Trong hệ thống pháp luật quốc tế, Luật Nhân quyền quốc tế là một ngành Luật vô cùng quan trọng. Vây Luật nhân quyền quốc tế là gì? Luật quốc tế về nhân quyền được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Luật nhân quyền quốc tế là gì?
Nhân quyền được hiểu là các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống, quyền được tự do…Luật nhân quyền quốc tế có thể hiểu là tập hợp một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn và tập quán pháp lý quốc tế được xác lập nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền của con người như quyền sống, quyền được tự do và những quyền cơ bản khác cho mọi thành viên của cộng đồng nhân loại. Hiện nay, Luật nhân quyền quốc tế được quy định tại hàng trăm văn kiện pháp lý quốc tế, bao gồm:
+ Những văn kiện mang tính ràng buộc (các công ước, nghị định thư).
+ Các văn kiện không mạng tính ràng buộc (các tuyên bố, tuyên ngôn, khuyến nghị, hướng dẫn…).
Luật nhân quyền quốc tế điều chỉnh:
+ Mối quan hệ giữa các chủ thể truyền thống của luật quốc tế chung (các nhà nước và tổ chức quốc tế…) trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người.
+ Mối quan hệ giữa các nhà nước và công dân liên quan đến việc bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
2. Luật quốc tế về nhân quyền?
Bộ luật Nhân quyền quốc tế là tên gọi chung của bộ ba văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên Hợp Quốc soạn bao gồm:
– Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (thông qua năm 1948). Tuyên ngôn nhân quyền (1948) được Liên Hợp quốc đánh giá là một trong những thành tựu to lớn đạt được và có ý nghĩa lịch sử vì đã đưa ra được những chuẩn mực chung cho tất cả các nước và dân tộc về các quyền con người.
– Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (1966) với hai nghị định thư đính kèm
– Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Hai công ước chính đã được nhiều nước tham gia và có hiệu lực năm 1976.
Nhìn chung, phần lớn các công ước đã ghi nhận được những nội dung tích cực, tiến bộ, hiến chương LHQ và Tuyên ngôn nhân quyền là hai văn kiện quốc tế quan trọng đầu tiên về nhân quyền. Bộ luật quốc tế về nhân quyền ra đời và đến nay phát triển thành 24 Công ước quốc tế về nhân quyền, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh vì quyền tự quyết của các dân tộc, quyền được sống và quyền tự do của con người, kể cả quyền lựa chọn con đường phát triển cho chính họ.
Ngoài ra theo một cách phân loại khác thì Luật quốc tế về nhân quyền sẽ bao gồm những loại văn bản pháp lý sau:
– Các Công ước quốc tế phổ cập về quyền con người bao gồm:
+ Hiến chương Liên Hợp quốc
+ Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá 1966 của Liên hợp quốc.
– Các công ước điều chỉnh chuyên biệt: như Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1970 (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em 1989… hướng đến các đối tượng đặc thù trong xã hội cần sự bảo vệ.
Trong lĩnh vực quyền con người, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố là một văn kiện chính trị đặc biệt quan trọng, được xem là thành tựu chung về quyền con người của nhân loại. Ngoài ra, còn rất nhiều những văn bản pháp lý quốc tế khác về nhân quyền.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về nhân quyền:
3.1. Những Điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia:
Đến nay, Việt Nam đã gia nhập rất nhiều các Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, việc gia nhập các Công ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam là một minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.
Các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia đó là:
+ Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24/9/1982;
+ Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24/9/1982;
+ Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979, ký kết ngày 29/7/1980, phê chuẩn ngày 17/02/1982;
+ Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 09/6/1982;
+ Công ước về Quyền Trẻ em 1989 , ký kết ngày 26/1/1990.
+ Công ước về Quyền của Người khuyết tật 2006, ký ngày 22/11/2007 và phê chuẩn ngày 5/2/2015;
+ Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 07/11/2013 và phê chuẩn ngày 5/2/2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, như:
+ Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (gia nhập ngày 28/8/1981);
+ Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác Diệt chủng 1948 (gia nhập ngày 09/6/1981);
+ Công ước Quốc tế về Ngăn chặn và Trừng trị Tội ác Apartheid 1973 (gia nhập ngày 09/6/1981);
+ Công ước Quốc tế về Không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các Tội phạm Chiến tranh và Tội ác chống Nhân loại 1968 (gia nhập ngày 04/6/1983);
+ Công ước về Chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia 2000 (ký kết ngày 13/12/2000, phê chuẩn ngày 08/6/2012).
3.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về nhân quyền:
Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Có thể nói, một trong những văn bản pháp luật thể hiện rõ nhất quyền con người đó chính là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp. Mỗi Hiến pháp đều ghi nhận cốt lõi những điều khoản về Nhân quyền, qua mỗi giai đoạn thì các quy định về Nhân quyền trong các bản Hiến pháp đều dần được hoàn thiện hơn, khắc phục được những thiếu sót. Và đến khi Hiến pháp 2013 ra đời, trong đó quy định về nhân quyền được coi là điểm sáng hoàn thiện. Trong bản Hiến pháp, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất, Quyền con người được quy định trong chương II của Hiến pháp 2013, được bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc đưa vị trí chương “Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ chương V trong Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013 thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Các văn bản Luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp 2013, trong số đó có những Luật cơ bản, quan trọng như:
– Bộ luật Hình sự 2015,
– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015,
– Bộ luật Dân sự 2015,
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015,
– Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015,
– Luật Trưng cầu dân ý 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016,
– Trong năm 2019, QH tiếp tục thông qua nhiều Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Thi hành án hình sự,
Việc hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân của pháp luật nước ta đã phản ánh đúng bản chất của chế độ ta, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Quyền con người là một trong những quyền tự nhiên và thiêng liêng của mỗi người, vì vậy việc tuyên truyền, công khai để mọi cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước về nhân quyền cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn, bảo đảm quyền con người. Tăng cường giám sát, bảo vệ, khuyến khích phát triển quyền con người, tạo điều kiện cho quyền con người phát triển và hội nhập quốc tế, phù hợp với luật quốc tế qua mỗi thời kỳ là một trong những mục tiêu trọng điểm của pháp luật hiện nay.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Các Điều ước quốc tế nêu trong bài viết
Hiến pháp năm 2013
Bộ luật Hình sự 2015