Luật sư cho hỏi nếu ly hôn, con dưới 18 tuổi thì người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và chồng tôi kết hôn tháng 5 năm 2009, trong thời gian đó tôi nuôi 2 con bằng tiền lương của mình kiếm được, chồng tôi lo kinh doanh và trả khoản nợ do mua xe còn thiếu. Cho đến tháng 10 năm 2013 do tôi bị bạo lực gia đình nhiều năm liền tôi đã nộp đơn ly hôn, nộp đơn xong 3 mẹ con tôi phải đi ở nhờ nhà người thân do chồng tôi uy hiếp đến tính mạng.
Khi ra tòa trả lời các yêu cầu của Tòa thì chồng tôi lai nói rằng hàng tháng trước đó chồng tôi vẫn gửi tiền nuôi con và cho đến tháng 7 năm 2013 thì mới không gửi. Vì không muốn đôi co về việc trên tôi có yêu cầu chồng tôi trợ cấp nuôi con từ tháng 7 năm 2013 đến nay( theo lời khai của anh ta tại tòa) thì anh ta lại nói rằng, từ tháng 7 năm 2013 do anh ta phải đang trả khoản nợ chung do mua xe ô tô (ô tô mua do 1 mình anh ta sử dụng) cho nên việc trả nợ chung đó được tính vào là việc trợ cấp cho con hàng tháng. Do vậy anh ta sẽ không trợ cấp cho 3 mẹ con tôi tính từ tháng 7 năm 2013 đến nay. Anh ta làm vậy có đúng không? Có quy định nào rõ trả nợ chung và trợ cấp nuôi con là 2 việc khác nhau không? Có quy định nào bắt buộc anh ta phải trợ cấp cho 3 mẹ con tôi từ tháng 7 năm 2013 không? Xin các luật sư trả lời giúp tôi. Xin chân thành cám ơn
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ vào các điều 50, 53, 54 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Thứ nhất, chồng (cha của hai con bạn) phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với hai con của bạn. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, chồng bạn không thể lấy lý do là trả nợ tiền mua ô tô để không cấp dưỡng cho con được, nghĩa vụ trả nợ tiền mua ô tô và nghĩa vụ cấp dưỡng là hai nghĩa vụ hoàn toàn khác nhau. Bạn đã yêu cầu chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho hai con từ tháng 7/2013 thì chồng bạn không lâm vào tình trạng khó khăn, điều kiện thực tế không thể thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng nên chồng bạn phải cấp dưỡng. Tòa đã ra quyết định chồng bạn phải cấp dưỡng theo yêu cầu của bạn thì chồng bạn phải thực hiện.
Thứ hai, về mức cấp dưỡng bạn và chồng bạn có thể thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của chồng bạn và nhu cầu thiết yếu của hai con, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: Việc cấp dưỡng có thể thực hiện cấp dưỡng định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Yêu cầu chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:
Trước hết, bạn gửi đơn yêu cầu thi hành án Cơ quan thi hành án dân sự cấp Quận, Huyện nơi Tòa án đã ra bản án, quyết định. Kèm theo đơn là bản án, quyết định của Tòa về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn của chồng bạn. Nếu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chồng bạn nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 45, 46 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Ngoài ra, chồng bạn còn có thể bị xử lý hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 152 Bộ luật hình sự 1999: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Hồng