Lựa chọn loại hình kinh doanh đối với dịch vụ cho thuê xe có lái. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Lựa chọn loại hình kinh doanh đối với dịch vụ cho thuê xe có lái. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, hiện giờ tôi đang sở hưu 1 xe ô tô 4 chỗ. Và tôi cũng đang làm dịch vụ cho thuê xe có lái nhưng chưa xin phép. Giờ đây tôi muốn xin đăng kí kinh doanh. Thì loại hình kinh doanh nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của tôi.sau này tôi muốn mua thêm 1-2 chiếc ô tô để kinh doanh tiếp. Cảm ơn luật sư?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Được biết, hiện tại anh đang sở hữu 1 xe ô tô 4 chỗ và anh cũng đang làm dịch vụ cho thuê xe có lái nhưng chưa xin phép. Sau này anh muốn mua thêm 1- 2 chiếc ô tô để tiếp tục kinh doanh nên hiện tại anh muốn xin đăng kí kinh doanh thì anh nên đăng kí loại hình kinh doanh là: Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cho thuê xe.
Tại Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:
“1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần”.
Về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp được quy định tại Điều 184 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
– Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
– Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tại Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 về quản lý doanh nghiệp được quy định:
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Từ những quy định trên của pháp luật về doanh nghiệp tư nhân, ta có thể thấy được những ưu điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp này đồng thời cũng thấy được một số hạn chế nhất định:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua tổng đài: 1900.6568
Về ưu điểm:
– Vì là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp nên doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp.
– Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng và giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.
Về hạn chế: Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh tư nhân cao, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp chứ không giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.
Như vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật về doanh nghiệp tư nhân cũng như qua việc phân tích ưu điểm và hạn chế của loại hình này và xét vào tình hình thực tế của anh, đó là: anh đang sở hữu 1 xe ô tô 4 chỗ và anh đang làm dịch vụ cho thuê xe có lái nhưng chưa xin phép. Và anh còn muốn mua thêm 1- 2 chiếc ô tô để tiếp tục kinh doanh nên hiện tại anh muốn xin đăng kí kinh doanh thì anh nên đăng kí loại hình kinh doanh là: Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cho thuê xe là phù hợp nhất.