Luật sư tư vấn cấp thẻ căn cước công dân khi mất chứng minh thư. Nơi thực hiện thủ tục hành chính.
Luật sư tư vấn cấp thẻ căn cước công dân khi mất chứng minh thư. Nơi thực hiện thủ tục hành chính.
Tóm tắt câu hỏi:
Do tôi bị mất chứng minh thư, hộ khẩu ở Quảng trị, giờ tôi gửi hộ khẩu vào Sài gòn làm chứng minh nhân dân được không hoặc có cách nào khác không? Hay bắt buộc tôi về quê mới làm được. Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA.
– Luật căn cước công dân 2014.
2. Giải quyết vấn đề:
Thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân bị mất theo quy định tại điểm b) Khoản 1 Điều 6 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA như sau:
– Đơn trình bày nêu rõ lý do xin đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân. Trường hợp cấp lại thì đơn phải có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú.
– Xuất trình hộ khẩu thường trú;
– Xuất trình quyết định thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
– Chụp ảnh;
– In vân tay hai ngón trỏ;
– Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;
Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định trên, cơ quan Công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, kể từ ngày 1/1/2016, Luật căn cước công dân 2014 có hiệu lực, tức là chứng minh thư nhân dân sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Như vậy, nếu bạn mất chứng minh nhân dân, nay bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì bạn có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, không phải về quê để làm lại chứng minh nhân dân nữa. Thủ tục xin cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật căn cước công dân 2014 như sau:
– Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
– Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật căn cước công dân 2014 kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.
+ Đối với người ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo
– Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
– Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
– Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật căn cước công dân 2014; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
+ Trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật căn cước công dân 2014.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật cấp mới thẻ căn cước công dân: 1900.6568
Nơi thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 26 Luật căn cước công dân 2014 như sau:
“Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:
1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.”
Theo quy định trên khi làm thẻ căn cước công dân, bạn có thể chọn một trong số những cơ quan trên để làm thẻ căn cước công dân cho bạn, không cần phải có đăng ký hộ khẩu thường trú.