Luật phòng, chống ma túy quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.
LUẬT
PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ
Tệ nạn ma tuý là hiểm hoạ lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma tuý;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định về phòng, chống ma tuý.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma tuý.
Điều 2
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.
2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
4. Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.
5. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
6. Cây có chứa chất ma tuý bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định.
7. Phòng, chống ma tuý là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.
8. Tệ nạn ma tuý là tình trạng nghiện ma tuý, tội phạm về ma tuý và các hành vi trái phép khác về ma tuý.
9. Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý bao gồm các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều này, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
10. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý là việc cho phép, theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động quy định tại khoản 9 Điều này và phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động đó vào mục đích khác.
11. Người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568