà phải luôn gắn bó, “ăn đời ở kiếp” với nhau. Cụ thể tại Giáo lý Công giáo số 2384 đã ghi nhận: “Ly dị là một vi phạm nặng nề đối với luật tự nhiên: Nó dám phá vỡ giao ước đã được hai vợ chồng tự do ký kết, là sống với nhau cho đến chết” . Trong 07 Phép Bí tích, Bí tích về hôn phối răn dạy các con chiên rằng: “Hôn Phối là bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp một nam, một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh và ban ơn đặc biệt để giúp họ sống chu toàn nghĩa vụ”; mục đích của hôn phối là Sinh sản và giáo dục con cái theo đạo Công Giáo, trung thành, yêu thương và nâng đỡ nhau”.
Tầm quan trọng của hôn phối là “Tình yêu vợ chồng biểu hiện tình yêu Chúa và Hội Thánh. Sinh sản con cái để thờ phượng Chúa”; “Hợp nhất: phải giữ một vợ một chồng. Không được ly dị và phải sống hoà thuận với nhau cho đến chết” .
Tuy nhiên, cuộc sống thực tế giữa vợ và chồng thường không thuận lợi như những gì mong đợi, sẽ có những lúc xảy ra mâu thuẫn, xung đột và nếu những điều này không được giải quyết triệt để thì rất dễ dẫn tới tình trạng vợ chồng không thể chung sống với nhau được nữa. Những hệ thống pháp luật theo quan điểm Công giáo như đã phân tích trên nên việc vợ chồng ly hôn thường bị cấm và chế định ly thân là một giải pháp phù hợp trong hoàn cảnh này. Điều này không đồng nghĩa với việc ly thân chỉ áp dụng đối với những người theo đạo Công giáo mà giải pháp này còn được áp dụng rộng rãi ở một số quốc gia, những nơi coi việc áp dụng các quy định về ly thân như một giai đoạn quá độ trước khi quyết định việc ly hôn. Thông thường, các quốc gia chấp nhận chế định ly thân tồn tại trong hệ thống pháp luật nước mình sẽ phân loại ly thân theo tình trạng thực tế và tình trạng pháp lý. Theo đó, ly thân theo thực tế có thể sẽ là một trong những căn cứ pháp lý xác đáng để Tòa án xác định và tuyên bố mối quan hệ vợ chồng rơi vào tình trạng ly thân pháp lý. Pháp luật các nước như Singapore, Philippines, Pháp, Canada... là những nước theo quan điểm chấp nhận chế định ly thân, trong khi đó Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay là những quốc gia chưa có quy định về chế định ly thân.
Mục lục bài viết
1. Ly thân trong pháp luật về hôn nhân và gia đình một số bang tại Hoa Kỳ:
Luật gia đình (Family Code) tại Bang California – Hoa Kỳ định nghĩa ly thân tại Phần 2310 (Section 2310 – grounds for separation) như sau: “Ly thân (separation) là tình trạng hai vợ chồng sống riêng rẽ (ăn riêng ở riêng/hai nơi khác nhau, dù trong cùng một nhà); Trong giai đoạn ly thân, hai bên sống tự do, nhưng hôn thú vẫn còn, nên các đương sự không thể kết hôn với người khác; Trong thời kỳ ly thân, tài sản hôn nhân (marital property) tạm chấm dứt, mọi việc mua bán, nợ nần, thuế má đều có tính cách riêng rẽ” .
Ly thân pháp định (legal separation) theo Luật gia đình Bang California là: “Ly thân pháp định (legal separation) là tình trạng hai vợ chồng sống riêng rẽ sau khi có án lệnh tòa thụ lý cho ly thân. Lý do xin ly thân pháp định có thể là: hành hạ, ngược đãi (abuse, cruelty); trốn bỏ (abandonment); tù đầy (imprisonment); ngoại tình (adultery); bỏ bê gia đình (failure to support). Đương sự có quyền chọn ly thân trước khi ly dị. Nhưng ly thân sẽ không cần thiết, nếu đương sự có lý do chính đáng (như liệt kê trên) để xin ly dị ngay. Sau giai đoạn ly thân, đương sự có thể lập thủ tục xin ly hôn trước Tòa” .
Thuận tình ly thân (separation by mutual consent) theo Luật gia đình Bang California là: “Hai bên hôn phối có thể thuận tình ly thân. Họ chỉ cần có nhân chứng (họ hàng, bạn bè) xác nhận tình trạng và thời điểm ly thân; Họ có thể hợp thức hóa tình trạng thuận tình ly thân khi hai bên thuận nhận ký kết khế ước ly thân và phân chia tài sản (Property Settlement Agreement/PSA). Khế ước này ấn định tình trạng tài chính, phân chia của cải và trách nhiệm riêng rẽ của hai bên đương sự, đồng thời ấn định trách nhiệm nuôi dưỡng và quyền giữ, thăm con cái của họ. Nếu một bên không thi hành đúng khế ước PSA, bên kia có quyền kiện đối phương bội ước” .
Tại các bang Hoa Kỳ cũng có những quy định khác nhau về ly hôn liên quan đến ly thân, Tòa án có thể ra phán quyết cho vợ chồng ly hôn trong trường hợp: Tại New York “nếu vợ chồng ngoại tình, trốn bỏ cơ sở hôn nhân, độc ác; phạm tội đại hình; ly thân pháp định/ước định quá 01 năm ; tại Texas “nếu vợ chồng ngoại tình, trốn bỏ cơ sở hôn nhân; độc ác; điên khùng; phạm tội đại hình, ly thân 03 năm; hôn nhân đổ bể” ; tại Viginia “nếu vợ chồng ngoại tình, bỏ cơ sở hôn nhân; loạn dâm, độc ác; phạm tội đại hình, ly thân 01 năm” . Ly thân là một căn cứ quan trọng để Tòa án cho phép vợ chồng ly hôn. Đa số (95%) các vụ ly dị trên khắp Hợp Chủng Quốc thuộc loại không hiện lỗi (no–fault divorces) căn cứ trên tình trạng khác biệt bất khả hoà giải (irreconcilable differences) hoặc hôn nhân bất khả cứu vãn (irretrievable marriage break–down). Đó cũng là trường hợp ly hôn hoán chuyển (conversion divorces) tiếp nối cuộc ly thân pháp định, hoặc thuận tình ly hôn (divorce by mutual consent) tiếp nối các thủ tục thuận tình ly thân có trước. Bên nguyên đơn xin tòa thụ lý chuẩn chấp những điều khoản ước định của khế ước ly thân và phân chia tài sản (Property Settlement Agreement/PSA) mà hai bên đã ký kết trước đây. Khế ước này có tính cách cưỡng bách khi được sát nhập vào lệnh công bố ly dị (decree) của Tòa thụ lý.
Các quy định về phân chia tài sản khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ, chồng khi ly hôn, quyền gìn giữ, chăm nom, thăm viếng hay cấp dưỡng con cái khi vợ chồng ly hôn cũng phần lớn dựa vào những thỏa thuận của vợ chồng khi ly thân hay quyết định của Tòa án khi phán quyết cho vợ chồng ly thân trước đó. Ví dụ như:
“Trong trường hợp thuận tình ly hôn (divorce by mutual consent), hai bên đương sự căn cứ vào khế ước ly thân và phân chia tài sản (Property Settlement Agreement/PSA) để ấn định việc phân chia của cải thuộc khối tài sản hôn nhân (marital property) gồm có tài sản thu hoạch trong thời kỳ hôn thú và của cải túy trước riêng, sau này kết nhập (commingled) phần thu hoạch mới vào khối tài sản hôn nhân....
“Vợ chồng ly thân hoặc ly dị được quyền ước định hoặc pháp định đơn phương (sole custody) hoặc song phương giữ con cái vị thành niên (dual custody), căn cứ vào a nhu cầu thuận lợi nhất của con cái (best interest of the child), b phương diện sức khoẻ, cá tính của đứa trẻ, c mối liên hệ tình cảm với bố hoặc mẹ, d khả năng và luân lý của bố hoặc mẹ có ảnh hưởng tới đời sống con cái.
Người cha hoặc mẹ ly thân hoặc ly dị không được giữ con (noncustodian parent) vẫn có quyền thăm viếng chúng, được tham khảo và có quyền quyết định về việc học vấn, tình trạng sức khoẻ, thủ tục y khoa liên quan tới con cái vị thành niên.
Mọi hình thức vi phạm quyền gìn giữ hoặc thăm viếng con cái trên đều bị coi là bất tuân lệnh toà (contempt of court), có thể bị phạt vạ fine/bằng tiền hoặc phạt tù (jail term).
Người cha hoặc mẹ ly thân hoặc ly dị giữ con có quyền di chuyển sang tỉnh hoặc tiểu bang khác nếu thật tâm có lý do chính đáng (good–faith reasons) như công ăn việc làm tốt hơn, đoàn tụ đại gia đình để có thêm giúp đỡ v.., dù tình trạng này có thể gây khó khăn cho việc thăm viếng của đối phương không được giữ con cái. Toà cũng cho phép di chuyển như vậy nếu người thăm viếng lơ là, thiếu bổn phận, kém tư cách...” .
Như vậy, có thể nói ly thân là một chế định cơ bản và quan trọng trong pháp luật HNGĐ tại đa số bang của Hoa Kỳ, bởi Hoa Kỳ nhận định rằng hầu hết vợ chồng đều trải qua ly thân trước khi đi đến quyết định ly hôn. Vì vậy, căn cứ, điều kiện, hậu quả pháp lý về nhân thân, tài sản của vợ chồng hay chăm sóc, nuôi dưỡng con chung khi vợ chồng ly thân đều được quy định rõ ràng và tỉ mỉ.
2. Ly thân trong Bộ luật Dân sự Pháp:
Pháp luật Pháp có những đặc trưng của dòng họ pháp luật châu Âu lục địa (Civil Law). Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp năm 1804 đã hợp nhất tất cả các luật rời rạc thành bộ luật thống nhất, bao gồm 2283 điều khoản về con người, tài sản và sở hữu. Chế định ly thân được quy định tại Thiên IV Quyển thứ nhất về con người (từ Điều 296 đến Điều 309), trong đó Mục một quy định về các trường hợp ly thân và thủ tục ly thân (từ Điều 290 đến Điều 298), Mục hai quy định hệ quả pháp lý của ly thân (từ Điều 299 đến Điều 304), Mục ba về chấm dứt ly thân (từ Điều 305 đến Điều 309). Có thể nói, Bộ luật Dân sự Napoleon năm 1804 là một trong những bộ luật dân sự quy định về ly thân sớm nhất thế giới và được đánh giá cao về kỹ thuật lập pháp hoàn thiện, nội dung có tính dự đoán thực tế cao.
Nguồn gốc ra đời của chế định ly thân tại Pháp bắt nguồn từ tôn giáo. Theo giáo lý Thiên chúa giáo, vợ chồng không được phép ly hôn. Vì vậy, ly thân là giải pháp nhà làm luật đưa ra nhằm giải quyết xung đột gia đình theo đạo Công giáo.
Về các trường hợp ly thân, Bộ luật Dân sự Pháp quy định Tòa án có thể tuyên bố ly thân theo yêu cầu của một trong hai vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng, căn cứ ly thân và thủ tục ly thân giống như ly hôn , có thể là: “Ly thân theo thỏa thuận chung; Ly thân dựa trên yêu cầu được chấp thuận; Ly thân vì hành vi sai trái; Ly thân do không thể duy trì cuộc sống chung” . Nếu nhận được cả đơn ly hôn và ly thân thì Thẩm phán tuyên bố cho ly hôn do lỗi của cả hai bên.
Về hậu quả pháp lý, ly thân không làm chấm dứt hôn nhân nhưng làm chấm dứt nghĩa vụ chung sống giữa vợ chồng (Điều 299), “Thẩm phán có thể ra phán quyết:
1. Cho phép vợ chồng ở riêng,
2. Giao cho một bên sử dụng nhà ở và đồ đạc của gia đình, hoặc phân chia việc sử dụng đó cho cả hai bên;
3. Ra lệnh giao lại cho mỗi bên quần áo và vật dụng cá nhân;
4. Ấn định tiền cấp dưỡng và khoản tạm ứng về lệ phí tư pháp mà một bên phải trả cho bên kia;
5. Cấp cho mỗi bên khoản tạm ứng về phần của họ được hưởng trong khối tài sản chung, nếu thấy cần thiết”.
Bên cạnh đó, nếu vợ mang tên chồng thì có thể vẫn được giữ tên đó, nếu chồng ghi họ của vợ liền tên mình thì vợ có thể yêu cầu không cho chồng dùng họ của mình nữa (Điều 300). Việc ly thân làm chấm dứt quan hệ tài sản chung (khoản 4 Điều 1441). Từ khi ly thân dẫn tới biệt sản và chế độ tài sản được áp dụng là chế độ tài sản riêng (Điều 302) và tự chịu trách nhiệm đối với giao dịch trong khối tài sản riêng do mình xác lập hoặc tạo dựng sau ly thân. Nếu ly thân do thuận tình, vợ chồng có thể thỏa thuận về phương thức tách tài sản hoặc thanh lý tài sản chung trong văn bản thỏa thuận ly thân. Nếu ly thân do hai người cùng yêu cầu thì họ có thể ghi trong bản thỏa thuận khước từ quyền thừa kế mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật (Điều 301). Tuy nhiên, nếu không có thoả thuận thì nếu một trong hai vợ chồng chết trong thời kỳ ly thân, người phối ngẫu còn sống vẫn giữ quyền hưởng thừa kế di sản theo pháp luật. Ngoài ra, nghĩa vụ trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau vẫn tồn tại. Khi ly thân, một bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bên có khó khăn, túng thiếu mà không tính đến lỗi của bên nào (Điều 303). Những hậu quả pháp lý khác của ly thân (Điều 304). Ví dụ như nghĩa vụ trông nom, cấp dưỡng cho con chung theo Điều 288. Ly thân có thể kéo dài vô thời hạn, quy định này nhằm hợp lý hóa đời sống hôn nhân cho các vợ chồng theo đạo Công giáo.
Về chấm dứt ly thân: Nếu vợ chồng tự nguyện về với nhau thì ly thân chấm dứt. Việc tự nguyện trở lại phải cuộc sống chung phải được xác nhận bằng công chứng thư hoặc bằng việc khai với viên chức hộ tịch (Điều 305). Vợ chồng khi chấm dứt ly thân vẫn có chế độ tài sản riêng biệt, trừ khi vợ chồng thỏa thuận một chế độ tài sản mới trong hôn nhân (Điều 305). Theo yêu cầu của hai vợ chồng, bản ly thân sẽ được tự động chuyển thành ly hôn nếu việc ly thân kéo dài 03 năm (Điều 306). Trong mọi trường hợp, việc ly thân có thể chuyển thành ly hôn theo đơn của cả hai vợ chồng (Điều 307).
Tóm lại, Cộng hòa Pháp quy định về ly thân và hậu quả pháp lý của ly thân rất chặt chẽ, tinh thần chế định này vẫn còn được giữ cho đến ngày nay, cho thấy sự tiến bộ và tính dữ liệu thực tế rất cao; là một “khuôn mẫu” cho các quốc gia khác trên thế giới (bao gồm cả các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa và hệ thống thông luật) tham khảo khi xây dựng chế định này trong pháp luật của quốc gia mình.