Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cụm từ "khoa học, công nghệ" hẳn không còn xa lạ với mỗi người. Chúng ta sử dụng khoa học, công nghệ trong hầu hết các hoạt động hằng ngày. Dưới đây, Luật Dương Gia giới thiệu về Luật Khoa học và công nghệ và nội dung chính của luật này.
Mục lục bài viết
1. Luật khoa học công nghệ là gì?
1.1. Khoa học công nghệ là gì?
Khoa học (Science) được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, với góc độ là một hoạt động thì đí chính là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, tri thức mới… về con người, thiên nhiên, đời sống, xã hội;…. Hay dưới góc nhìn khác thì khoa học được coi là ” một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy”. Còn dưới góc độ pháp lý, thì Khoa học được hiểu là” là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.” theo hoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ
Công nghệ (Technology) thường được dùng để chỉ những phát minh, những kết quả của khoa học kỹ thuật mới được áp dụng trong quá trình lao động, sản xuất. Còn trong Luật Khoa học và công nghệ giải thích: Công nghệ là “giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Từ khái niệm trên, có thể thấy công nghệ là những thay đổi, những sáng chế mới,… nhằm giải quyết một vấn đề, cải tiến những phương pháp, cách thức,… đã tồn tại, đạt một mục đích, hay thực hiện một chức năng cụ thể đòi hỏi những yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng,….
1.2. Luật khoa học công nghệ là gì?
Luật khoa học công nghệ là cụm từ thường được dùng trong đời sống thường nhật thay cho thuật ngữ “Luật khoa học và công nghệ”
Luật chính là tổng hợp các quy định pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ trong một lĩnh vực. Từ khái niệm đó, thì Luật khoa học và công nghệ chính là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực khoa học, lĩnh vực công nghệ.
Luật khoa học và công nghệ tiếng Anh là: “Law Science and Technology“.
2. Phạm vi điều chỉnh của Luật Khoa học và công nghệ:
Luật Khoa học và công nghệ điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
3. Nguyên tắc của Luật Khoa học và công nghệ:
Luật Khoa học và công nghệ được xây dựng và phát triển theo những nguyên tắc sau:
– Nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ.
– Nguyên tắc xây dựng và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
– Nguyên tắc bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.
– Nguyên tắc trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
– Nguyên tắc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.
( Điều 5
4. Nội dung chính của Luật Khoa học và công nghệ:
Về hình thức
Về các hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ gồm:
– Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm;
– Cơ sở giáo dục đại học ;
– Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm
Các tổ chức trên được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định tại Mục 1 Chương II của Luật Khoa học công nghệ. Gồm các quy định về điều kiện thành lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập; về quyền, nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ; văn phòng đại diện;…
Đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ là việc sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để xác định năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ. Việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ nhằm mục đích: tạo cơ sở để xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ; phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Làm cơ sở xem xét việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hưởng những ưu tiên trong một số hoạt động.
Các quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được thể hiện trong chương III của luật. Theo đó:
Về chức danh: Chức danh nghiên cứu khoa học là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, gồm trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tham gia giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học được xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Chức danh công nghệ là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân hoạt động trong từng lĩnh vực công nghệ.
Về quyền, nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ: Được tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ; được tạo điều kiện để tham gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;… có nghĩa vụ đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đăng ký, lưu giữ và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;…
Chương II còn quy định về vấn đề đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao theo phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp, xét tài trợ từ quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua hợp đồng khoa học và công nghệ bằng văn bản. Các loại hợp đồng khoa học và công nghệ gồm: Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hợp đồng chuyển giao công nghệ; Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ.
Bên đặt hàng theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng; ổ chức việc giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Và có nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng; tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đặt hàng; tiếp nhận và tổ chức triển khai ứng dụng hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu; thanh toán đầy đủ kinh phí cho bên nhận đặt hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Theo Điều 35 Luật Khoa học và công nghệ
Bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có quyền hưởng quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận trong hợp đồng; yêu cầu bên đặt hàng cung cấp thông tin và những điều kiện khác theo thỏa thuận trong hợp đồng để thực hiện hợp đồng; nhận kinh phí của bên đặt hàng để thực hiện hợp đồng. Và họ có nghĩa vụ bàn giao kết quả nghiên cứu, giao nộp sản phẩm theo đúng quy định trong hợp đồng; giữ bí mật về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận và không được chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho người khác nếu không có sự chấp thuận của bên đặt hàng.
Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó.
Tại chương V của Luật quy định về việc ứng dụng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, Nhà nước khuyến khích việc ứng dụng kết của của việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực, đồng thời kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.
Nhà nước luôn thể hiện sự quan tâm của mình trong việc phát triển khoa học và công nghệ, được thể hiện trong nội dung: “Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.”(Khoản 1 Điều 49). Ngân sách được sử dụng cho các mục đích được quy định tại Điều 50 của Luật này như việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương;….Nhà nước cũng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng phải dành quỹ để đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của chính doanh nghiệp mình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhà nước thành cập các quỹ nhằm hỗ trợ và đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ.
Đồng thời với việc phát triển khoa học và công nghệ trong nước, thì luật cũng quy định về vấn đề hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Cần tích cực, chủ động trong việc hội nhập, tiếp thu có chọn lọc và tranh thủ tối đa những cơ hội để phát triển.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật khoa học công nghệ năm 2013, sửa đổi bổ sung năm 2018.